Nông dân Ba Lan nổi giận, cảnh báo 'cái chết của nền nông nghiệp', EU đã xuống nước, họ còn muốn gì?

Cuộc biểu tình của nông dân Ba Lan vẫn đang 'leo thang', nhằm phản đối cam kết nhập khẩu thực phẩm giá rẻ từ nước láng giềng Ukraine mà Liên minh châu Âu (EU) vừa đồng ý gia hạn và các quy định mới về môi trường của khối này được gọi là 'Thỏa thuận xanh'.

Nông dân Ba Lan nổi giận, cảnh báo ‘cái chết của nền nông nghiệp’, EU đã xuống nước, họ còn muốn gì? (Nguồn: EPA)

Nông dân Ba Lan nổi giận, cảnh báo ‘cái chết của nền nông nghiệp’, EU đã xuống nước, họ còn muốn gì? (Nguồn: EPA)

“Cái chết của nền nông nghiệp Ba Lan

Diễn biến mới nhất vào ngày 20/3, nông dân Ba Lan chặn tất cả các ngả đường bằng máy kéo và pháo sáng. Bên cạnh quốc kỳ, máy móc nông nghiệp là “rừng” biểu ngữ và hình ảnh cho thấy sự phẫn nộ - chẳng hạn, một tên đao phủ với dòng chữ "Thỏa thuận xanh đồng nghĩa với cái chết của nền nông nghiệp Ba Lan".

Truyền thông châu Âu đưa tin, những người biểu tình cảnh báo việc phong tỏa đường tại hơn 500 điểm dân cư - máy móc nông nghiệp xuất hiện trên các đường phố và cả đường cao tốc. Nông dân Ba Lan cũng thông báo sẽ chặn khoảng 10 tuyến đường cao tốc quan trọng dẫn đến thủ đô Warsaw.

Cảnh sát Ba Lan xác nhận, hơn 580 cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch, trong đó ít nhất 70.000 nông dân tham gia.

Những người biểu tình phản ánh, nông sản Ukraine giá rẻ đang tràn ngập châu Âu khiến họ không thể cạnh tranh. Tại địa điểm bị phong tỏa Zakret, Lukasz Komorowski – một người tổ chức biểu tình cho biết: “Chúng tôi yêu cầu rút toàn bộ “Thỏa thuận xanh - các chính sách của EU nhằm sớm đạt được các mục tiêu về khí hậu)”, chúng tôi yêu cầu rút lại 'Fit for 55' - kế hoạch khí hậu của EU, tất cả các giới hạn về lượng khí thải, tất cả các lệnh cấm và hạn chế".

Ngày 20/3, EU đã đạt được một thỏa thuận tạm thời nhằm gia hạn quyền tiếp cận miễn thuế của các nhà sản xuất thực phẩm Ukraine vào thị trường khu vực cho đến tháng 6/2025 – và đã có bổ sung những hạn chế mới về nhập khẩu ngũ cốc.

Các nhà lãnh đạo biểu tình ở Ba Lan cho biết, họ không hài lòng với thỏa thuận mới nhất vì nó dựa trên số liệu của những năm gần đây như một tài liệu tham khảo về giới hạn nhập khẩu. Họ muốn hạn ngạch dựa trên số liệu trước khi xung đột quân sự ở Ukraine bắt đầu – khi đó, nhập khẩu thấp hơn nhiều.

“Chúng tôi yêu cầu phải có hạn ngạch và “hạn ngạch” đó được tính dựa trên số liệu giai đoạn từ năm 2000, chứ không phải như Ukraine mong muốn trong giai đoạn 2022-2023 - vì đó là thời điểm mức (nhập khẩu) đã cao nhất. Điều này không làm chúng tôi hài lòng, vì đây không phải là giải pháp tốt”, Slawomir Izdebski, lãnh đạo hiệp hội nông dân OPZZ cho biết.

Ngoài những bức xúc chủ yếu về “Thỏa thuận xanh”, dòng nông sản Ukraine giá rẻ qua biên giới, Przemyslaw Galazka, 33 tuổi – một người biểu tình ở thị trấn Zakret bên ngoài Warsaw chia sẻ thực tế: “Tiền cũng là một vấn đề. Chúng tôi có thể thua lỗ trong bao lâu?... Hai năm vừa qua khó khăn nhưng giá ngũ cốc ít nhiều vẫn ổn định, trong khi đó, hiện nay người nông dân nào cũng tự hỏi liệu có nên ra đồng gieo hạt hay không”.

Tia hy vọng mong manh

Nông dân Ba Lan đã chặn các cửa khẩu biên giới với Ukraine kể từ tháng trước để phản đối điều mà họ cho là sự cạnh tranh không công bằng từ hàng hóa Ukraine. Đầu tháng này, họ cũng đã tổ chức một cuộc biểu tình ở thủ đô Warsaw với hàng nghìn người tham dự và dẫn đến đụng độ với cảnh sát, khiến hơn hai chục người bị giam giữ.

Ngày 20/3, người biểu tình tiếp tục gây tắc nghẽn giao thông ở biên giới với Ukraine. “Nông dân đã chặn đường tại cửa khẩu biên giới Medyka. Họ chỉ cho phép một xe buýt đi qua cứ hai giờ một lần”, người phát ngôn cảnh sát địa phương Joanna Golisz cho biết.

Hiện tại, nông dân Ba Lan đang chặn các con đường tiếp cận Warsaw và các thành phố lớn khác bao gồm Wroclaw, Poznan và Bydgoszcz.

Ukraine đã phải chứng kiến ngành nông nghiệp bị “tê liệt”, do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu từ năm 2022, khiến nhiều tuyến đường xuất khẩu chính của nước này qua Biển Đen bị phong tỏa và nhiều vùng đất nông nghiệp không thể sử dụng được do giao tranh.

Trong nỗ lực hỗ trợ Kiev về mặt kinh tế, đồng minh EU đã nhanh chóng bãi bỏ thuế quan đối với hàng hóa Ukraine vận chuyển qua 27 quốc gia của khối bằng đường bộ. Nhưng do các vấn đề về hậu cần khiến một lượng lớn ngũ cốc Ukraine xuất khẩu ra các nước ngoài EU đã tích lũy ở Ba Lan, làm giảm giá của các nhà sản xuất địa phương.

Vừa mới đây, các quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa thuận hạn chế nhập khẩu miễn thuế một số loại ngũ cốc của Ukraine, nhằm xoa dịu những bức xúc của nông dân Ba Lan, cũng như một số nước EU khác.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Czeslaw Siekierski cũng đã ký một thỏa thuận sơ bộ với đại diện nông dân nước này vào đầu tuần về các khoản trợ cấp theo kế hoạch, điều chỉnh quan hệ thương mại với Ukraine và các điều khoản khác. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn chưa đủ để ngăn chặn các cuộc phong tỏa và leo thang biểu tình của nông dân vào ngày 20/3.

“Đó là một tia hy vọng nhỏ, nhưng điều gì đó cuối cùng sẽ xảy ra”, ông Roman Kondrow, một trong những đại diện nông dân đã ký văn bản nói, nhưng vẫn bày tỏ bức xúc vì một số vấn đề chính vẫn chưa được giải quyết triệt để, chẳng hạn, vẫn còn tới 5 triệu tấn ngũ cốc dư thừa cần được loại bỏ khỏi biên giới với Ukraine…

Các cuộc phong tỏa biên giới và tranh chấp ngũ cốc đã làm căng thẳng thêm mối quan hệ Warsaw-Kiev, ngay cả khi Ba Lan đã thể hiện sự ủng hộ trung thành với nước láng giềng kể từ sau xung đột Nga-Ukraine.

Trong khi đó, không chỉ nông dân Ba Lan, những đồng nghiệp của họ ở một số nước châu Âu khác cũng đã “ra đường” trong nhiều tuần qua. Hàng trăm nông dân đã biểu tình bằng cách lái xe với tốc độ “rùa bò” trên khắp các ngả đường ở CH. Czech. Họ cũng chặn cửa khẩu biên giới Strazny với Đức trong một giờ.

Tuần trước, EC cũng đã đưa ra một số nhượng bộ nhất định đối với nông dân, chẳng hạn đề xuất nới lỏng các quy định về bỏ hoang đất đai hoặc luân canh cây trồng, các đề xuất cải tiến chương trình trợ cấp của khối, được gọi là Chính sách nông nghiệp chung (CAP), nhằm xoa dịu nông dân trên khắp lục địa. Tuy nhiên, những thay đổi được đề xuất trong CAP vẫn cần được đàm phán giữa các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu.

(theo AFP, Reuters)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nong-dan-ba-lan-noi-gian-canh-bao-cai-chet-cua-nen-nong-nghiep-eu-da-xuong-nuoc-ho-con-muon-gi-264924.html