Nóng cuộc đua vào vị trí Tổng thư kí NATO tiếp theo

Tổng thống Romania đang chịu áp lực phải rút khỏi cuộc đua khi nhiều thành viên NATO, trong đó có Mỹ, ủng hộ Thủ tướng Hà Lan trở thành tổng thư kí tiếp theo của liên minh này.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg (trái) trong cuộc gặp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva ngày 12/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg (trái) trong cuộc gặp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva ngày 12/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Chưa đầy hai tháng trước hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO tại Mỹ, cuộc đua vào vị trí người đứng đầu liên minh này ngày càng nóng lên, trong đó Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm Mark Rutte là ứng cử viên nặng ký nhất cho đến nay.

Theo mạng tin châu Âu Euractiv.com ngày 29/5, Thủ tướng Rutte đang có số lượng người ủng hộ cao và cho đến nay chỉ còn ba quốc gia cần thuyết phục. Sau 13 năm nắm giữ chức vụ trong chính phủ, ông Rutte đang trên đà trở thành tổng thư kí tiếp theo của liên minh quân sự phương Tây.

Đó là trong kịch bản nếu đối thủ bất ngờ của ông, Tổng thống Romania Klaus Iohannis, rút lui và Thủ tướng Rutte thuyết phục được một số nước còn lại ủng hộ.

Trong số những nước phản đối có Romania, Hungary - nơi chính phủ đã lên tiếng phản đối ông Rutte mạnh mẽ - và Slovakia, vẫn chưa đưa ra quan điểm do những cải tổ trong nước. Một số người quen thuộc với quy trình này cho biết Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được coi là rào cản cách đây một tháng, đã rút lại lời phản đối.

Hiện tại vẫn chưa rõ liệu Slovakia sẽ ủng hộ Tổng thống Iohannis hay chọn Thủ tướng Rutte. Các nhà ngoại giao NATO hy vọng việc bổ nhiệm tổng thư kí mới sẽ được tiến hành vào thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO vào giữa tháng 7 năm nay.

Trong khi đó, những người ủng hộ ông Rutte tiếp tục đặt câu hỏi về ý định của Tổng thống Iohannis, người đang tích cực tìm kiếm một vị trí lãnh đạo hàng đầu bên ngoài Romania.

Ông Iohannis không chỉ tự đề cử cho vị trí lãnh đạo trong NATO mà còn được nhắc đến ở các vị trí cấp cao trong EU, chẳng hạn như chức ủy viên châu Âu tiềm năng.

Một người quen thuộc với vấn đề cho biết, môi trường quân sự-ngoại giao đã đặt câu hỏi về sự nghiêm túc trong nỗ lực của Tổng thống Iohannis và hy vọng NATO sẽ là lựa chọn ưu tiên của ông. Ngoài ra, ban đầu, việc ông Iohannis ứng cử còn được coi là sự thay thế đến từ Đông Âu.

Theo truyền thống, vị trí lãnh đạo của NATO chỉ được bổ nhiệm dựa trên thành tích. Tuy nhiên, bản chất chính trị của NATO có nghĩa là vị trí cấp cao nhất của liên minh này cũng cần phản ánh sự cân bằng về mặt địa lý.

Mặc dù Thủ tướng Rutte đến từ một quốc gia Tây Âu nhưng các nước Đông Âu và vùng Baltic đã quay sang ủng hộ ông.

Do đó, hầu hết các nước NATO cho rằng đã đến lúc Tổng thống Romania phải rút lui sau hai tháng cạnh tranh chức vụ cao nhất của liên minh này. Kể từ khi tuyên bố cạnh tranh vào tháng 3 năm nay, ông Iohannis chỉ nhận được sự ủng hộ của vài thành viên trong nhóm 32 quốc gia.

Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống Romania đã bác bỏ những khẳng định rằng ông Iohannis bị áp lực phải rời khỏi cuộc đua.

Nhưng hai quan chức cấp cao châu Âu giấu tên cho biết, ông Iohannis đã đạt được thỏa thuận với các đồng minh chủ chốt để rút khỏi cuộc đua vào vị trí Tổng thư kí NATO vào đầu tháng 6, hoặc một tháng trước Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Mỹ. Đầu tháng này, ông Iohannis đã tới Nhà Trắng để gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã ủng hộ Thủ tướng Rutte.

Việc rút khỏi cuộc đua trước bầu cử Nghị viện châu Âu và trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 sẽ mang lại cho ông Iohannis một số thiện chí với các đồng minh phương Tây, điều mà ông có thể nhận được sự thỏa hiệp liên quan đến các vị trí lãnh đạo khác. Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Iohannis sẽ kết thúc vào tháng 12 tới.

Một số kịch bản cho ông Iohannis đang nổi lên ở Brussels. Một lựa chọn là nếu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen không trúng cử nhiệm kỳ 2, thì ông Iohannis sẽ được đề cập như một giải pháp thay thế.

Nhà lãnh đạo Romania đến từ đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm chính trị quyền lực nhất EU, cũng như bà Leyen. Ông Iohannis cũng là một người nói tiếng Đức với hơn 10 năm kinh nghiệm làm nguyên thủ quốc gia.

Romania cũng là một điển hình ở EU khi ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga và hội nhập sâu vào EU.

Một lựa chọn khác đang được đưa ra với Tổng thống Iohannis là ông có thể trở thành ủy viên quốc phòng của EU. Bà Leyen đã chỉ ra rằng sẽ rất tốt nếu có ai đó đến từ Đông Âu cho vị trí đó.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/nong-cuoc-dua-vao-vi-tri-tong-thu-ki-nato-tiep-theo-20240529224141657.htm