Nông dân châu Âu chế tạo khí sinh học để bù đắp năng lượng của Nga
Trên những cánh đồng tươi tốt ở phía tây nam Paris, những người nông dân đang tham gia cuộc chiến của châu Âu để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Họ sẽ sớm khai trương một cơ sở mới, nơi cây trồng và chất thải nông nghiệp được nghiền nhỏ và lên men để tạo ra “khí sinh học”. Đây là một trong số các giải pháp năng lượng đang được thúc đẩy trên lục địa để hạn chế sự phụ thuộc năng lượng đối với Nga.
Bên trong một nhà máy sản xuất năng lượng khí sinh học ở Pháp. Ảnh: AP
Bài liên quan
Phía sau lệnh trừng phạt: Cuộc cách mạng năng lượng tái tạo bắt đầu!
Công nhân Hy Lạp biểu tình phản đối giá năng lượng tăng cao
Đức mua năng lượng của Nga nhiều nhất kể từ cuộc xung đột Ukraine
Liên minh châu Âu đặt mục tiêu bỏ hoàn toàn năng lượng Nga từ năm 2027
Các nhà máy khí đốt nhỏ ở nông thôn cung cấp năng lượng cho hàng trăm hoặc hàng nghìn ngôi nhà gần đó, dự kiến sẽ thay thế dòng khí đốt nhập khẩu từ Nga hiện tại. Nhưng cũng có nhiều người chỉ trích việc sử dụng cây trồng để làm khí đốt cho rằng nông dân nên tập trung vào việc trồng lương thực, đặc biệt là khi giá cả đang tăng vọt trong bối cảnh hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, khí sinh học là một phần của các giải pháp cho câu hỏi làm thế nào để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của châu Âu.
Hiệp hội khí sinh học châu Âu cho biết Liên minh châu Âu có thể nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất khí mêtan sinh học, được bơm vào các mạng lưới khí đốt tự nhiên. Khoản đầu tư 83 tỷ euro vào ngành năng lượng sinh học vẫn thấp hơn số tiền mà 27 quốc gia thành viên của EU phải trả mỗi năm cho Nga cho khí đốt tự nhiên. Các nhà máy sẽ tạo ra sản lượng khí mêtan sinh học tăng gấp 10 lần vào năm 2030 và có thể thay thế khoảng 1/5 lượng năng lượng nhập khẩu từ Nga vào năm ngoái.
Những người nông dân xung quanh ngôi làng Sonchamp thuộc vùng Paris cảm thấy nhà máy khí đốt mới của họ sẽ làm được điều đó để giảm sự phụ thuộc của châu Âu với Nga.
Ông Christophe Robin, một trong sáu nhà đầu tư của nhà máy, người sở hữu các trang trại lúa mì, hạt cải dầu, củ cải đường và gà cho biết: “Chúng ta không nhất thiết phải đi mua khí đốt từ Nga".
“Nếu chúng ta muốn tiêu thụ năng lượng xanh và tránh mua khí đốt của Nga, chúng ta thực sự không có lựa chọn. Chúng ta phải tìm ra các giải pháp thay thế", ông nói.
Khí sinh học được tạo ra bằng cách lên men các vật liệu hữu cơ như cây trồng và chất thải.
Khí đốt từ nhà máy của họ có thể đáp ứng nhu cầu của 2.000 ngôi nhà. Khí đốt sẽ được tinh chế thành mêtan sinh học và được bơm vào một đường ống dẫn đến thị trấn Rambouillet gần đó, sưởi ấm bệnh viện, hồ bơi và các ngôi nhà.
Giống như phần còn lại của châu Âu, việc sản xuất khí mêtan sinh học ở Pháp vẫn còn nhỏ. Nhưng ngành này đang bùng nổ. Trung bình mỗi tuần, gần ba địa điểm sản xuất khí mêtan sinh học được đưa vào hoạt động ở Pháp và số lượng của chúng đã tăng từ chỉ 44 vào cuối năm 2017 lên 365 vào năm ngoái. Khối lượng khí đốt mà họ sản xuất cho mạng lưới quốc gia đã tăng gần gấp đôi vào năm 2021 so với năm trước đó và đủ cung cấp cho 362.000 ngôi nhà.
Chính phủ Pháp đã thực hiện một số bước để đẩy nhanh sự phát triển khí mêtan sinh học kể từ sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ngành công nghiệp cho biết khí mêtan sinh học đã chiếm gần 1% nhu cầu của Pháp vào năm 2021 nhưng con số đó sẽ tăng lên ít nhất 2% trong năm nay và nó có thể chiếm 20% lượng khí đốt tiêu thụ của Pháp vào năm 2030.
Ông Robin cho biết, những người nông dân ở Sonchamp đã vay 5 triệu euro và nhận được khoản trợ cấp 1 triệu euro của nhà nước để xây dựng nhà máy của họ. Họ đã ký hợp đồng 15 năm với công ty tiện ích Engie, với một mức giá cố định cho khí đốt sinh học. Điều đó sẽ hạn chế khả năng thu được lợi nhuận từ giá xăng cao như hiện nay nhưng vẫn đảm bảo thu nhập ổn định cho họ.
Đại mạch mùa đông được trồng để làm khí đốt sẽ chiếm khoảng 80% trong số 30 tấn vật liệu hữu cơ sẽ được cung cấp mỗi ngày cho cây trồng.
Ông Robin khẳng định rằng lúa mạch sẽ không cản trở việc trồng các loại cây khác để làm thực phẩm, điều mà các nhà phê bình lo lắng. Thay vì một vụ lương thực mỗi năm, giờ đây họ sẽ có ba vụ thu hoạch trong hai năm.
Tại Đức, nước sản xuất khí sinh học lớn nhất ở châu Âu, chính phủ đang cắt giảm việc canh tác cây trồng để lấy nhiên liệu. Tỷ lệ ngô được phép sử dụng trong các cơ sở khí sinh học sẽ giảm từ 40% xuống 30% vào năm 2026. Tuy nhiên, các biện pháp đầu tư tài chính sẽ được cung cấp để các nhà khai thác sử dụng các chất thải như phân và rơm rạ thay thế.
Quốc Thiên (Theo AP)