Nông dân Ấn Độ chật vật tìm cô dâu
Trong một xã hội bảo thủ, nơi nam giới chiếm hơn 3/4 lực lượng lao động, họ được kỳ vọng sẽ đóng vai trò trụ cột chính cho các gia đình.
Tại trung tâm cuộc khủng hoảng nông nghiệp của Ấn Độ, vùng Vidarbha của Maharashtra, người nông dân không chỉ phải đối mặt với thách thức về biến đổi khí hậu và khó khăn trong việc thu lợi, nam giới ở đây đang gặp phải cuộc khủng hoảng hôn nhân. Họ rất khó lấy vợ vì có cuộc sống bấp bênh về tài chính.
Trong một xã hội bảo thủ, nơi nam giới chiếm hơn 3/4 lực lượng lao động, họ được kỳ vọng sẽ đóng vai trò trụ cột chính cho các gia đình. Trong bối cảnh kinh tế bấp bênh, nhiều người trong số họ không thể thuyết phục phụ nữ kết hôn với mình.
Những nỗ lực của họ nhằm xây dựng một tương lai ổn định hơn về mặt tài chính cho bản thân thường vấp phải các yếu tố gần như nằm ngoài tầm kiểm soát như mức trợ cấp, giá cả, tình trạng thiếu hụt nông sản, việc làm, các khoản nợ gia tăng do thời tiết khắc nghiệt…
Trước sự từ chối của phụ nữ, một số nam nông dân Ấn Độ viện lý do “chưa muốn kết hôn”. Một số người cho rằng họ cần thêm thời gian để xây ngôi nhà tốt hơn, người khác lại nói rằng họ muốn có công việc tốt hơn. Một số thậm chí còn nói dối về tuổi.
Pravin Pawar, 31 tuổi, rời bỏ truyền thống làm nông, hoàn thành bằng cử nhân và sau đó là Thạc sĩ kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn khi tìm việc làm tốt ở địa phương đồng nghĩa với việc Pawar (làng Dabhadi), chỉ tìm được công việc lương thấp là may quần bò.
Anh bắt đầu tham gia các kỳ thi mang tính cạnh tranh để mang lại cho mình công việc trong chính phủ, bất kể ở bộ phận nào. Nhiều năm trôi qua nhưng anh không thành công. Do vậy, anh đã bỏ thi và tìm việc làm trở lại. Một lần nữa, anh chỉ có thể kiếm được những công việc lương thấp và hy vọng tìm được cô dâu đã mờ nhạt dần.
Không chỉ nam giới khó kết hôn
Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, tại các ngôi làng thuộc vùng Vidarbha của Maharashtra, cảnh tượng những nông dân độc thân ở độ tuổi 30 ngày càng phổ biến ở một quốc gia có độ tuổi nam giới kết hôn trung bình là 26.
Ashish Jadhav, 36 tuổi, đã tìm kiếm cô dâu gần 5 năm và hầu hết mọi người anh ấy biết đều ở trong tình trạng tương tự.
“Trong số bạn học đại học của tôi, chỉ có 30% nam giới tìm được cô dâu” - Jadhav nói - “Các gia đình có con gái đều mong chàng rể có việc làm hoặc một nông dân có đất rộng được tưới tiêu nhưng tôi không có”.
Khi Jadhav gặp gia đình các cô dâu tiềm năng, anh nói với họ rằng anh 30 tuổi chứ không phải 36.
Bhushan Unde, 31 tuổi, bạn của Jadhav, nói rằng việc một nam giới 36 tuổi ở vùng nông thôn Maharashtra cưới được vợ là điều khó có thể xảy ra.
Các nhà hoạt động xã hội dân sự đồng ý với những gì Unde và Jadhav nói nhưng cho biết thêm rằng những “yêu cầu” này từ phụ nữ và gia đình họ là có logic.
Nhà hoạt động Aarti Bais tin rằng những yêu cầu như vậy được thúc đẩy bởi 2 yếu tố: Nhu cầu về một tương lai chắc chắn và an toàn hơn cũng như khát vọng ngày càng cao.
Kể từ đầu thế kỷ, khu vực này của Ấn Độ đã chứng kiến hàng chục nghìn nông dân tự sát do cuộc khủng hoảng nông nghiệp. Các gia đình có thiếu nữ nhận thức được sự bấp bênh mà nghề nông mang lại nên rất thận trọng trong việc lựa chọn bạn đời cho con.
Bais là người làm việc với Swarajya Mitra, một tổ chức giải quyết các vấn đề của nông dân và thanh niên ở Vidarbha. Bà cho biết, các gia đình cô dâu hiện nay có xu hướng tập trung vào của cải vật chất nhiều hơn, đến mức họ thích những người đàn ông làm công việc của chính phủ hơn.
Bà thông tin thêm, nếu một người đàn ông có công việc độc lập thì các gia đình đó muốn họ sở hữu cả đất nông nghiệp, phòng trường hợp mất việc làm. Theo bà, kết quả rất đáng buồn. Cả nam giới và phụ nữ đều khó kết hôn, thường phải đợi đến gần 30 tuổi.
Hy vọng mờ dần
Dù khó khăn, giấc mơ và hy vọng về hôn nhân vẫn tiếp tục tồn tại. Với bằng đại học và chuyên ngành sinh học trong tay, Unde nỗ lực tìm kiếm việc làm.
Tuy nhiên, ngôi làng Raveri của Unde không có việc làm nên anh đã đến Ralegaon, cách đó khoảng 3km và kiếm được công việc điều hành văn phòng tại một bệnh viện công với mức lương 9.000 rupee (108 USD) mỗi tháng.
Tiếp theo, anh được người thân và bạn bè khuyên cần xây một ngôi nhà mới để gây ấn tượng với bất kỳ cô gái nào. Với mức lương hầu như không đủ trang trải chi phí, Unde bán mảnh đất mà gia đình họ sở hữu hàng chục năm.
Ngôi nhà mới đã sẵn sàng nhưng toàn bộ tiền đã dồn vào việc xây nhà nên Unde không còn tiền để cưới.
Mỗi năm, Unde tin rằng sản phẩm nông nghiệp của năm tới sẽ giải quyết được vấn đề của gia đình nhưng anh đều thất vọng trở về nhà sau khi bán chúng. Vài năm qua, mưa lớn và mưa đá khiến mùa màng thất bát. Năm nào không mất mùa thì giá sản phẩm lại sụt giảm.
Hiện tại, hy vọng về đám cưới đang tắt dần và Unde quay trở lại công việc kinh doanh ở trang trại.
Làm sao để nuôi vợ?
Không giống như Unde, Dnyaneshwar Rathod, 31 tuổi, từ làng Dabhadi cho biết anh học được rằng không nên để vận may phụ thuộc vào nông nghiệp như cha mình.
Người cha Prakash Rathod của anh đã trải qua nhiều năm mất mùa khiến khoản nợ của ông tăng lên mỗi năm. Một ngày nọ, năm 2013, ông từ trang trại về nhà, uống thuốc độc rồi tự kết liễu đời mình khi 45 tuổi vì không thể gánh nổi món nợ nữa.
Từ đó, Dnyaneshwar đã kiên định tránh xa trang trại đã đẩy cha anh đến bờ vực thẳm. Anh muốn tự học để không phụ thuộc vào nông nghiệp nữa. Anh lấy được bằng sau đại học và tiếp theo là bằng sư phạm.
Dnyaneshwar tìm việc nhưng chỉ có việc không yêu cầu trình độ học vấn và lương thấp. Vì vậy, anh quyết định nộp đơn xin vào chính phủ với đủ công việc như giáo viên, nhân viên y tế, trợ lý thuế, thư ký và thanh tra thuế… miễn là có vị trí trống. Thế nhưng 6 năm trôi qua, anh vẫn chưa nhận được một lời mời làm việc nào.
Do đó, Dnyaneshwar tin mình đã “rất muộn màng” trong việc kết hôn. Anh nói: “Tôi 31 tuổi và chưa lập gia đình, điều này chưa từng xảy ra trong cộng đồng của tôi”.
Dnyaneshwar vẫn muốn kết hôn nhưng anh hiểu cần đối mặt với rất nhiều khó khăn cho đến khi tìm được một công việc lương cao. “Nếu tôi không kiếm được một đồng nào thì làm sao tôi có thể nuôi được vợ?”, anh nói.
Theo Al Jazeera
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nong-dan-an-do-chat-vat-tim-co-dau-post694257.html