Nông dân Thủ đô giãi bày nhiều khó khăn, vướng mắc
Tại Hội nghị đối thoại với Bí thư Thành ủy Hà Nội, nông dân Thủ đô đã giãi bày nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, tập trung vào 6 nhóm vấn đề như chính sách đất đai, khó khăn tiêu thụ nông sản, vốn ưu đãi...
Chính sách đất đai nhiều bất cập
Trăn trở về việc đầu tư mở rộng trang trại, ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa) chia sẻ, để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển ở mức cao hơn, ngoài sự phấn đấu nỗ lực của cán bộ, hội viên và nông dân còn phụ thuộc rất nhiều vào chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và TP.
“Tôi kiến nghị TP nghiên cứu vận dụng cơ chế đặc thù của Thủ đô, tạo điều kiện cho phép UBND cấp xã ký hợp đồng với các trang trại thực hiện quyền sử dụng đất dài hơn, hoặc sử dụng đất đai đã được phê duyệt cho thuê dài hạn (vì hiện tại chỉ có thời hạn 5 năm)” - ông Nguyễn Văn Thanh nói.
Bên cạnh đó, Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ kiến nghị TP cần có cơ chế hỗ trợ bình ổn giá lợn trực tiếp tới người sản xuất; tăng cường các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường cho người nông dân. TP cần có chính sách quan tâm để cung cấp, hỗ trợ con giống dòng thuần, giống gốc có phẩm chất cấp cao cho các trang trại để làm nái nền, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ngoài ra, TP cần tạo mặt bằng, có cơ chế hỗ trợ đặc thù nhằm thu hút nhà đầu tư xây dựng khu giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo hợp vệ sinh môi trường.
Cũng với vướng mắc về cơ chế đất đai, bà Đặng Thị Cuối - Giám đốc HTX Rau an toàn Cuối Quý (huyện Đan Phượng) đề nghị TP tháo gỡ một số tồn tại, vướng mắc về cơ chế đất đai (kéo dài thời gian cho thuê quỹ đất công ích 5%, xử lý dự án quy hoạch treo), hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng sản xuất nông nghiệp sạch chuyên canh tập trung, và các đơn vị ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Nguyễn Xuân Huy - hội viên nông dân xã Hòa Bình (huyện Thường Tín) cho hay, hạn chế ở địa phương là các ô thửa do hộ gia đình được giao có diện tích manh mún, sản xuất không hiệu quả, nên một số hộ bỏ đất hoang, năm cấy 1 vụ lúa không hiệu quả.
Do vậy, ông Nguyễn Xuân Huy kiến nghị, chính quyền địa phương và cấp có thẩm quyền là cầu nối trung gian, hỗ trợ về thủ tục pháp lý giữa người đầu tư và người có đất để tập hợp được diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân (chuyển nhượng, cho thuê hoặc góp vốn bằng đất…) đảm bảo cho người đầu tư yên tâm khi thực hiện dự án.
Cùng với đó, TP có chính sách hỗ trợ kinh phí ban đầu cho xây dựng nhà màng, nhà kính và đường giao thông nội đồng đảm bảo giao thông thuận tiện để đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Cơ quan có thẩm quyền kịp thời bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp, tạo điều kiện cho người dân khi chuyển đổi.
Ông Nguyễn Như Hảo - hội viên nông dân xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức), đề nghị TP phối hợp Bộ NN&PTNT nghiên cứu triển khai lập quy hoạch hành lang thoát lũ vùng bãi sông Đáy, trong đó có vùng bãi sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức và ban hành quy định đối với xây dựng công trình phụ trợ (hệ thống nhà lưới, nhà màng, kho bảo quản, nhà sơ chế…) phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái.
Ông Nghiêm Quang Vinh - hội viên nông dân xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) cho hay, hiện nay để quản lý điều hành 157ha vùng sản xuất rau an toàn của huyện Phú Xuyên với 1.700 hộ, UBND xã Minh Tân đã thành lập HTX rau an toàn Minh Tân nhưng mới chỉ dừng lại ở khâu quản lý và chuyển giao khoa học kỹ thuật, chưa triển khai dự án được bài bản, quy mô lớn.
Ông Vinh đề xuất TP, các sở ban ngành có cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp cho DN có điều kiện đầu tư, tạo hành lang thuận lợi cho DN và hội viên nông dân sớm thực hiện dự án. Đồng thời, kiến nghị TP có chính sách cụ thể, rõ ràng về chế độ, nguồn kinh phí đầu tư để hỗ trợ khuyến khích DN, nông dân bước đầu bớt khó khăn khi thực hiện dự án.
Đáng nói, hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi thủy sản của Phú Xuyên, 2/3 số xã thuộc miền Tây của huyện đang sử dụng nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi thủy sản. Đề nghị TP có giải pháp để xử lý nguồn nước ô nhiễm tại sông Nhuệ.
Bấp bênh đầu ra nông sản
Băn khoăn về câu chuyện được mùa mất giá trong tiêu thụ nông sản, ông Chu Xuân Cừ - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Vì có 101 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Bưu điện huyện và UBND huyện triển khai gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản và gian hàng ẩm thực Festival nông sản 2022 để quảng bá, giới thiệu, thúc đẩy thương mại tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Tuy nhiên, theo ông Chu Xuân Cừ, việc tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn huyện trong những năm qua còn gặp nhiều khó khăn, chưa có đầu ra ổn định, còn xảy ra tình trạng được mùa mất giá và thương lái ép giá, gây ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của nông dân.
Nhằm hỗ trợ nông dân có đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản, nông dân huyện Ba Vì đề nghị TP tiếp tục thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản hàng hóa và phối hợp với Hội Nông dân triển khai tổ chức Phiên chợ nông sản an toàn của nông dân Thủ đô và các địa phương.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Nghệ - hội viên nông dân xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm) cho hay, toàn huyện Gia Lâm hiện nay có 13 xã được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể, 14 xã ứng dụng hệ thống QR-Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Huyện cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông sản chất lượng cao, an toàn gắn với chuỗi liên kết và tiêu thụ.
Tuy nhiên, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi giá trị trên địa bàn huyện còn thấp; việc tiêu thụ nông sản an toàn còn vướng mắc nhất định do khâu kết nối thị trường chưa chuyên nghiệp. Vì vậy, đề nghị TP quan tâm hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm và tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn chất lượng cao.
Nông dân cần được hỗ trợ chuyển đổi số
Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc HTX Hoàng Long, xã Tân Ước (huyện Thanh Oai) bày tỏ mong muốn có cơ hội được tiếp cận, học tập, nâng cao hiểu biết kiến thức và kỹ năng tổ chức sản xuất, quản trị kinh doanh, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ có hiệu quả.
“Chúng tôi đề nghị TP quan tâm chỉ đạo xây dựng và triển khai Đề án nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, tạo điều kiện đưa nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đi học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài nước” - ông Nguyễn Trọng Long chia sẻ.
Bà Vũ Thị Bích Hoàn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn) chia sẻ, để thực hiện tốt chủ trương của TP về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đề nghị TP tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân tham gia các hoạt động thông tin tuyên truyền, và triển khai đề án xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi trong các hộ nông dân.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nong-dan-thu-do-giai-bay-nhieu-kho-khan-vuong-mac.html