Nông dân Đồng Nai loay hoay trước cuộc đại di dời cơ sở chăn nuôi
Để đảm bảo môi trường, tỉnh Đồng Nai quyết định di dời gần 3.000 cơ sở chăn nuôi. Người nông dân mất nguồn thu nhập, còn tỉnh chưa cụ thể quy hoạch khu vực được chăn nuôi.
Gần 3.000 cơ sở chăn nuôi tại Đồng Nai phải di dời trước cuối tháng 12/2024 là lộ trình được UBND tỉnh Đồng Nai đặt ra, nhằm đảm bảo về môi trường. Người dân vẫn đang loay hoay tìm sinh kế mới trước cuộc “đại di dời”, còn tỉnh Đồng Nai chưa có quy hoạch cụ thể khu vực được chăn nuôi.
Mất đi nguồn thu nhập chính
Huyện Thống Nhất được xem là “thủ phủ chăn nuôi” của Đồng Nai. Trước đây, địa phương này từng có tổng đàn heo lên đến 441.000 con (trên tổng số 2,6 triệu con toàn tỉnh). Toàn huyện Thống Nhất có hơn 1.200 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Gia đình anh Trương Huỳnh Tùng (ngụ xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) chăn nuôi heo từ năm 2008. Quy mô đàn heo gia đình anh Tùng khoảng hơn 20 con heo nái, gia đình đầu tư xây chuồng, hầm ga theo đúng tiêu chuẩn môi trường. Mỗi năm đàn heo cho gia đình anh Tùng thu nhập ở mức trên dưới 100 triệu đồng.
Kể từ khi có lộ trình di dời chăn nuôi của tỉnh vào năm 2023, anh Tùng bắt đầu giảm dần đàn heo. Đến thời điểm tháng 12/2024, anh Tùng chỉ còn khoảng chục con heo chờ bán nốt để chấp hành chủ trương chung. Nói về kế hoạch cho gia đình trong thời gian tới, anh Tùng cũng lúng túng chưa tìm được hướng đi chắc chắn.
"Cũng chưa biết, chuồng trại đang còn trống không. Nếu nuôi thì suy nghĩ cái gì được phép nuôi thôi. Hôm bữa cũng thử nuôi dê nhưng cũng không có lời lãi gì nên bỏ", anh Tùng chia sẻ.
Khoảng 2 năm nay, chuồng trại đàn heo của chị Đỗ Thị Dung (ngụ xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) ngày một thưa dần. Quy mô hộ gia đình nên chị Dung chỉ nuôi khoảng 30 con heo. Không có việc làm cụ thể, đàn heo là thu nhập chính của gia đình chị Dung.
Chị Dung giãi bày, kể từ ngày chấp hành chủ trương di dời, hiện gia đình chị bỏ chuồng một vài con heo rừng để trong gia đình ăn. Không có đất, không có tài sản khác, chị Dung cho biết nếu phải tìm nơi mới để mua đất làm chuồng trại thì không đủ khả năng.
"Vừa làm rẫy, vừa chăn nuôi hộ gia đình thêm để sống. Tôi mong muốn tạo điều kiện cho nuôi hộ gia đình để sống qua ngày thôi. Từ lúc cấm nuôi heo đến bây giờ gặp khó khăn quá", chị Dung kiến nghị.
Chưa rõ quy hoạch khu vực được chăn nuôi
Vào lúc cao điểm, toàn huyện Thống Nhất có hơn 6,0 đơn vị vật nuôi trên một hecta đất nông nghiệp (trong khi quy định chỉ được 1,5). Hệ lụy của mật độ chăn nuôi cao như vậy dẫn đến ô nhiễm môi trường khó kiểm soát.
Ông Ngô Thanh Tùng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thống Nhất cho biết, toàn huyện có 75 cơ sở chăn nuôi thuộc diện phải di dời. Đến nay, ngành chức năng của huyện đã tổ chức di dời hơn 66 cơ sở.
Theo ông Tùng, một khó khăn trong việc di dời chăn nuôi là những đơn vị chăn nuôi gia công sẽ chuyển vùng nuôi thay vì đáp ứng các tiêu chuẩn mới.
"Những đơn vị gia công nuôi ở Thống Nhất rất khó, về môi trường cũng như các thứ khác. Họ đã chuyển vùng nuôi lên Bình Phước, Bình Dương hoặc một số vùng sâu, vùng xa. Hàng trăm trang trại chăn nuôi gia công hiện đã bỏ trống trắng", ông Tùng chia sẻ.
Dù hạn chót là cuối tháng 12/2024 phải di dời xong, nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai thông tin, đến nay mới có gần 2.000 cơ sở chăn nuôi đã di dời, đạt tỷ lệ hơn 65% so với kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Văn Thắng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, những khó khăn trong công tác này là quy hoạch khu vực không được phép chăn nuôi còn một số địa phương chưa triển khai. Cùng với đó, chăn nuôi nhỏ lẻ là thu nhập chính của một số hộ gia đình nên chưa xử lý dứt điểm.
Thêm nữa, chủ các cơ sở chăn nuôi gặp khó khăn về chi phí di dời, tháo dỡ chuồng trại hoặc xây mới. Theo ông Thắng, giải pháp trong thời gian tới là tiếp tục tuyên truyền với người dân khu vực chăn nuôi không đảm bảo môi trường và có chính sách hỗ trợ phù hợp.
"Định hướng ngành nghề để các hộ không được phép chăn nuôi có ngành nghề khác để ổn định cuộc sống. Các vùng khác phù hợp, trên cơ sở nền tảng quy hoạch trước đây ở khu vực khuyến khích chăn nuôi thì hướng dẫn các cơ sở di dời về hướng đó", ông Thắng cho biết.
Xác định chủ trương không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, ông Nguyễn Thế Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thống Nhất cho biết, hội có sự hỗ trợ về vốn cho những nông dân chuyển đổi nghề nghiệp. Cùng với đó, là hỗ trợ người chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học để đảm bảo bền vững.
"Song song với đó, ngoài chăn nuôi heo thì chúng tôi khuyến khích nông dân phát triển du lịch sinh thái, phát triển thêm mô hình du lịch nông thôn để tạo sinh kế cho người nông dân tốt hơn", ông Vinh chia sẻ.
Trước cuộc “đại di dời” chăn nuôi, tỉnh Đồng Nai định hướng sẽ không phát triển nông nghiệp lạc hậu, nhỏ lẻ. Để bước vào giai đoạn công nghiệp hiện đại trong lĩnh vực này, tỉnh cần có nhiều chính sách định hướng, hỗ trợ người chăn nuôi giai đoạn cũ, không để họ bị bỏ lại phía sau.
Đến cuối tháng 10/2024, tổng đàn gia súc của tỉnh Đồng Nai đạt gần 2,2 triệu con, giảm gần 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng đàn heo đạt hơn 2 triệu con, giảm gần 9%. Tổng đàn gia cầm đạt gần 23,3 triệu con, giảm 4,5% so với cùng kỳ.
Một số địa phương đạt tỷ lệ cao trong việc thực hiện chủ trương di dời tại các khu vực không được phép chăn nuôi bao gồm thành phố Long Khánh với 131 cơ sở ngưng chăn nuôi hoặc di dời, đạt tỷ lệ 91,6%; huyện Thống Nhất với 66 cơ sở, đạt tỷ lệ gần 89,2%; huyện Vĩnh Cửu với 215 cơ sở, đạt gần 84,4%.
Về chính sách hỗ trợ di dời, đến nay, toàn tỉnh chưa có cơ sở nào nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Một số cơ sở đã di dời nhưng lại không đủ điều kiện để được hỗ trợ vì chủ yếu di dời từ khu dân cư vào các khu vườn rẫy xa khu dân cư để tiếp tục chăn nuôi theo quy mô nông hộ.