2 sào đất chuyên canh tác rau màu ven sông Trà Bồng được ông Đỗ Văn Hiếu (tổ dân phố An Châu, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) chuyển sang trồng hoa hồng.
Sau hơn 3 tháng xuống giống, hơn 200 gốc hồng đã cho những lứa hoa đầu tiên. Ông Hiếu dự tính cung ứng toàn bộ số lượng hồng này cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2023.
“Nhu cầu tiêu thụ hoa rất lớn nhưng nguồn cung lại nhập về từ các nơi khác. Do đó, bà con nông dân ở đây chỉ cần làm hoa đạt khoảng 80% về chất lượng, giá bán thấp hơn thì chắc chắn có nguồn thu nhập ổn định” - ông Hiếu bày tỏ.
Trên phần đất hơn 1.500m2 của gia đình, ông Nguyễn Văn Binh (tổ dân phố An Châu) dành hơn 1.000m2 trồng cúc vàng Đà Lạt và cúc 7 màu. Dự kiến, diện tích hoa cúc của gia đình ông bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 12 Âm lịch ra tới rằm tháng Giêng.
“Hiện nay, mỗi cây hoa cúc có giá từ 5.000 – 7.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi sào hoa cúc cho lãi khoảng 20 triệu đồng. So với trồng lúa và các loại rau màu ngắn ngày khác thì trồng hoa mang lại thu nhập cao hơn hẳn” - ông Binh nhẩm tính.
Thị trấn Châu Ổ có trên 90ha đất màu, trong đó có tới 40ha đất bãi dọc theo bờ sông Trà Bồng.
Trước đây, hầu hết các loại cây màu truyền thống canh tác ở khu vực này đều cho năng suất thấp, thu nhập bấp bênh. Một số hộ không còn nhu cầu canh tác đã cho thuê hoặc bỏ hoang.
Thời gian gần đây, bà con nông dân ở ven sông Trà Bồng đang dần chuyển đổi từ trồng rau màu kém hiệu quả sang các loại hoa như hồng, cúc…
“Việc chuyển đổi này kỳ vọng tạo sản phẩm đặc trưng của địa phương, hình thành làng hoa Châu Ổ ven sông Trà Bồng, phấn đấu đến năm 2025 huyện Bình Sơn đạt tiêu chí đô thi loại IV và trở thành thị xã” - Chủ tịch UBND thị trấn Châu Ổ Võ Thị Hiền chia sẻ.
Hà Phương