Nông dân xã An Nhơn tái chế rác thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón
ĐTO - Nhờ tận dụng nguồn rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học bón cho cây trồng mà hiện nay nông dân xã An Nhơn, huyện Châu Thành đã giảm được trên 60% chi phí sản xuất. Ngoài ra, mô hình còn góp phần giúp đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp nhờ giảm lượng rác thải ra môi trường.
Tiết kiệm chi phí phân bón
Mảnh vườn hơn 1ha chuyên trồng nhãn của ông Mai Hữu Tâm ở ấp Tân Phú, xã An Nhơn, huyện Châu Thành khoảng 1 năm qua đều dùng phân hữu cơ tự chế từ lục bình để bón cho cây. Ông Tâm chia sẻ: “Trước đây, tôi có dùng phân hữu cơ nhưng chủ yếu mua tại cửa hàng vật tư. Từ khi tham gia lớp tập huấn làm phân sinh học từ lục bình do Hội Nông dân Đồng Tháp tổ chức, tôi đã làm thử và nhận thấy kết quả tốt, giảm được khoảng 60% lượng phân bón vô cơ, qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận hơn trước”.
Ông Lê Thành Lập - Tổ trưởng Tổ Liên kết sản xuất nhãn Bạch Viên (ấp Tân Phú, xã An Nhơn, huyện Châu Thành) cũng nhờ sử dụng phân hữu cơ làm từ cá bón cho vườn nhãn nên giảm chi phí sản xuất đáng kể, lượng phân vô cơ giảm tới 70%. “Trước đây, tôi đã thử làm phân hữu cơ bằng cá nhưng nhược điểm vẫn còn mùi hôi nhiều. Từ khi thực hiện mô hình này, có men IMO, tôi thấy rất hiệu quả, việc sử dụng phân sinh học thay thế phân vô cơ giúp giảm chi phí sản xuất, cây phát triển rất tốt, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân” - ông Lập cho biết.
Sử dụng men vi sinh IMO để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất đã trở thành thói quen của gần 40 thành viên Tổ Liên kết sản xuất nhãn Bạch Viên. Ông Lê Thành Lập cho biết thêm, từ tháng 8/2023, tổ được Hội Nông dân huyện Châu Thành chọn triển khai mô hình. Sau khi tiếp nhận, triển khai và tham gia lớp tập huấn về cách thức làm phân hữu cơ, bà con thấy dễ nên đều làm theo.
“Cách thức làm phân tương đối dễ. Đầu tiên, để tạo ra men gốc (men IMO) chúng ta dùng các nguyên liệu quen thuộc như: men tiêu hóa irô, sữa chua, đường, men rượu, cám gạo, chuối. Sau đó, trộn các nguyên liệu này lại, ủ 24 giờ rồi đem phơi khô thành men gốc. Khi có men gốc, tiến hành ủ phân bằng cách lấy một lượng men gốc cần đủ dùng đổ nước vào, sau đó dùng nước này tưới vào phần rác thải, phụ phẩm nông nghiệp, rồi ủ lại khoảng 3 - 4 ngày là có thể bón cho cây. Do men gốc dễ tìm nên rất tiện dụng cho người dân làm phân hữu cơ” - ông Lập chia sẻ.
Từ hiệu quả của mô hình, nhiều người dân trong ấp học hỏi và làm theo. Bên cạnh việc dùng men IMO để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ, người dân còn dùng phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học bón cho cây trồng. Hiện nay, người dân còn sử dụng men IMO trong chăn nuôi heo, nuôi cá và sử dụng xử lý mùi hôi rác thải sinh hoạt hữu cơ trong gia đình. Một số chị em phụ nữ còn dùng men IMO pha thêm chanh, khóm làm nước rửa chén, lau nhà, giúp tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
Mở rộng mô hình làm phân bón
Ông Huỳnh Hữu Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn cho biết: Mô hình “Tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất” được Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện. Tính từ tháng 8/2023 đến thời điểm tổng kết vào cuối năm 2023, 32 hộ tham gia mô hình đều thực hiện có hiệu quả, trong đó những hộ có nhu cầu sử dụng phân bón cho cây trồng lớn có thể ủ từ 3 - 5 tấn nguyên liệu/năm (cho ra trên 1 tấn phân bón hữu cơ từ lượng phụ phẩm), các nguyên liệu thường dùng như: ốc, cá, lục bình, rau, củ, quả...
Về hiệu quả của mô hình, đối với cây ăn trái có thể giảm hơn 60% chi phí nhờ giảm lượng phân bón vô cơ. Ngoài ra, việc sử dụng phân hữu cơ cho cây còn giúp cải tạo đất, phục hồi cây lão hóa, tăng năng suất, trái to, đẹp và có thể kéo dài thời gian bảo quản trên cây (thêm khoảng 15 ngày trong thời gian trái cây chín rộ, ùn ứ). Riêng đối với những hộ chăn nuôi, ngoài giảm lượng hao hụt, giảm chi phí sản xuất (có thể lên đến 50%), giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh, rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí sản xuất...
Bên cạnh các lợi ích về kinh tế, việc tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất còn giúp người dân xã An Nhơn thay đổi hành vi, thói quen, tập quán theo hướng kiểm soát và giảm tối đa việc sử dụng hóa chất và các thành phần vô cơ trong sản xuất nông nghiệp, kiểm soát rác thải giúp giảm ô nhiễm môi trường.
“Từ hiệu quả mô hình điểm, xã đã nhân rộng ra phạm vi 7 ấp. Riêng trong năm 2024, ngoài tiếp tục duy trì mô hình thí điểm tại Tổ Liên kết sản xuất nhãn Bạch Viên, xã sẽ tiếp tục vận động thêm 1 tổ thực hiện tại cồn An Hòa, nhất là triển khai đến thành viên Hội quán áp dụng mô hình sản xuất” - ông Thuận cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thanh Hải -Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành cho biết, được Hội Nông dân tỉnh chọn Châu Thành để triển khai mô hình “Nông dân tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất”, huyện đã chọn xã An Nhơn làm mô hình điểm thực hiện trong năm 2023. Qua tổng kết, đánh giá, nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả rất cao, giúp nông dân xử lý nguồn phế phẩm nông nghiệp, rác sinh hoạt hữu cơ tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất, từ đó giảm chi phí đầu vào, đồng thời tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện môi trường.
“Từ hiệu quả mô hình mang lại, trong năm 2024, đã phát động nhân rộng mô hình trên toàn huyện, hướng dẫn các xã, thị trấn có hình thức tổ chức thực hiện mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Đồng thời tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, những kiến thức cơ bản về ủ rác thải hữu cơ làm phân bón giúp nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường” - ông Hải chia sẻ.