Có một trung tâm logistics Đồng Nai mới sau sáp nhập

Sau sáp nhập Bình Phước, quy mô GRDP tỉnh Đồng Nai mới ước đạt hơn 375.000 tỷ. Đặc biệt, nơi đây sẽ trở thành một 'siêu trung tâm' logistics của khu vực Đông Nam Bộ.

Nghị quyết số 60 được thông qua tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước, giảm từ 63 đơn vị xuống còn 34 đơn vị.

Trong đó, Đồng Nai và Bình Phước là 2 địa phương nằm trong diện sắp xếp, sáp nhập ở cấp tỉnh, hình thành đơn vị hành chính mới mang tên Đồng Nai, với trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Biên Hòa.

Sau khi sáp nhập, tỉnh Đồng Nai mới có quy mô dân số trên 4,4 triệu người, đứng thứ 3 cả nước, và diện tích tự nhiên khoảng 12.737 km2. Đáng chú ý, việc sáp nhập Đồng Nai và Bình Phước cũng sẽ hình thành một "siêu trung tâm" logictics của khu vực Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng giao thông và cảng biển, hàng không quy mô lớn tại địa phương này.

Tiềm lực kinh tế Đồng Nai - Bình Phước

Là một trong những địa phương công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, Đồng Nai khép lại năm 2024 với những con số tăng trưởng ấn tượng.

Báo cáo của Chi cục Thống kê tỉnh cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt hơn 260.200 tỷ đồng, tăng 8,02% so với năm 2023. Mức tăng này không chỉ vượt xa mục tiêu đề ra từ đầu năm (6,5-7%) mà còn cao hơn đáng kể so với mức tăng của năm trước.

Tăng trưởng GRDP của Đồng Nai cũng vượt qua TP.HCM (7,17%) và Bình Dương (7,48%), chỉ xếp sau Bình Phước (9,32%) và Tây Ninh (8,45%) trong khu vực Đông Nam Bộ.

GRDP bình quân đầu người năm 2024 của Đồng Nai ước đạt 148,94 triệu đồng/người, phản ánh sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế địa phương.

Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, tỉnh tiếp tục khẳng định vị thế trong top đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 277 dự án đầu tư mới và dự án tăng vốn trong năm.

Ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, cho biết trong năm 2024, tỉnh đã thu hút được gần 1,5 tỷ USD vốn đầu tư FDI, tăng 37% so với năm 2023. Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư trong nước đạt hơn 144.677 tỷ đồng, cao gấp gần 8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Bình Phước lại nổi lên như một địa phương phát triển năng động của khu vực Đông Nam Bộ. Năm 2024, quy mô GRDP của tỉnh ước đạt hơn 115.000 tỷ đồng, tăng gấp 92 lần so với năm 1997 - thời điểm tái lập tỉnh.

Giai đoạn 2021-2024, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh này đạt trên 9%, riêng năm 2024 ghi nhận mức tăng 9,32%, cao nhất khu vực và đứng thứ 11 cả nước.

GRDP bình quân đầu người năm 2024 của Bình Phước đạt 108,40 triệu đồng/người, tăng 13,4% so với năm trước, cho thấy mức sống và thu nhập của người ngày càng được cải thiện.

Một trong những điểm nhấn nổi bật của Bình Phước trong năm qua là thành công trong thu hút vốn đầu tư FDI. Tỉnh đã thu hút được 35 dự án mới với tổng vốn đăng ký đạt 639 triệu USD.

Tính đến cuối năm 2024, Bình Phước có tổng cộng 439 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký lũy kế vượt mốc 5 tỷ USD. Bên cạnh đó, địa phương cũng ghi dấu ấn khi gia nhập nhóm các tỉnh có quy mô thu ngân sách trên 10.000 tỷ đồng/năm.

Trung tâm liên kết vùng

Theo Đề án sáp nhập, tỉnh mới sẽ giữ nguyên tên gọi là tỉnh Đồng Nai, với quy mô GRDP ước đạt hơn 375.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người vượt 130 triệu đồng/người.

Với vị trí địa lý chiến lược, Biên Hòa (Đồng Nai) hiện là đầu mối giao thông - kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ. Thành phố này hội tụ hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 1, quốc lộ 51, đường sắt Bắc - Nam, cùng nhiều dự án trọng điểm đang được triển khai.

Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Long Thành - dự kiến đưa vào vận hành năm 2026 - được xem là “trợ lực vàng” thúc đẩy quá trình liên kết vùng, giúp kết nối "siêu đô thị" TP.HCM với các trung tâm kinh tế lớn trong nước và quốc tế.

Loạt dự án hạ tầng trọng điểm đang triển khai tại Đồng Nai. Ảnh: Quỳnh Danh.

Loạt dự án hạ tầng trọng điểm đang triển khai tại Đồng Nai. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ngay từ đầu năm nay, Đồng Nai đã có những bước đi chủ động để đón đầu làn sóng đầu tư mới, đặc biệt trong lĩnh vực logistics. Tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án, gồm 7 dự án mới và 6 dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư hơn 500 triệu USD.

Trong đó, một số doanh nghiệp đã tập trung đầu tư vào lĩnh vực cho thuê nhà xưởng, kho bãi và lưu trữ hàng hóa tại huyện Long Thành, tận dụng lợi thế sẵn có từ sân bay quốc tế Long Thành.

Về xu hướng đầu tư, đã có sự chuyển dịch rõ rệt về địa bàn. Phần lớn nhà đầu tư đăng ký vốn lần đầu giai đoạn này đều lựa chọn khu vực gần sân bay Long Thành như huyện Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom.

Các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư tại Đồng Nai cũng tiếp tục chọn các địa bàn này, thể hiện sự tin tưởng vào tiềm năng phát triển dài hạn của vùng kinh tế trọng điểm mới hình thành.

Nhằm phục vụ mục tiêu liên kết vùng, Đồng Nai dự kiến phân bổ khoảng 11.000 tỷ đồng từ ngân sách để đầu tư xây dựng cầu Mã Đà với quy mô 8 làn xe và mở rộng tuyến đường kết nối về Long Thành và Cái Mép - Thị Vải; sẽ khởi công vào tháng 6.

Cảng Phước An - cảng biển lớn nhất tỉnh Đồng Nai - tọa lạc ngay bên bờ sông Thị Vải, gần các khu công nghiệp lớn như Nhơn Trạch và Long Thành đang được quy hoạch làm điểm nhấn hạ tầng quan trọng để tăng cường liên kết với trung tâm kinh tế TP.HCM.

Về phía Bình Phước, địa phương này cũng chủ động triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn nhằm đón đầu làn sóng phát triển mới trong khu vực.

HĐND tỉnh Bình Phước vừa thông qua chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuyến cao tốc này dự kiến thi công từ năm 2025, cơ bản hoàn thành trong năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Song song đó, Bình Phước cũng triển khai dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà, tuyến kết nối chiến lược giữa sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Với sự cộng hưởng từ tiềm lực kinh tế, vị trí địa lý chiến lược và quy hoạch hạ tầng đồng bộ, việc sáp nhập Đồng Nai và Bình Phước được kỳ vọng sẽ tạo nên một cực tăng trưởng mới ở Đông Nam Bộ.

Tỉnh mới không chỉ có vai trò dẫn dắt trong phát triển công nghiệp và logistics, mà còn trở thành động lực thúc đẩy quá trình đô thị hóa và kết nối vùng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/co-mot-trung-tam-logistics-dong-nai-moi-sau-sap-nhap-post1546108.html