Nông dân xứ Thanh phất lên nhờ trồng lúa sạch 'trúng thêm' con cá đồng

Hà Trung là địa phương có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Để nâng giá trị sản xuất, làm giàu cho người nông dân, thời gian qua, huyện đã có nhiều chính sách thu hút HTX, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết.

Trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá đồng là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân ở Hà Trung. Đặc biệt, sự hình thành của các tổ hợp tác, HTX giúp giá trị sản xuất của mô hình ngày càng tăng.

"Sống khỏe" với cá - lúa

Được sự đồng hành của cán bộ nông nghiệp xã Hà Tiến, cách đây 5 năm, gia đình ông Đỗ Văn Quý, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp Hà Tiến mạnh dạn chuyển đổi gần 1 ha đất trồng lúa kém hiệu quả để phát triển mô hình trồng lúa kết hợp nuôi các loại cá mè, trôi...

Ông Quý chia sẻ trước đây, khu ruộng của gia đình ông nằm ở vùng trũng, năng suất thấp nên thu nhập rất bấp bênh, nhiều thời điểm ruộng bỏ hoang. Chỉ đến khi được xã và Tổ hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, gia đình đã đào sâu ruộng và đắp bờ, có mương bao quanh ruộng và ao chứa cá khi chuyển vụ.

Mô hình cá - lúa đang trở thành mô hình kinh tế hiệu quả của nhiều nông dân ở huyện Hà Trung.

Mô hình cá - lúa đang trở thành mô hình kinh tế hiệu quả của nhiều nông dân ở huyện Hà Trung.

Cùng với đó, ông Quý sử dụng chế phẩm vi sinh để cải tạo môi trường nước, đáy ruộng nhằm đảm bảo môi trường sống an toàn, qua đó giúp nâng cao sức đề kháng của cá, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sự kết hợp hài hòa góp phần nâng cao năng suất của cả lúa và cá.

“Nếu trước đây, hơn 1 ha lúa chỉ thu về khoảng 2-3 tấn thóc, thu nhập vừa đủ ăn, thì nay nhờ sự kết hợp hiệu quả, năng suất lúa đạt trên 3,5 tấn/ha, cộng thêm thu nhập 35-50 triệu đồng/vụ từ cá. Tính bình quân mỗi vụ, tôi thu về 60 - 70 triệu đồng”, ông Quý hồ hởi nói.

Đáng chú ý, các phụ phẩm của lúa như rơm, rạ, thóc rụng và cả các loài dịch hại cây lúa như sâu, rầy... cũng được gia đình ông Quý tận dụng, tiến hành ủ để làm thức ăn giúp cá phát triển tốt, tiết kiệm chi phí mua thức ăn. Phân cá làm tăng nguồn dinh dưỡng cho cây lúa, cá bơi lội sục bùn làm đất tơi xốp, thoáng khí giúp rễ lúa nhanh phát triển, hấp thu dinh dưỡng tốt.

Được biết, đến nay, toàn xã Hà Tiến đã chuyển đổi được gần 10 ha đất trồng lúa kém hiệu quả để phát triển mô hình cá - lúa, đồng thời kết hợp diện tích mặt nước để chăn nuôi vịt, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hiện, toàn xã cũng có 3 tổ hợp tác phát triển mô hình, tạo điểm tựa cả trong sản xuất và vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, hộ nông dân liên kết. Để nhân rộng, xã đang tích cực hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác nhằm khuyến khích người dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đa dạng hóa sản xuất

Cũng giống như Hà Tiến, xã Hà Long cũng đang thúc đẩy sản xuất cá – lúa kết hợp, bởi nhìn thấy hiệu quả kép về kinh tế và môi trường sinh thái của mô hình này. Xuất phát với chỉ vài hộ trong vụ đầu năm 2015, đến nay, toàn xã đã có gần 100 hộ tham gia.

Bên cạnh thả cá, không ít hộ còn mạnh dạn thả nuôi thêm tôm, cua để tăng hiệu quả kinh tế. Điển hình như anh Phạm Hữu Dũng, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp xã Hà Long, đang phát triển gần 2 ha trồng lúa kết hợp nuôi cá, cho thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Nông dân Hà Trung thu hoạch cá để trả lại ruộng cho lúa hồi đầu năm 2023 (Ảnh: BTH).

Nông dân Hà Trung thu hoạch cá để trả lại ruộng cho lúa hồi đầu năm 2023 (Ảnh: BTH).

Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Hà Trung, những năm qua, để biến khó khăn của những vùng sâu trũng thành lợi thế, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chỉ đạo UBND các xã có diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc vùng sâu trũng cải tạo mặt ruộng để đào ao, đắp bờ nhằm chuyển đổi diện tích đất sâu trũng trồng 1 vụ lúa, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang thực hiện mô hình kết hợp trồng lúa và nuôi cá.

Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 300 ha đất lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình cá - lúa. Đối tượng nuôi chủ yếu các loại cá truyền thống, như cá mè, cá trôi, cá trắm, cá chép, cá rô phi... Một số xã có diện tích chuyển đổi nhiều, như Hà Long, Hà Lĩnh, Hà Tân, Hoạt Giang, Hà Châu, Hà Yên...

Bên cạnh mô hình cá – lúa, quá trình chuyển đổi nông nghiệp đi đúng hướng cũng giúp huyện Hà Trung hình thành nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho giá trị kinh tế cao khác.

Đơn cử, nhận thấy việc nhân rộng mô hình nuôi ốc nhồi rất khả thi, phù hợp với những diện tích ao nuôi cá kém hiệu quả, đặc biệt là các khu ruộng, đất trũng chủ động được nguồn nước, huyện Hà Trung đã và đang khuyến khích, hỗ trợ người dân đầu tư xây dựng mô hình tập trung ở các xã Hà Sơn, Hà Vinh.

Hút nguồn lực đầu tư

Có thể nói, các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hà Trung đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, làm thay đổi tập quán sản xuất, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho lao động địa phương.

Để khuyến khích người dân xây dựng các mô hình nông nghiệp hiệu quả, huyện Hà Trung đã thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, hình thành các vùng chuyên canh sản suất, hiệu quả kinh tế cao, như: lúa nếp hạt cau xã Hà Lĩnh, lúa nếp cái hoa vàng xã Hà Long; dứa tại các xã Hà Long, Hà Vinh; dưa chuột tại các xã Hà Giang, Hà Long, Hà Lĩnh...

Bên cạnh đó, huyện thực hiện chuyển đổi hơn 1.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao; hình thành các mô hình sản xuất, như trồng cây dược liệu, cây ăn quả áp dụng công nghệ tưới nước theo phương pháp nhỏ giọt, dưa lưới Nhật Bản, nuôi ốc nhồi, cá rô phi...

Hàng năm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho người dân, đồng thời tiếp nhận khảo nghiệm, chuyển giao nhanh các giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất.

Để phát huy những thành tựu đang có, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính sách thu hút HTX, doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị. Huyện cũng kiến nghị các cấp, các ngành nghiên cứu hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng sản xuất, áp dụng khoa học, công nghệ cao, cơ giới hóa, không ngừng đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nong-dan-xu-thanh-phat-len-nho-trong-lua-sach-apos-trung-them-apos-con-ca-dong-1095210.html