Nông dân miền Tây khai thác 'mỏ vàng trên đồng ruộng' trước đây lãng phí, kiếm bộn tiền

Thay vì đốt bỏ gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, những năm gần đây, nhiều nông dân, HTX ở miền Tây đã bắt đầu đẩy mạnh 'tái chế' rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp thành nguyên liệu trồng đủ loại cây cho giá trị kinh tế cao, kiếm bộn tiền.

Thời gian qua, ở những hội thảo bàn về kinh tế nông nghiệp, có không ít lần các chuyên gia nhắc về một câu chuyện “lạ mà có thật” là trong khi phần lớn rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa ở Việt Nam bị đốt bỏ, thì trên Amazon, mỗi tấn rơm được rao bán với giá 80 - 100 USD.

Kiếm bộn từ... rơm

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện khối lượng rơm, phụ phẩm trồng lúa sau thu hoạch của Việt Nam vào khoảng 46 triệu tấn/năm. Nếu đốt bỏ, đây sẽ là mối nguy hại cho môi trường, nhưng ngược lại, nếu được tận dụng tốt, một nguồn tài nguyên khổng lồ sẽ được khai mở.

Thực tế, trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều HTX, nông dân trên địa bàn các tỉnh, thành miền Tây đã bắt đầu khai thác “mỏ vàng” này, từ đó xây dựng thành công những mô hình sản xuất hiệu quả, cho thu nhập cao, từ đó mở hướng thoát nghèo, làm giàu bền vững tại địa phương.

Nếu tận dụng tốt, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp có thể mang lại hàng tỷ USD (Ảnh: BLA).

Nếu tận dụng tốt, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp có thể mang lại hàng tỷ USD (Ảnh: BLA).

Điển hình như ở Long An, đến xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, hỏi thăm về ông Trần Hữu Công (Chín Công) hiếm ai không biết, bởi ông được người dân địa phương mệnh danh là người “làm đâu thắng đó”, ở bất kỳ mô hình nào, nhờ sự linh hoạt trong tư duy sản xuất, thích ứng với biến động thị trường đều “trúng đậm”.

Một trong những mô hình thành công nhất đến hiện tại của ông Chín Công là trồng nấm rơm. Ông cũng chính là một trong những người tiên phong đưa mô hình trồng nấm rơm theo hướng an toàn sinh thái về địa phương, truyền cảm hứng cho nhiều hộ học theo, cùng thoát nghèo, làm giàu.

Nhớ lại những ngày đầu “bén duyên” với cây nấm, ông Chín Công chia sẻ thời điểm đó, việc bỏ tiền đi thu gom, mua rơm rạ bị gọi là “chuyện lạ”, vì ai cũng nghĩ đây là đồ bỏ. Nhưng sau quá trình tìm hiểu, ông vẫn quyết tâm làm, thế rồi những vùng trồng nấm hữu cơ bắt đầu hình thành.

Đúng với cái danh “làm đâu thắng đó”, ngay trong những vụ đầu tiên, ông Chín Công đã “trúng đậm”. Không muốn nói quá nhiều về thu nhập “khủng” của mình, nhưng theo ông, có thời điểm, chỉ sau 1 đêm, giá bán tăng, tiền bán nấm có thể... mua được chỉ vàng.

Thành công của ông Chín Công đã thu hút thêm nhiều hộ phát triển mô hình trồng nấm rơm. Để đáp ứng nguyền nguyên liệu phục vụ sản xuất, ông rót tiền sắm máy cuốn rơm công nghệ cao, đồng thời xây dựng kho chứa để bảo quản. Hiện, kho rơm của gia đình ông đủ đáp ứng cho cả vùng.

“Nông dân có thể trồng nấm rơm quanh năm, chỉ cần có rơm là có thể trồng. Nấm là loại thực phẩm được ưa chuộng, gần như ít khi phải lo ngại vấn đề tiêu thụ, chỉ cần sản phẩm tốt, làm ra đến đâu là có thương lái thu mua đến đó, hoặc không thì bán lẻ ở chợ cũng rất dễ”, ông Chín Công nói.

Hình thành chuỗi giá trị

Không chỉ phát triển nhỏ lẻ, mô hình trồng nấm rơm đang được nhân rộng tại không ít địa phương ở tỉnh Long An, tập trung nhiều ở Bến Lức, Đức Hòa... Nếu thời tiết thuận lợi, người trồng nấm có thể lãi gấp đôi, gấp ba vốn đầu tư, cây nấm cũng cho thấy lợi nhuận cao so với nhiều cây trồng cũ.

Như tại ruộng nấm rơm của gia đình bà Phan Thị Nương, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa hiện đang thu hoạch. Bà Nương cho biết, vụ này, gia đình bà đầu tư khoảng 6 triệu đồng với hơn 200 cuộn rơm. Vẫn với cách trồng truyền thống, đồng thời áp dụng một số kỹ thuật mới, nấm phát triển khá tốt, cho năng suất ổn định.

Việc tận dụng rơm rạ để phát triển mô hình trồng nấm đem lại lợi nhuận cao cho nông dân (Ảnh:BLA).

Việc tận dụng rơm rạ để phát triển mô hình trồng nấm đem lại lợi nhuận cao cho nông dân (Ảnh:BLA).

“Giá bán nấm đang dao động từ 75.000-95.000 đồng/kg. Với mức giá này, vụ này, nhà tôi dự kiến thu về khoảng 22-24 triệu đồng. Nấm rơm được thu hoạch liên tục từ 7-10 ngày, 1 vụ kéo dài khoảng gần 1 tháng. Nhờ trồng nấm, nhiều hộ trong Tổ hợp tác cũng đang sống khỏe”, bà Nương hồ hởi hói.

Cũng giống như ở Long An, các mô hình tận dụng rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng đang hình thành ngày càng nhiều trên địa bàn TP.Cần Thơ trong những năm qua.

Đơn cử, HTX New Green Farm ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt đã tận dụng rơm rạ để trồng nấm và làm phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt. Với cách quản lý và sử dụng rơm theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, HTX đã nâng cao được thu nhập cho thành viên và góp phần thúc đẩy phát triển ngành lúa gạo theo hướng hiệu quả, bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Ðồng Văn Cảnh, Giám đốc HTX New Green Farm, cho biết: “Trồng nấm rơm trong nhà cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng truyền thống ngoài trời, bởi nấm cho năng suất cao và bán được giá cao hơn. Nông dân cũng giảm được chi phí nhân công lao động trong chất rơm và thu hoạch nấm, cũng như chủ động sản xuất được nhiều vụ trong năm. Trồng nấm rơm trong nhà có thể thực hiện được bình quân khoảng 6 vụ/năm”.

Thời gian qua, nấm rơm trồng theo mô hình ngoài trời được thành viên HTX bán với giá trên dưới 60.000 đồng/kg, còn nấm rơm trồng trong nhà được bán với mức giá lên đến 75.000 đồng/kg (đối với nấm loại 1). Nhờ sản xuất khoa học, thành viên HTX đang có thu nhập bình quân 70-100 triệu đồng/năm, HTX cũng tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Thêm những điểm tựa

Có thể thấy mô hình sử dụng hiệu quả rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp (vỏ thanh long, da và xương cá tra...) đang cho thấy tiềm năng lớn để phát triển theo hướng nông nghiệp tuần hoàn.

Những năm qua, TP. Cần Thơ cũng như nhiều tỉnh ở miền Tây đã tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và mở các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng nấm rơm và cách xử lý rơm rạ để làm phân bón hữu cơ. Ðồng thời, hỗ trợ nông dân trong tiếp cận các công nghệ, máy móc cơ giới để áp dụng vào trong các khâu thu gom rơm phục vụ trồng nấm rơm và xử lý rơm để làm phân bón hữu cơ, kết nối cung - cầu các sản phẩm có liên quan đến rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng từng không ít lần nói về tiềm năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để phát triển kinh tế nông thôn. Theo Bộ trưởng: "Còn nhiều dư địa để phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành nông nghiệp nếu chúng ta chịu suy nghĩ. Chúng ta đừng suy nghĩ rằng bán sản phẩm thô cho nhanh mà không cần quan tâm phụ phẩm của nó sẽ còn làm được những gì. Ở trên thế giới, người ta liên tục đặt câu hỏi "Tôi tạo ra sản phẩm này rồi, nhưng liệu có thể tạo ra sản phẩm khác có giá trị cao hơn không và luôn tìm giải pháp công nghệ để giải quyết câu chuyện này".

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng chia sẻ, câu chuyện này nói thì dễ nhưng để bắt đầu từ đâu thì rất khó. "Lâu nay, chúng ta vẫn quá quen thuộc với chuyện "tôi bán được sản phẩm rồi, đừng xúi tôi làm gì theo hướng khác. Chúng ta dễ chấp nhận, bằng lòng với cái mình đang có. Trong khi đó, người ta hướng về cái chưa có", Bộ trưởng nói.

Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta muốn làm kinh tế tuần hoàn cần bắt đầu bằng việc đẩy mạnh nghiên cứu tại các viện, trường, từ đó tạo ra các sản phẩm sau thu hoạch. Khởi nghiệp nông nghiệp cũng cần quay lại tìm giá trị ở các phế phẩm bỏ đi. Điều này nằm ở câu chuyện chính sách.

Minh Khuê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nong-dan-mien-tay-khai-thac-mo-vang-tren-dong-ruong-truoc-day-lang-phi-kiem-bon-tien-1100607.html