Nông dân chuyên nghiệp

Đâu đó trên các diễn đàn gần đây khi bàn về sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn mới hay nói đúng hơn là thích ứng với nông nghiệp 4.0 thì khái niệm chuyên nghiệp được đặt ra ở tất cả các khâu, từ người nông dân đến doanh nghiệp.

Hay nói đúng hơn là hướng đến một quy trình chuyên nghiệp từ sản xuất đến tiêu dùng để tạo ra một chuỗi giá trị sản xuất hiệu quả. Nói thì đơn giản và cũng đã không ít lần được bàn luận trên các diễn đàn từ Trung ương đến địa phương, nhưng dường như câu chuyện chuyên nghiệp trong nông nghiệp vẫn chưa có chuyển động tích cực.

Mới đây, tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII với chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, câu chuyện nông dân chuyên nghiệp một lần nữa cũng được nhắc đến. Nhưng lần này nông dân chuyên nghiệp là một trong những chủ đề trọng tâm để bàn thảo và tìm ra những đường hướng mới hơn, ít ra cũng phải xác định được thế nào là một nông dân chuyên nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp đang được đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao.

Sản xuất nông nghiệp đang được đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao.

Là người gắn bó nhiều năm với ngành Nông nghiệp, nhất là nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, có ít nhất 7 yêu cầu để trở thành người nông dân chuyên nghiệp: Sản xuất theo nhu cầu thị trường, sản xuất với giá thành hợp lý, có tư duy kinh tế, sản xuất ra những sản phẩm an toàn, sẵn sàng hợp tác, biết chủ động tạo lập các mối quan hệ xã hội và có sức khỏe về mặt tinh thần, thể chất...

Nếu soi chiếu theo góc nhìn của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, rõ ràng để trở thành một nông dân chuyên nghiệp không phải là điều đơn giản. Bởi cũng như các ngành nghề khác, làm nông nghiệp giờ đây đang được đặt ra với yêu cầu rất cao. Và tất nhiên, để trở thành một nông dân chuyên nghiệp cũng cần đến khoảng thời gian khá dài.

Bởi nếu soi chiếu vào thực tế vừa qua mới thấy, câu chuyện chuyên nghiệp trong ngành Nông nghiệp đang bị ngắt khúc. Khi bàn về vấn đề chuyên nghiệp, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Lê Văn Nghị cho rằng, chúng ta nói rất nhiều đến các mối liên kết “3 nhà”, “4 nhà” rồi “6 nhà” nhưng tại sao liên kết các nhà đều không thành công? Mấu chốt của vấn đề này nằm ở 2 “nhà”: Nông dân và doanh nghiệp. Họ đều đang thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng hợp đồng. Khi mất mùa được giá thì nông dân bẻ kèo, được mùa rớt giá thì doanh nghiệp bẻ kèo.

Cần xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.

Cần xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.

Câu chuyện bẻ kèo cũng trở nên khá phổ biến đối với các mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, nhất là trong giai đoạn triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lớn đối với sản xuất lúa.

Nhìn vào đúng thực trạng của ngành Nông nghiệp cả nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng, nền nông nghiệp của chúng ta vốn mù mờ về thông tin, mù mờ về dữ liệu để điều hành, nông dân sản xuất mù mờ về thị trường; thị trường thì mù mờ về xuất xứ, nguồn gốc nông sản, đôi khi cơ quan quản lý cũng mù mờ về cung cầu. Muốn chuyển nền nông nghiệp mù mờ, đánh đổi phải dựng lên, kiến tạo nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Muốn vậy thì phải có nông dân chuyên nghiệp.

Có nhiều cách tiếp cận cũng như tiêu chuẩn để hướng đến nông dân chuyên nghiệp nhưng chúng tôi vẫn ấn tượng hơn với ý kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đó là người nông dân chuyên nghiệp khởi nguồn từ những con người sống tử tế, làm ăn tử tể. Sự tử tế bắt đầu bằng chữ tín, một chữ thôi mà đem lại thành công cho người này, thất bại cho người khác. Nông dân chuyên nghiệp là yêu cầu tiên quyết để hình thành một nền nông nghiệp chuyên nghiệp.

Bởi vậy, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hãy định hướng cho người nông dân hướng đến chuyên nghiệp. Muốn vậy cần nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng, huấn luyện chuyên môn, tạo ra không gian mở để người nông dân tiếp cận, kết nối những mới mẻ, đa dạng, phong phú trong xã hội.

TA

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/dien-dan/202209/nong-dan-chuyen-nghiep-959727/