Nông dân Hà Tĩnh 'xoay' đủ cách diệt châu chấu tre gây hại cây trồng
Lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Tĩnh, châu chấu tre lưng vàng đang gây hại nặng trên nhiều loại cây trồng. Ngành chuyên môn cảnh báo nguy cơ lan rộng và đề nghị các địa phương tập trung khoanh vùng, xử lý sớm.

Hơn 2 sào mía, 4 sào ngô và 1 mẫu cỏ voi của anh Cao Văn Hùng đã bị châu chấu tre gây hại nặng trong vòng gần 1 tuần.
Những ngày gần đây, gia đình anh Cao Văn Hùng (thôn Hòa Sơn, xã Cẩm Hưng) phải vất vả tìm đủ mọi cách để đối phó với sự hoành hành của đàn châu chấu tre lưng vàng - loài côn trùng chưa từng xuất hiện trước đó tại địa phương. “Loài này thân cứng, khỏe, sức phá hại rất lớn. Toàn bộ hơn 2 sào mía, 4 sào ngô và 1 mẫu cỏ voi của gia đình đã bị ăn hết trong vòng gần 1 tuần. Chúng tôi phải bắt tay, quây lưới, dùng vợt cả ban đêm để kìm mật độ, không để lan sang khu vực khác”, anh Hùng lo lắng chia sẻ.

Từng đàn châu chấu tre mật độ dày đặc ăn trụi lá ngô.
Đáng lo ngại hơn, châu chấu tre đã bắt đầu tràn xuống, gây hại một số cánh đồng lúa tại xã Cẩm Duệ. Bà Nguyễn Thị Ngọ (thôn Mỹ Hà, xã Cẩm Duệ) cho biết: “Chúng tôi rất lo lắng vì châu chấu đã phá hại cây trồng trong vườn, giờ lan ra ruộng lúa. Loài này tập trung rất nhiều, bắt đầu cắn đứt thân cây, khiến lúa không thể phục hồi. Tôi phải kết hợp dùng vợt và phun thuốc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật để kịp thời kiểm soát".
Theo ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ, châu chấu tre thường phát sinh tại các bụi tre, nứa,... ở rừng, khi cạn nguồn thức ăn sẽ di chuyển thành đàn xuống đồng bằng, tấn công cây trồng với tốc độ nhanh. Hiện nay, chính quyền xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra thực địa, hướng dẫn biện pháp ứng phó bước đầu và báo cáo lên cấp trên để được hỗ trợ khi cần thiết.

Châu chấu tre đã "tràn" xuống một số ruộng lúa, ngô của bà con nông dân.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Hà Tĩnh, châu chấu tre lưng vàng là đối tượng dịch hại lần đầu xuất hiện tại địa phương với mật độ cao, diễn biến phức tạp. Hiện nay, châu chấu tre đã di chuyển từ khu vực rừng phòng hộ Kẻ Gỗ, vùng ven rừng,… phát tán gây hại trên các đối tượng cây lương thực, nhất là cây lúa, ngô,… tại các xã Cẩm Duệ, Cẩm Hưng, Cẩm Lạc,... Nguy cơ tiếp tục phát tán, gây hại trên diện rộng trong thời gian tới là rất cao.
Trước diễn biến bất thường của dịch hại, Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi (Sở NN&MT tỉnh Hà Tĩnh) đã phối hợp với Trung tâm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật vùng khu IV (Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) trực tiếp về địa phương kiểm tra thực tế và hướng dẫn biện pháp ứng phó tại xã Cẩm Hưng, Cẩm Duệ.

Ông Nguyễn Tuấn Lộc - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu IV hướng dẫn một số biện pháp diệt châu chấu tre tại xã Cẩm Hưng.
Theo ông Nguyễn Tuấn Lộc - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu IV, “thời điểm vàng” để diệt trừ châu chấu tre lưng vàng là giai đoạn chúng làm tổ và ở trạng thái non. Tuy nhiên, tại Hà Tĩnh, thời điểm phát hiện loài này thì phần lớn cá thể đã trưởng thành, khiến công tác phòng trừ trở nên khó khăn và kém hiệu quả hơn.
Qua theo dõi thực tế, loài này cũng đã xuất hiện và gây hại tại nhiều địa phương như Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa. Đây là loài có sức ăn mạnh, mật độ cao và khả năng di chuyển nhanh. Cá thể trưởng thành có vòng đời từ 30 - 60 ngày, khoảng thời gian đủ dài để gây thiệt hại nghiêm trọng nếu không được kiểm soát kịp thời. Giải pháp tối ưu nhất hiện nay là phát động phong trào ra quân diệt châu chấu tại chỗ; tổ chức phòng trừ tổng lực bằng các biện pháp tổng hợp như vợt bắt, đốt đèn thu hút châu chấu trưởng thành; phun thuốc hóa học theo nguyên tắc “4 đúng” trong trường hợp cần thiết.

Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi (Sở NN&MT tỉnh Hà Tĩnh) phối hợp với Trung tâm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật vùng khu IV (Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) trực tiếp về địa phương kiểm tra thực tế và hướng dẫn biện pháp ứng phó.
Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi cũng đã tham mưu Sở NN&MT tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, cán bộ chuyên môn và người dân triển khai đồng bộ các giải pháp phòng trừ sâu bệnh vụ hè thu, trong đó đặc biệt chú trọng công tác diệt trừ châu chấu tre lưng vàng nhằm bảo vệ mùa màng. Bên cạnh việc tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để ngay từ đầu, ngành chuyên môn cũng khuyến khích người dân đẩy mạnh bắt thủ công châu chấu để làm thức ăn chăn nuôi, làm phân bón…

Khuyến khích người dân đẩy mạnh bắt thủ công châu chấu để làm thức ăn chăn nuôi, làm phân bón…
Trường hợp mật độ châu chấu gia tăng, cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu để phun trừ. Thời điểm phun hiệu quả là vào sáng sớm hoặc chiều mát - lúc châu chấu ít di chuyển. Khi tổ chức phun, cần thực hiện theo phương thức tập trung, phun bao vây xung quanh ổ dịch và tiến hành phun cuốn chiếu từng khu vực nhằm tiêu diệt triệt để và hạn chế tối đa nguy cơ phát tán trên diện rộng.
Cùng với đó, chính quyền cơ sở, Ban Quản lý rừng phòng hộ và các chủ rừng cần chủ động điều tra, theo dõi mật độ châu chấu tại các khu vực có nguy cơ cao như ven rừng, rừng phòng hộ, diện tích trồng tre, mét, giang, ngô, mía, cỏ voi… để kịp thời phát hiện và xử lý, không để phát sinh thành dịch.
Châu chấu tre lưng vàng và vài loài châu chấu hại tre khác (gọi chung là châu chấu tre) thuộc nhóm châu chấu đàn, khi trưởng thành chúng có thể tập hợp thành đàn với số lượng lớn và di cư đi tìm nguồn thức ăn và nơi đẻ trứng. Đây là loài sinh vật gây hại có khả năng di chuyển nhanh, sức phá hại lớn, khó kiểm soát.
Châu chấu tre lưng vàng mới bùng phát gây hại ở nước ta từ năm 2008, chủ yếu gây hại trên cây lâm nghiệp như tre, trúc, luồng, vầu, … Từ năm 2016 - 2018, châu chấu tre đã gây hại trên diện tích gần 4.000 ha mỗi năm trên cây trồng lâm nghiệp và một số cây nông nghiệp (lúa nương, ngô, thuốc lá, chuối, dong riềng,...)
Khi mật độ cao và thiếu thức ăn, châu chấu tre di cư từ khu vực rừng phòng hộ, các vùng ven rừng về vùng đồng bằng gây hại trên lúa và cây trồng cạn.
Trong trường hợp cần thiết, để hạn chế tối đa châu chấu phát tán ra diện rộng, di chuyển xuống ruộng lúa, phá hại mùa màng, sử dụng thuốc BVTV có nhóm hoạt chất sau: Thiosultap-sodium, Imidacloprid, thuốc có nồng độ, liều lượng khuyến cáo phun cho 1 ha (10.000 m2) như sau:
Neretox 95WP: Pha 1 kg thuốc vào 600 lít nước
Anvado 100WP: Pha 0,75 kg thuốc vào 600 lít nước.
Lưu ý: Trong quá trình sử dụng thuốc phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định.