Nông dân chung tay bảo vệ môi trường
Vấn đề môi trường đang là một trong những khó khăn của các địa phương. Làm sao để thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường là mục tiêu của Dự án 'Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế'.
Lợi ích kép
Trong tháng 10, hơn 60 cán bộ, hội viên nông dân các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn và Sơn Dương đã có buổi tham quan, học tập mô hình chăn nuôi giun trùn quế của gia đình anh Dương Văn Thành, thôn Lũng, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Đây là một chuyến trải nghiệm rất thú vị đối với các hội viên nông dân có niềm đam mê sản xuất nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường.
Trước đây, gia đình anh Dương Văn Thành thực hiện mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo. Nhưng chăn nuôi nhiều, anh bắt đầu nhận thấy sự ô nhiễm của chất thải ra môi trường rất lớn. Anh bắt đầu tìm hiểu mô hình nuôi giun trùn quế để phân hủy chất thải chăn nuôi, vừa kiếm thêm thu nhập từ bán giun, phân hữu cơ của trùn. Cuối năm 2019, anh mua 5 tấn giun giống về để nuôi. Toàn bộ phế thải đàn trâu, bò của gia đình được anh tận thu để nuôi giun trùn quế. Từ ngày nuôi giun, môi trường chuồng trại của gia đình anh được cải thiện rõ rệt, không mùi hôi thối.
Hiện nay, mỗi năm gia đình anh thu đều đặn 3 lần phân trùn quế, dao động từ 500 đến 700 tấn. Anh còn chủ động con giống tại các bể nuôi nên mô hình lúc nào cũng có sản phẩm để bán ra thị trường khi có yêu cầu.
Mô hình kinh tế hiệu quả, tháng 7-2021, anh Dương Văn Thành đã liên kết cùng 6 cá nhân có chung niềm đam mê chăn nuôi thành lập HTX Chăn nuôi Thành Lâm. Mục đích là chăn nuôi, nuôi giun trùn quế và bán sản phẩm hữu cơ sạch ra thị trường.
Đầu năm 2024, chị Nguyễn Thị Huyền, tổ 2, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) được tham gia lớp tập huấn về phương pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường. Sau đó, chị Huyền đã áp dụng phương pháp nuôi sâu canxi, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày.
Chị Huyền chia sẻ: trước đây, gia đình chị nuôi gà theo cách truyền thống, mặc dù có rải trấu, dọn vệ sinh hàng tuần, nhưng chuồng trại vẫn có mùi hôi. Từ khi chuyển sang nuôi gà trên đệm lót sinh học, chị vẫn sử dụng các phụ phẩm như rơm, trấu nhưng kết hợp với phun dung dịch men vi sinh giúp phân giải phân, tiêu diệt sự phát triển của các vi sinh vật có hại. Nhờ đó, chuồng trại không mùi hôi. Sau 6 tháng, người chăn nuôi mới phải dọn chuồng, công việc chăn nuôi đỡ vất vả hơn hẳn. Để xây dựng quy trình khép kín trồng trọt, chăn nuôi, chị Huyền nuôi thêm sâu canxi. Thức ăn của sâu canxi là phụ phẩm rau, củ, quả. Đây là thức ăn đầy bổ dưỡng cho gà. Nhờ đó, đàn gà gần 100 con của gia đình chị sinh trưởng khỏe mạnh, giảm được chi phí thức ăn. Mô hình của gia đình chị theo một vòng tuần hoàn, mang lại lợi ích kép, phế thải nông nghiệp nuôi sâu canxi, sâu canxi dùng để chăn nuôi gà, phế thải phân gà bón cây trồng. Như vậy, chị vừa tiết kiệm chi phí để mua thức ăn chăn nuôi, con vật cũng lớn nhanh hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Chung tay bảo vệ môi trường
Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai tại 15 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có Tuyên Quang.
Hội Nông dân tỉnh đã lựa chọn 9 xã, phường, thị trấn thuộc 3 huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa và TP Tuyên Quang triển khai thực hiện dự án. Mục tiêu của dự án là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nông dân tại địa phương về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; xây dựng và nhân rộng các mô hình về chuyển đổi chất thải thành nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người nông dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Vĩnh An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Sau hơn 2 năm triển khai, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tổ chức 2 khóa đào tạo giảng viên nguồn cho cán bộ, hội viên nông dân nòng cốt thuộc các địa phương tham gia Dự án; tập huấn gần 2.000 hội viên nông dân; tổ chức 4 chuyến tham quan, học tập mô hình nuôi sâu canxi, trùn quế trong và ngoài tỉnh. Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ xây dựng được gần 300 mô hình áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện với môi trường, như kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, nuôi sâu canxi, trùn quế, kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học với hàng nghìn hộ dân tham gia.
Việc triển khai Dự án đã giúp người nông dân trên địa bàn tỉnh biết cách phân loại, xử lý rác thải, giảm tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch, từng bước giải quyết tình trạng lãng phí thức ăn dư thừa, chất thải chăn nuôi; tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm phân bón hóa học, giảm nhân công lao động và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, 100% các huyện, thành phố thực hiện mô hình “Đồng ruộng sạch, sản xuất sạch” nội dung trọng tâm là không đốt rơm rạ, xử lý gốc rạ tại ruộng bằng chế phẩm sinh học. Đặc biệt, 4 xã, trong đó có 2 xã ngoài dự án đăng ký đến năm 2028 xây dựng mô hình “Toàn diện về bảo vệ môi trường” trên cơ sở áp dụng 5 kỹ thuật xử lý phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp của dự án và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn.
Thành công của dự án chính là thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp từ truyền thống sang phương pháp chăn nuôi, canh tác mới, thân thiện với môi trường, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nong-dan-chung-tay-bao-ve-moi-truong-202408.html