Việt Nam và Hoa Kỳ đạt thỏa thuận về tranh chấp thuế chống bán phá giá cá tra
Sau 7 năm đàm phán, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được giải pháp song phương để chấm dứt các vấn đề tranh chấp trong việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 17/1, tại Washington (Hoa Kỳ), Bộ này được ủy quyền của Chính phủ đã ký thỏa thuận song phương giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam về lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với cá phi lê từ Việt Nam. Tổ chức thay mặt Chính phủ Mỹ ký thỏa thuận là Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR).
Như vậy, hai bên đã đạt được giải pháp song phương để chấm dứt các vấn đề tranh chấp trong vụ việc DS536 tại WTO.
Trước đó, ngày 8/1/2018, Việt Nam đã chính thức khởi kiện Hoa Kỳ vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ (vụ việc DS536).
Năm 2020, sau khi Ban hội thẩm WTO có dự thảo phán quyết vụ việc gửi cho các bên liên quan trước khi công bố chính thức, phía Hoa Kỳ đã đề xuất Chính phủ Việt Nam cùng đề nghị hoãn ban hành báo cáo của Ban Hội thẩm để thương lượng một giải pháp song phương nhằm giải quyết vụ việc DS536.
Theo thỏa thuận này, CTCP Vĩnh Hoàn (mã: VHC) - doanh nghiệp duy nhất đủ điều kiện dỡ bỏ thuế theo quy định của Hoa Kỳ, đồng thời là nhà xuất khẩu cá tra, basa hàng đầu của Việt Nam đã được đưa ra khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu cá tra, cá basa vào Hoa Kỳ.
Đây là lần thứ hai Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được Thỏa thuận song phương nhằm giải quyết vụ việc tranh chấp tại WTO, bên cạnh vụ việc về thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nước ấm (DS429). Năm 2016, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Thỏa thuận song phương để dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nước ấm xuất khẩu vào Hoa Kỳ của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã: MPC).
Việc Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được giải pháp song phương để giải quyết vụ kiện cá tra, basa là kết quả của thiện chí và nỗ lực đàm phán từ cả 2 phía. Việt Nam hoan nghênh tinh thần xây dựng, thái độ thiện chí và nỗ lực tìm kiếm giải pháp song phương của phía Hoa Kỳ, đặc biệt là Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR).
Việc Hoa Kỳ thực thi phán quyết của WTO cũng góp phần quan trọng trong việc thể hiện thiện chí tăng cường mối quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong bối cảnh 2 nước đã nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Về phía Việt Nam, đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, bền bỉ và tích cực trong nhiều năm qua giữa Chính phủ, các luật sư tư vấn cho Chính phủ và các doanh nghiệp ngành thủy sản. Giải pháp song phương này cho thấy Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng sử dụng các diễn đàn phù hợp, bao gồm cả cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung, 11 tháng năm 2024, xuất khẩu sản phẩm này sang Mỹ đạt hơn 12 triệu USD, tăng 2.182% (tương đương gấp 21 lần) so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả được ghi nhận là tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng cao nhất trong 10 năm gần nhất, tính từ năm 2015.
Hoa Kỳ là 1 trong những thị trường nhập khẩu và tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam, chủ yếu là sản phẩm phile đông lạnh. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, quốc gia này đã nhập khẩu nhiều hơn các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng.