Nông dân Hợp Thành thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, kinh tế nông nghiệp ở xã Hợp Thành (Phú Lương) đã có những thay đổi đáng kể.
Chỉ khoảng 5 năm trước, Hợp Thành vẫn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lương. Người dân vẫn giữ tập quán canh tác lạc hậu, dẫn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao. Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, bà con đã được hỗ trợ để tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó thay đổi tư duy, tận dụng thế mạnh bản địa để phát triển nông sản đặc trưng.
Ví dụ như tại các xóm Tiến Bộ, Làng Mới và Khuôn Lân, tận dụng thế mạnh từ rừng, bà con đã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật. Cùng với đó, được sự tuyên truyền, vận động, hướng dẫn của Hội Nông dân xã, các hộ đã thành lập tổ hợp tác rồi “nâng cấp” lên thành HTX, nhằm cùng nhau tìm giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm mật ong. HTX ong mật Hợp Thành đã được thành lập, hiện có 7 thành viên, quy mô nuôi gần 1.000 đàn ong, mỗi tháng xuất bán ra thị trường trên 10.000 lít mật...
Đến nay, sản phẩm mật ong Núi Chúa của HTX ong mật Hợp Thành đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, được tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên lần thứ 6 năm 2023. Mới đây nhất, sản phẩm này được xếp loại đạt OCOP 3 sao, trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của xã Hợp Thành.
Cùng với mật ong, chè cũng là sản phẩm được người dân Hợp Thành chú trọng phát triển trong những năm gần đây. Toàn xã hiện có khoảng 25ha chè. Các hộ làm chè cũng đã thay đổi tư duy, chịu khó học hỏi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chè, liên kết để chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, cũng như bắt đầu quan tâm đến câu chuyện tạo thương hiệu.
Câu chuyện của vợ chồng anh Ma Trường Sinh và chị Nguyễn Thị Phương Dung, xóm Quyết Tiến, là một ví dụ. Với mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm chè, năm 2020, anh chị đã liên kết với 5 hộ dân trong xã để thành lập HTX sản xuất chè Phương Sinh. Cùng với đó là đầu tư nhà xưởng, 10 máy vò chè, 3 bếp sinh khối, máy sao chè công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Chị Dung chia sẻ: Sản phẩm chè của HTX đã được cấp tem truy xuất nguồn gốc, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung bình mỗi tháng, HTX xuất bán 4-5 tấn chè búp khô, doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng.
Ông Lương Thanh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Thành, phấn khởi cho biết: Nhiều loại nông sản ở xã Hợp Thành đã bước đầu có thương hiệu, như: Mật ong Núi Chúa, chè Phương Sinh, gạo nếp Vải. Ngoài những sản phẩm, cây trồng bản địa đặc trưng kể trên, nhiều năm nay, người dân còn áp dụng các mô hình kinh tế mới như cây dược liệu, cây ăn quả, chăn nuôi hươu lấy nhung, nuôi ngựa bạch; hoặc mạnh dạn đầu tư vốn để xây dựng chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
Hội Nông dân xã Hợp Thành hiện có 632 hội viên/649 hộ sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm giàu bền vững" được bà con hưởng ứng tích cực. Năm 2023, xã có 410 hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi. Mới đây, qua bình xét có 319 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong năm, Hội đã giúp đỡ được 7 gia đình hội viên thoát nghèo, cận nghèo. Xã hiện có 2 mô hình tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp, 3 HTX nông nghiệp đang duy trì hoạt động hiệu quả...