Nông dân chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa mùa
Vụ mùa năm 2022, toàn tỉnh gieo cấy 23.573 ha lúa, trong đó hơn 13.000 ha lúa 1 vụ vùng cao và 10.500 ha lúa 2 vụ vùng thấp. Hiện lúa vùng cao trà sớm đã và đang thu hoạch, trà muộn đang phổ biến giai đoạn trỗ bông - chín sữa. Lúa 2 vụ vùng thấp chủ yếu đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, phát triển thân lá mạnh.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, đa số diện tích lúa mùa sinh trưởng, phát triển tốt. Diện tích nhiễm sâu, bệnh hại ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến bất thường, thường xuyên nắng nóng ban ngày, mưa nhiều về tối và đêm, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để sâu, bệnh phát sinh, phát triển và gây hại. Các loại sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy nâu, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn… đã xuất hiện và gây hại trên một số diện tích lúa mùa.
Vụ mùa năm nay, gia đình ông Nông Đức Duần (thôn Làng Chung, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát) gieo cấy khoảng 20 kg giống lúa Bao Thai và 5 kg giống lúa nếp. Do thời tiết diễn biến thất thường, ông thường xuyên thăm đồng, theo dõi tình hình phát triển của cây lúa và sâu, bệnh hại. Theo ông Duần, năm nay diện tích lúa Bao Thai của gia đình xuất hiện bệnh vàng lá và sâu đục thân nên phải phun thuốc phòng, trừ.
“Với lượng đã xuống giống, nếu thuận lợi, gia đình tôi sẽ thu hoạch được khoảng 60 bao thóc (tương đương 3 tấn thóc). Tuy nhiên, tôi lo lắng bởi sâu, bệnh hại có thể khiến năng suất giảm. Hy vọng cây lúa sẽ phát triển tốt sau khi được phun thuốc phòng, trừ”, ông Duần nói.
Thời gian qua, do thời tiết diễn biến phức tạp, một số loại sâu, bệnh hại như đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá, bệnh bạc lá... xuất hiện trên một số diện tích lúa ở cánh đồng khu vực thôn Đồng Căm, thôn Bản Sinh của xã Lùng Vai (huyện Mường Khương). Chính quyền địa phương cùng các cơ quan chuyên môn của huyện đã trực tiếp đến kiểm tra, cung cấp thuốc và hướng dẫn người dân xử lý.
Anh Hoàng Văn Minh (thôn Đồng Căm, xã Lùng Vai) cho biết: Nhờ thường xuyên thăm đồng nên khi phát hiện sâu, bệnh gây hại, tôi kịp thời phun thuốc trừ. Sau 2 lần phun thuốc, tình hình sâu, bệnh hại trên lúa đã giảm.
Ngoài việc thăm đồng thường xuyên, người dân còn bón phân để giúp cây lúa phát triển, đẻ nhánh khỏe và làm đòng trên lúa 2 vụ vùng thấp. Nông dân các địa phương được khuyến cáo tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ thay phân bón vô cơ khi giá cả các loại phân bón vô cơ tăng mạnh. Đồng thời, người dân chủ động về nguồn nước, phát quang bờ bụi, làm cỏ để lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, từ trung tuần tháng 8 trở đi, sâu, bệnh có nguy cơ xuất hiện và gây hại mạnh trên diện tích lúa mùa 2 vụ vùng thấp. Các loại sâu, bệnh chủ yếu xuất hiện và gây hại trên lúa giai đoạn đứng cái, làm đòng, có nguy cơ phát sinh mạnh với mật độ cao, gây hại đồng loạt trên các trà lúa mùa. Đáng chú ý, người dân cần theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời đối với các loại sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, bệnh lùn sọc đen, bệnh nghẹt rễ, vàng lá sinh lý, bệnh khô vằn…
Ngoài ra, các loại bọ trĩ, sâu cuốn lá, sâu cắn gié, bọ xít dài, chuột, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, bệnh đốm nâu, hoa cúc, lem lép hạt... cũng có nguy cơ xuất hiện và gây hại rải rác. Người dân cần chú ý theo dõi và triển khai các biện pháp phòng, trừ khi đến ngưỡng…
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359824-nong-dan-chu-dong-cham-soc-bao-ve-lua-mua