Khó khăn trong tiêu thụ vẫn chưa được tháo gỡ, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh lại chồng chất thêm rủi ro khi giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh bị thua lỗ. Ảnh chụp tại xóm Nhõi Trong, xã Hợp Phong (Cao Phong). Trong thời gian dài dịch Covid-19 khiến sản xuất bị đình trệ, việc tiêu thụ khó khăn khi các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bị đứt gãy, người chăn nuôi bị thua lỗ. Thế nhưng, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục khiến người chăn nuôi đã ở thế khó lại càng thêm khó khăn hơn. Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 11 lần; riêng từ tháng 2 đến nay tăng giá 3 lần và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nguyên nhân do giá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn tăng "nóng” từng ngày. Sự biến động bất lợi của thị trường khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh điêu đứng, nguy cơ thua lỗ tiếp tục hiện hữu. Tháng 7/2021, nhiều thành viên của HTX chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) buộc phải tạm dừng nuôi gà vì giá bán giảm mạnh, đầu ra khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với đó, do giá thức ăn chăn nuôi tăng "phi mã” suốt 1 năm chưa có dấu hiệu giảm. Thời điểm đó, theo bà Quách Thị Hòa, Giám đốc HTX, trong gần 1 năm giá thức ăn chăn nuôi đã tăng đến 8 lần, mỗi bao cám loại 25 kg tăng thêm gần 50 nghìn đồng. Với mức tăng như vậy, nếu nuôi gà thịt, người nuôi chịu lỗ khoảng 30 nghìn đồng/con gà. Từ thời điểm đó đến nay, sản xuất của HTX có khởi sắc hơn khi cả nước thực hiện thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh và chuỗi liên kết sản xuất được kết nối trở lại. Trong dịp Tết Nguyên đán, giá bán gà ri và trứng tốt hơn so với trước nhưng hiện nay đã giảm nhẹ. Cụ thể, giá trứng gà 3,5 nghìn đồng/quả, giá gà ri 120 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay, HTX chủ yếu nuôi gà đẻ trứng, ít hộ nuôi gà thịt vì lo ngại giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. "Năm 2017 - 2018, giá cám loại 25 kg là 270 nghìn đồng/bao. Với mức giá đó, người chăn nuôi lãi 40 - 50 nghìn đồng/con gà, thấp nhất cũng được 30 nghìn đồng. Hai năm trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục. Từ tháng 2 đến nay, tháng nào cũng tăng, riêng trong tháng 3 tăng đến 2 lần. Với giá cám tăng, người nuôi gà chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ” - bà Hòa chia sẻ. Với giá cám hiện tại, nếu người nuôi gà vẫn hòa vốn hoặc mới chỉ có nguy cơ thua lỗ thì người chăn nuôi lợn đã cầm chắc phần thua. Gia đình bà Bùi Thị Niềm, xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc) vừa xuất bán đàn lợn được hơn 40 triệu đồng. Số tiền này mới chỉ đủ để trả tiền cám, gia đình bà phải bù tiền mua con giống. Đó cũng là thực tế cay đắng mà nhiều hộ nuôi lợn trên địa bàn tỉnh phải trải qua. Theo khảo sát thực tế, giá bán lợn ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dao động từ 45 - dưới 50 nghìn đồng/kg. Đồng chí Nguyễn Xuân Nam, Phó trưởng Phòng Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 7%. Hiện, giá mỗi bao cám loại 25 kg khoảng 400 nghìn đồng, cao hơn gần 30 nghìn đồng so với thời điểm đầu năm. Với mức giá như vậy, giá lợn hơi phải đạt 58 nghìn đồng/kg mới hòa vốn, trong khi giá lợn trên thị trường thấp hơn con số này nhiều. Tính đến hết tháng 3/2022, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh trên 198 nghìn con; đàn lợn trên 436 nghìn con và hơn 8,3 triệu con gia cầm. Số lượng đàn vật nuôi phát triển tương đối ổn định nhưng giá thức ăn liên tục tăng cao và dự báo còn tăng nên người chăn nuôi đứng trước nhiều rủi ro. Ngành chức năng khuyến cáo, người chăn nuôi cần theo dõi diễn biến thị trường, không tăng đàn trong thời điểm hiện nay. Viết Đào