Nông dân Nepal 'đổi đời' nhờ cung cấp nguyên liệu cho Nhật Bản làm giấy in tiền

Nông dân Nepal đã biến một loại cây bụi hoang dã từng được sử dụng để dệt thừng, thành cây trồng để cung cấp nguyên liệu cho Nhật Bản sản xuất tiền giấy mới.

Ông Puskar Jirel từng trồng nông sản ở chân dãy Himalaya phía đông bắc Nepal, nhưng cách đây 6 năm ông đã bắt đầu chuyển sang trồng loại cây bụi có giá trị cao, được sử dụng để làm tiền giấy Nhật Bản.

Nông dân ở quận Ilam phía đông Nepal đang lột vỏ cây Argeli, loại cây được sử dụng để làm tiền giấy ở Nhật Bản. Ảnh: Hari Shrestha

Nông dân ở quận Ilam phía đông Nepal đang lột vỏ cây Argeli, loại cây được sử dụng để làm tiền giấy ở Nhật Bản. Ảnh: Hari Shrestha

Nông dân ở miền đông Nepal đã trồng cây Edgeworthia gardneri trong nhiều thập kỷ. Người Nepal thường gọi là cây argeli trong khi người Nhật Bản thường gọi là mitsumata.

Vỏ của loại cây này được xuất khẩu sang Nhật Bản làm nguyên liệu để in đồng yên. Và khi nhu cầu tăng lên trong bối cảnh nguồn cung cấp nguyên liệu ở Nhật Bản đang bị hạn chế, nông dân ở Nepal xa xôi đã đóng vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho nền kinh tế đất nước, đồng thời kiếm thêm tiền sinh hoạt phí cho gia đình.

"Đây là nguồn thu nhập tốt cho nhiều người trong làng, đặc biệt là vào thời điểm chúng tôi không phải bận rộn với công việc đồng áng", ông Jirel cho biết.

Trong tháng này, Nhật Bản đã phát hành tờ tiền mới được thiết kế lại lần đầu tiên sau 20 năm, in hình các nhân vật lịch sử và hình ảnh 3D chống giả. Theo Cục In ấn Quốc gia Nhật Bản, các tờ tiền này được làm bằng loại giấy đặc biệt từ vỏ cây Mitsumata. Cây Mitsumata là loại cây khá phổ biến, hàng năm có mùa gieo trồng và thu hoạch để phục vụ công việc làm giấy với "màu sắc và kết cấu độc đáo".

Do thiếu nhà sản xuất Nhật Bản, vỏ cây mitsumata sản xuất ở nước ngoài từ Trung Quốc và Nepal, sau đó được sử dụng làm nguyên liệu thô để làm tiền giấy kể từ năm 2010.

Không giống như hầu hết các quốc gia ngày càng sử dụng nhiều lựa chọn thanh toán kỹ thuật số và không dùng tiền mặt, tiền mặt vẫn được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản.

Công ty Kanpou Incorporated có trụ sở tại Osaka là nơi giúp chính phủ Nhật Bản cung cấp nguồn nguyên liệu làm giấy in tiền, lần đầu tiên thử nghiệm trồng loại cây bụi này ở Nepal vào những năm 1990.

Hari Shrestha, Giám đốc điều hành của Kanpou Nepal, đã tận mắt chứng kiến sự phát triển của loại cây này. Trước khi thành lập công ty ở Nepal, ông đã làm việc tại Kanpou Incorporated trong 25 năm và hiện đang chịu trách nhiệm vận chuyển nguyên liệu giữa Osaka và Kathmandu, đảm bảo rằng khâu sản phẩm của nông dân Nepal luôn đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng ở Nhật Bản.

"Đó là một quá trình rất khó khăn. Bạn phải cẩn thận với độ ẩm và vỏ cây phải có màu trắng, không có vết bẩn nào để đáp ứng tiêu chuẩn Nhật Bản", Giám đốc Shrestha giải thích.

"Bước tiến trong việc sử dụng tài nguyên bền vững"

Cây Argeli chủ yếu mọc ở độ cao từ 1.500 đến 3.000 mét, khiến vùng đồi núi của Nepal trở thành địa điểm thích hợp. Điều đặc biệt là cây Argeli phải cần 3 năm sau khi trồng mới có thể thu hoạch, trước khi vỏ cây chuyển sang màu đỏ.

Tại Jiri, một thị trấn đồi núi nằm cách thủ đô Kathmandu khoảng 185km, ông Jirel cho biết người dân địa phương chủ yếu trồng cây Algeri trên vùng đất được chỉ định. Theo người nông dân 43 tuổi này, nhóm của ông đã thuê diện tích khoảng 31 mẫu Anh và thu hoạch khoảng 4 tấn vỏ cây Algeria mỗi năm.

Tuy nhiên, quá trình này không hề đơn giản. Sau khi được trồng trong 3 năm, vỏ màu trắng từ những cây bụi được tước bỏ, hấp và phơi nắng trong những tháng mùa thu và mùa đông trước khi được gửi đến nhà kho ở Lalitpur để kiểm tra thêm về chất lượng. Theo ông Jirel, công việc này kéo dài ít nhất 4 tháng và phải thuê tới 20 người trong mùa thu hoạch.

"Điều này mang lại việc làm cho người dân trong làng và họ có thể kiếm được khoảng 25.000 rupee (185 USD) mỗi tháng, tùy thuộc vào công việc của họ trong những tháng này", Giám đốc Shrestha nói.

Theo bà Shrestha, thu nhập đó cao hơn mức lương trung bình hàng tháng của người dân Nepal. Các mặt hàng giấy, bột gỗ và giấy phế liệu chiếm khoảng 9% kim ngạch xuất khẩu của Nepal sang Nhật Bản vào năm 2022, trị giá hơn 1 triệu USD.

Bà Shrestha nhấn mạnh điều này tạo thêm nguồn dự trữ ngoại hối cho người dân Nepal. Quan trọng hơn, công việc đã tạo thêm thu nhập cho hàng trăm nông dân ở khoảng 35 ngôi làng.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã giúp công ty Kanpou Incorporated mở rộng hoạt động tại Nepal kể từ năm 2016 và cho biết loại tiền giấy mới "biểu thị một bước tiến trong việc sử dụng tài nguyên bền vững".

"Khi những tờ tiền này được đưa vào lưu thông, chúng sẽ mang đến câu chuyện về quá trình hợp tác quốc tế và tác động tích cực đối với sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương", JICA-Nepal cho biết trong một tuyên bố.

Những tác động như vậy đang được cảm nhận rõ ràng ở các ngôi làng tại Nepal.

Theo ông Jirel, người dân địa phương trước đây chỉ sử dụng cây Argeli chủ yếu để dệt dây thừng dùng trong gia đình. Bây giờ, hàng trăm người dân đang trồng và thu hoạch cây nhằm kiếm thêm lợi nhuận.

"Biết được rằng nguyên liệu mà chúng tôi chăm chỉ làm ra đến với Nhật Bản và sau đó được sử dụng để làm ra tiền giấy, đã khiến chúng tôi thực sự hạnh phúc. Chúng tôi cũng nhận ra rằng chúng tôi đang làm ra những nguyên liệu có giá trị cao và tự hào về những đóng góp của mình", ông Jirel nói./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nong-dan-nepal-doi-doi-nho-cung-cap-nguyen-lieu-cho-nhat-ban-lam-giay-in-tien-20240723161647169.htm