Nông dân Nghệ An livestream bán hàng tại ruộng

Chỉ với một chiếc điện thoại và bối cảnh tại vườn, tại chợ, nông dân Nghệ An đã vận dụng để livestream bán nông sản trên nền tảng thương mại điện tử…

Anh Chu Văn Quân livestream bán dưa ngay tại ruộng. Ảnh: T.P

Anh Chu Văn Quân livestream bán dưa ngay tại ruộng. Ảnh: T.P

“1,2,3, xin chào cả nhà! Hôm nay, chúng tôi sẽ thu hoạch ruộng dưa này ở xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn). Đây là dưa hấu ruột vàng, trồng theo hướng hữu cơ. Đây, chúng tôi sẽ hái một quả dưa bất kỳ, mổ ra để mọi người xem, thưởng thức. Chúng tôi sẽ có 5 deal (giao dịch) giảm giá cho 5 khách hàng đầu tiên, sau đó sẽ về giá cũ. Mọi người nhanh tay ấn vào nút mua đi ạ”, đó là lời mở đầu của anh Chu Văn Quân (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn) trong một phiên livestream bán dưa hấu.

Đặc biệt, phiên livestream này, anh Quân còn mời những TikToker, những “hot" streamer phát trực tiếp trên mạng xã hội bán hàng cùng bà con. Những cụm từ “lên đơn”, “chốt đơn”, “mua”… đã khuấy động không khí trên ruộng dưa. Đã có hàng trăm đơn hàng được chốt với gần nửa tấn dưa được bán ngay trong phiên livestream trên ruộng dưa.

Nhiều đơn hàng được chốt ngay trên ruộng dưa. Ảnh: T.P

Nhiều đơn hàng được chốt ngay trên ruộng dưa. Ảnh: T.P

Tốt nghiệp Đại học, trở về khởi nghiệp bằng con đường nông sản sạch, khó khăn mà Chu Văn Quân gặp phải chính là việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nông trại của Quân trồng đu đủ, dưa hấu, dưa lưới… với sản lượng mỗi vụ lên đến hàng chục tấn.

Quân đã tìm đủ cách để tìm kiếm đầu ra cho nông sản như: Liên kết với các công ty giống, phân bón để họ kết nối với các đại lý thu mua nông sản; bán ký gửi ở các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch; thông qua thương lái; chở đi bán lẻ ở các điểm… Vậy nhưng, những lúc rộ vụ thu hoạch, có khi, vẫn ùn ứ và mất giá, do đó, lợi nhuận mang lại không cao.

Trên kênh của mình các hoạt động, cuộc sống nông thôn được anh kể lại sinh động bằng các video. Ảnh: NVCC

Trên kênh của mình các hoạt động, cuộc sống nông thôn được anh kể lại sinh động bằng các video. Ảnh: NVCC

Anh Chu Văn Quân, chủ tài khoản “Anh nông dân chân to” chia sẻ: “Hiện nay, với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, kiến thức vào sản xuất nông nghiệp đã cho ra đời những nông sản năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, khó khăn nhất nông dân phải đối mặt chính là vấn đề tiêu thụ, bán nông sản cho ai, bán với giá thế nào, làm sao để có lãi, có thị trường ổn định? Do đó, tôi lập ra kênh YouTube, TikTok, Fanpage… để livestream bán nông sản.

Có những phiên, tôi mời các nhân vật được xem là “hot" streamer tham gia. Ngoài ra, trên kênh của tôi cũng thường xuyên chia sẻ các video về sinh hoạt hàng ngày, câu chuyện về đồng quê, mời người nước ngoài về các trải nghiệm cuộc sống nông dân… nên lượng người theo dõi ngày càng đông. Nhờ đó, kênh cũng đã có hàng trăm nghìn người theo dõi. Có những phiên bán được hàng tạ dưa. Đặc biệt, nhờ livestream mà người dân khắp nơi biết đến nông sản của farm chúng tôi”.

Nông dân Tân Thắng livestream bán hạt kê. Ảnh: T.P

Nông dân Tân Thắng livestream bán hạt kê. Ảnh: T.P

Cũng theo anh Quân, hiện, có thể, đơn hàng được bán qua nền tảng số chưa nhiều, tốn kém chi phí và có phần phức tạp hơn khi chốt đơn, đóng hàng, vận chuyển hàng… Nhưng, đây là xu thế tất yếu buộc mình cũng như các nông dân sản xuất quy mô khác phải tiếp cận, làm chủ.

Theo dõi kênh của Quân, từng nhiều lần mua sản phẩm dưa hấu, dưa chuột, dưa lưới… qua các phiên livestream, chị Lương Mỹ Trang, thành phố Vinh chia sẻ: “Mua qua các phiên trực tiếp, và nhiều khi, săn được những deal lời, giá rẻ lại chất lượng. Quan trọng nhất là mua hàng “tận gốc” mình được biết quả dưa được canh tác như thế nào, chất lượng ra sao, thu hoạch khi nào”.

Hầu hết những nông dân 8X, 9X đang ứng dụng livestream bán nông sản. Ảnh: T.P

Hầu hết những nông dân 8X, 9X đang ứng dụng livestream bán nông sản. Ảnh: T.P

Hiện nay, livestream bán nông sản không còn quá xa lạ với nông dân, nhất là những nông dân thuộc thế hệ 8X, 9X… Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là có thể thực hiện phiên phát trực tiếp để bán nông sản. Tuy nhiên, để livestream có hiệu quả thì không phải là điều dễ dàng.

Các kênh bán hàng phải có nội dung hấp dẫn, phong phú, phải biết cách làm video đẹp để mọi người có thiện cảm, có thói quen xem kênh của mình trước khi thực hiện livestream bán hàng. Sau đó, là mỗi người phải biết cách chụp ảnh sản phẩm sinh động, biết thiết lập giá phù hợp để thu hút khách.

Chất lượng nông sản, việc đóng gói và bảo quản nông sản khi vận chuyển hàng đến tay người tiêu dùng cần được quan tâm, chú trọng. Ảnh: T.P

Chất lượng nông sản, việc đóng gói và bảo quản nông sản khi vận chuyển hàng đến tay người tiêu dùng cần được quan tâm, chú trọng. Ảnh: T.P

Do đó, ngoài các buổi tập huấn lý thuyết, thì rất cần có sự “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cụ thể cho nông dân tiếp cận hình thức bán hàng này. Đồng thời, mỗi người, có thể mời các hot streamer về tại vườn, tại ruộng, tại cơ sở sản xuất để thực hiện livestream bán hàng. Qua đó, vừa tạo sức hút cho người xem, vừa học hỏi cách mà họ làm để nâng cao kỹ năng cho bản thân.

Đồng thời, cần lưu ý, nông sản tươi phải giao nhanh, hàng hoàn trả có khả năng phải bỏ vì hư hỏng nên cần phải có cách bảo quản, cũng như đầu tư hạ tầng logistics phù hợp mới bảo đảm tính hiệu quả. Bởi, giữ được chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng thì mới giữ chân được người tiêu dùng.

Thanh Phúc

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nong-dan-nghe-an-livestream-ban-hang-tai-ruong-10274607.html