Nông, lâm kết hợp - mô hình phát triển kinh tế bền vững
Thời gian qua, ngành Kiểm lâm đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp theo hướng đa canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Từ đó nâng cao đời sống của người trồng rừng, tạo động lực để họ gắn bó và có trách nhiệm hơn với việc bảo vệ và phát triển rừng.
Về thôn Đồi Ngô, xã Gia Hòa (huyện Gia Viễn), chúng tôi đến thăm mô hình nông, lâm kết hợp của gia đình ông Nguyễn Quốc Việt. Ở đây, ngoài rừng keo, ở dưới chân đồi còn có bạt ngàn các loại cây ăn quả, từ thanh long, ổi, bưởi, mít... cây nào cây ấy xanh mướt, trĩu quả.
Ông Việt hồ hởi khoe: Do trồng đa dạng các loại cây nên hầu như thời điểm nào gia đình tôi cũng có thu hoạch, mùa hè thì mít, thanh long, nhãn, vải, mùa thu, đông thì có các loại bưởi. Trung bình mỗi năm gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng từ các loại cây này. Riêng diện tích rừng là "của để dành".
Nhắc đến rừng, giọng ông Việt bỗng trầm lại rồi kể: Khu vực này xưa người ta gọi là đồi nắng một phần bởi nó khô cháy, trơ trọi, toàn sỏi đá, chẳng có cây cối gì. Một năm có tới 3-4 tháng người dân không có nước dùng. Nhưng từ khi được cán bộ Kiểm lâm tuyên truyền, hướng dẫn, bà con chúng tôi trồng và bảo vệ rừng, màu xanh mới hiện hữu, đất đai không bị xói mòn nữa, nguồn nước ngầm cũng dồi dào hơn. Từ đó, người dân chúng tôi mới có thể trồng và phát triển các loại cây ăn quả, và giờ đây không ít nhà đã giàu lên từ mô hình nông, lâm kết hợp này.
Chia tay ông Việt, chúng tôi đến thăm mô hình của gia đình ông Đoàn Công Thắng, cũng ở thôn Đồi Ngô. Với tổng diện tích 3 ha đồi rừng, gia đình ông Thắng chọn giống cây thông caribe là cây trồng chủ đạo và trồng xen thêm các cây dược liệu, cây ăn quả có giá trị khác như: Trà hoa vàng, sim, cây mít. Ngoài ra, tận dụng khoảng trống khi các cây này chưa khép tán, ngô, lạc được đưa vào canh tác nhằm lấy ngắn nuôi dài.
Ông Thắng chia sẻ: Nếu như trên diện tích rừng của gia đình tôi chỉ trồng một loại cây thì sau 5-7 năm mới cho thu hoạch. Còn với cách trồng xen nhiều loại cây như hiện nay thì có thể lấy ngắn nuôi dài, tận dụng được tối đa không gian. Sản phẩm cho thu hoạch vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm và không phải đầu tư quá nhiều kinh phí. Đặc biệt, khi trồng xen giữa các loài cây, chúng tôi giảm được nhiều công làm cỏ.
Ông Đinh Vũ Mạnh, cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi chọn các cây trồng như trên để đưa vào mô hình. Tất cả đều phải tính toán kỹ lưỡng, để tạo nên một tiểu sinh thái cộng sinh khép kín, tương hỗ, tự cân đối và hoàn toàn thuận theo tự nhiên: Những cây tầng trên che đỡ, tạo ra dưỡng chất cho tầng dưới hấp thụ, ngược lại những cây tầng dưới tạo ra độ mùn, khoáng giúp đất tơi xốp, tạo dưỡng chất cho những cây tầng trên phát triển. Ngoài ra, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khắc nghiệt, hạn hán, thiếu nước đe dọa đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, Chi cục còn hỗ trợ bà con ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm vào sản xuất, qua đó tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển thuận lợi, làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của cây trồng. Điều này rất có ý nghĩa đối với những vùng khô hạn và vùng không chủ động tưới tiêu như ở Gia Viễn, Nho Quan, thành phố Tam Điệp...
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp, những năm qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, chính quyền cơ sở, các tổ chức xây dựng nhiều mô hình quản lý, bảo vệ rừng bền vững.
Ngoài các mô hình nông, lâm kết hợp của ông Việt, ông Thắng, còn phải kể đến mô hình quản lý, bảo vệ rừng bền vững của hộ ông Bùi Trọng Nguyên, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan; ông Đỗ Hồng Cẩm, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp; mô hình trồng tràm nước ngọt, trồng trám ghép vỏ vàng xen chè đắng; mô hình khôi phục phát triển cây bùi Kỳ Lão ở các địa phương vùng cao.
Nhìn chung, các mô hình trên đều được thiết kế theo hướng trồng đa tác dụng và xen canh, góp phần giải quyết việc làm tại nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống thông qua thu nhập từ cây ngắn ngày và các sản phẩm chính theo chu kỳ. Từng bước thay đổi nhận thức trong đầu tư của các hộ làm kinh tế đồi rừng, chuyển đổi từ những cây truyền thống có giá trị thấp sang những cây có tiềm năng đem lại giá trị cao hơn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp nói chung và lâm nghiệp nói riêng.
Đặc biệt, phần lớn các mô hình triển khai trong thời gian gần đây đều được khảo sát, xem xét hỗ trợ thêm hệ thống tưới nước tiết kiệm, góp phần giảm chi phí nhân công chăm sóc (giảm 50% chi phí nhân công so với tưới theo phương pháp truyền thống), cung cấp đủ nhu cầu nước cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Đây là giải pháp mang tính cần thiết và bền vững, phù hợp với những vùng có điều kiện khô hạn, thiếu nước tưới. Song song các hoạt động trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn phối hợp với một số sở, ngành, nhà khoa học mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật bảo vệ rừng, kỹ thuật canh tác nông, lâm kết hợp trên đất dốc theo mô hình VACR...
Thực tế cho thấy, triển khai trồng rừng phải mất khoảng từ 5 đến 7 năm trở lên mới có thể khai thác, thu hoạch. Vì vậy, việc phát triển và nhân rộng các mô hình đồi rừng đa cây, đa tầng mà Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang thực hiện sẽ góp phần giải bài toán về thu nhập cho người dân, tạo động lực để họ gắn bó và có ý thức bảo vệ rừng và xa hơn là tạo ra một hệ sinh thái, một tương lai xanh bền vững.