Nông dân với ý thức tự cường
Ban Chỉ đạo Đề án 61 Trung ương vừa đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư về Đề án 'Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020' và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc 'Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020'.
(Ảnh minh họa)
Qua đánh giá cho thấy trong một thập kỷ qua Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định 673/QĐ-TTg là nguồn lực quan trọng hỗ trợ các cấp hội nông dân tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới. Đến nay cả nước có trên 27.000 hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng, trên 505.000 hộ thu nhập từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng, trên 775.000 hộ thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng, trên 2,2 triệu hộ có thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm; có 5.177 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 58,2%.
Có thể nói, khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân dù đạt được nhiều kết quả, nhưng vẫn còn đó những tồn tại chưa thể giải quyết căn cơ, triệt để ngay được. Tình trạng một bộ phận nông dân ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước; sản xuất, chăn nuôi ồ ạt theo trào lưu; chưa có điều kiện để tiếp cận đầy đủ công nghệ nhằm nâng tầm sản phẩm; chưa có sự đảm bảo ổn định đầu ra cho nông sản... là những vấn đề đang tiếp tục thúc bách các cơ quan quản lý tháo gỡ.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải xây dựng một lớp nông dân mới nắm chắc khoa học - công nghệ, kinh tế số, đổi mới tư duy, cách làm, không để tình trạng “con trâu đi trước, cái cày theo sau”.
Đất nước đang thay đổi từng ngày, mọi ngành nghề, giai cấp đều cho thấy sự vươn lên, vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nhất là xây dựng nông thôn mới cũng đang tiếp tục đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ mới cao hơn.
Dù chúng ta đã có những nhà sáng chế nông dân, những nông dân thương gia với vai trò vừa sản xuất, vừa tiêu thụ sản phẩm và nhiều tỷ phú nông dân, nhưng con số đó vẫn là quá ít so với số lượng nông dân hiện nay.
Sức nóng cải tổ đã tỏa nhiệt từ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và từ chính những gì đang tồn tại ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Để nông dân thật sự làm chủ khu vực nông nghiệp, nông thôn, hạn chế “dòng chảy” ly nông, một số cấp ủy, chính quyền và các ngành liên quan cần quan tâm tạo điều kiện nhiều hơn để các cấp hội nông dân tham gia thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, tham mưu các vấn đề liên quan đến chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ vốn vay cho nông dân và sự hỗ trợ của các cấp hội nông dân thông qua chương trình đào tạo, tập huấn, vẫn phải là ý thức tự cường của người nông dân.
Nông dân phải thật sự xây dựng được khát vọng, nỗ lực vươn lên làm chủ theo hướng từ khi hạt giống gieo xuống, con nuôi vào chuồng đã nghĩ được đầu ra thế nào, chứ không trông đợi vào sự may rủi của thị trường. Cùng với đó là chủ động ứng phó với biến đổi bất thường của khí hậu tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp; chủ động tiếp cận, sử dụng hiệu quả công nghệ mới để nâng cao năng suất.
Bây giờ gần như ở địa phương nào cũng có những mô hình sản xuất nông nghiệp, nông dân hãy cùng nhau thi đua, xây dựng thêm nhiều mô hình mới, mở thêm hướng sản xuất trên đồng đất làng quê mình. Nông dân cũng như thương nhân, cần chọn cho mình phương châm hành động, đó là muốn đi xa thì hãy đi đông người.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nong-dan-voi-y-thuc-tu-cuong/128640.htm