Nông dân phấn khởi xuống đồng đầu xuân mới
Với kết quả tích cực trong thu hoạch, xuất khẩu nông sản trước Tết Nguyên đán, cộng với thời tiết những ngày đầu năm thuận lợi đã tạo động lực cho nông dân các địa phương trong tỉnh phấn khởi xuống đồng thu hoạch cây vụ đông, gieo trồng vụ chiêm xuân. Ngày 14/2 (tức mùng 5 Tết Giáp Thìn), không khí Tết rộn ràng, thời tiết ấm áp như báo hiệu một năm sản xuất nông nghiệp được mùa, được giá. Bởi vậy, nhiều nông dân đã chọn ngày này để xuống đồng sản xuất vụ xuân với mong muốn
Với kết quả tích cực trong thu hoạch, xuất khẩu nông sản trước Tết Nguyên đán, cộng với thời tiết những ngày đầu năm thuận lợi đã tạo động lực cho nông dân các địa phương trong tỉnh phấn khởi xuống đồng thu hoạch cây vụ đông, gieo trồng vụ chiêm xuân. Ngày 14/2 (tức mùng 5 Tết Giáp Thìn), không khí Tết rộn ràng, thời tiết ấm áp như báo hiệu một năm sản xuất nông nghiệp được mùa, được giá. Bởi vậy, nhiều nông dân đã chọn ngày này để xuống đồng sản xuất vụ xuân với mong muốn "lấy may” để cả năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Ngay từ sáng sớm, nông dân tại các địa phương đã ra thăm đồng sau mấy ngày nghỉ Tết. Nhanh tay cấy mạ, bà Bùi Thị Xuân, xóm Chanh, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) chia sẻ: Hôm nay ngày đẹp trời, thời tiết lại khô nên tôi tranh thủ ra đồng cấy lúa. Những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới thời tiết thuận lợi nên mạ non phát triển tốt. Không khí Tết vẫn rộn ràng trên làng quê, tôi cố gắng hoàn thành việc cấy lúa trong ngày đầu năm mới, hy vọng một năm mùa màng bội thu, được giá.
Cũng với tâm lý đó, sau nhiều ngày nghỉ ngơi việc đồng ruộng, nhiều hộ dân đã quay lại nhịp sản xuất thường ngày trong ngày mùng 5 Tết. Trên các cánh đồng tại địa bàn xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn), khi tiết trời vừa hửng nắng, người dân đã khẩn trương ra đồng, vén những tấm nilon che phủ mạ non. Theo anh Bùi Văn Kiên, xã Ân Nghĩa, việc che nilon nhằm giữ ấm cho mạ trong những ngày rét đậm. Khi nắng ấm lên, nếu không vén những tấm nilon ra, nhiệt độ bên trong sẽ rất cao khiến mạ bị vàng lá, có thể gây chết mạ.
Ngay những ngày đầu năm, nông dân xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) đã xuống đồng cấy lúa vụ xuân.
Huyện Lạc Thủy là địa phương bắt đầu sản xuất vụ xuân sớm nhất tỉnh nên thời điểm này là chính vụ gieo cấy lúa xuân. Những cánh đồng dần được phủ xanh từ những ngày cận Tết. Một số hộ dân xuống đồng sản xuất từ sáng mùng 3 Tết vì mạ đủ tuổi cấy. Ngày mùng 5 Tết, thời tiết thuận lợi, theo quan niệm là ngày tốt nên việc gieo cấy cũng vì thế đông vui hơn. Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Căn cứ kế hoạch sản xuất đã được UBND huyện ban hành, từ đầu vụ, các địa phương trong huyện đã tăng cường thông tin về cơ cấu giống, lịch thời vụ gieo cấy trên hệ thống truyền thanh cơ sở và các khu dân cư. Đồng thời, yêu cầu các đại lý, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn chủ động liên kết với các đơn vị sản xuất, cung ứng thóc giống, vật tư, phân bón bảo đảm chất lượng cho bà con để sản xuất đạt kết quả cao nhất.
Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh gieo cấy gần 16.000 ha lúa, trong đó, trà xuân chính vụ chiếm 10%, trà xuân muộn chiếm 90% tổng diện tích; 15.500 ha ngô; khoai lang gần 1.300ha; khoảng 6.300ha cây rau, đậu các loại. Tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: Vụ đông xuân là vụ có diện tích gieo trồng lớn, nhiều loại cây trồng để thâm canh cho năng suất cao, quyết định đến kết quả sản xuất cả năm. Do đó, các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ ngay từ đầu vụ để đạt kết quả toàn diện cả về mặt diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị nông sản. Kiên quyết chỉ đạo nông dân tiếp tục sản xuất trên các diện tích đã có kế hoạch thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa thu hồi, chưa triển khai ngay để tận dụng, không để đất trống. Ngành nông nghiệp và các ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố cần rà soát kỹ để xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất sát với thực tiễn địa phương; chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác; khuyến khích nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng giá trị nông sản. Bên cạnh đó, duy trì tổng đàn gia súc, gia cầm, phát triển sản xuất, chăn nuôi tập trung công nghiệp trong trang trại, đảm bảo các điều kiện chăn nuôi theo quy định, phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của địa phương...
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, những ngày này các tỉnh, thành ở Bắc Bộ hầu như không mưa, trưa và chiều hửng nắng, nhiệt độ tăng dần trong những ngày tới, tuy nhiên về đêm và sáng trời vẫn rét. Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân bố trí thời vụ, cơ cấu giống đảm bảo lúa trỗ tập trung vào thời điểm tối ưu nhất; đẩy mạnh công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cho mạ và lúa mới cấy; tích cực kiểm tra việc tích nước tại hệ thống hồ chứa, đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất...