Nông nghiệp 'bắt nhịp' những thay đổi bất định của thị trường

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, càng ra biển lớn thì sẽ càng khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp phải quyết tâm cao, duy trì đà tăng trưởng trên cơ sở tổ chức lại sản xuất thật sự nghiêm túc. Đó là cơ sở để ngành có thể 'bắt nhịp' những thay đổi bất định của thị trường.

Đà tăng trưởng duy trì tương đối tốt

- Tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành nông nghiệp tháng đầu năm 2025 như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Năm 2024 đi qua với nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành nông nghiệp vẫn tạo được nhiều dấu ấn rất tích cực, tăng trưởng tốt. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm tăng 10 - 15%, nhưng nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên nguồn cung vẫn dồi dào, giá cả ổn định.

 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến

Trong tháng 1.2025, nhìn chung đà tăng trưởng của các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp duy trì tương đối tốt.

Theo đó, sản xuất lúa đạt 2,5 triệu tấn, tăng 23,8%. Chăn nuôi quy mô đàn lợn trên 31 triệu con, tăng 3,7% và giá tương đối tốt, từ 63.000 - 68.000 đồng/kg thịt lợn hơi. Đàn gia cầm với quy mô 568 triệu con, tăng trưởng 1,7%. Sản lượng gỗ khai thác tăng trên 8%; sản lượng thủy sản tăng 0,7%...

Về xuất khẩu, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1 đạt 5,08 tỷ USD; giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2024. Như vậy mục tiêu xuất khẩu của ngành đạt từ 64 - 65 tỷ USD sẽ có những khó khăn, thách thức.

- Theo Thứ trưởng, nguyên nhân nào đã và đang tác động đến tốc độ tăng trưởng của ngành trong tháng 1?

- Vừa qua, một số mặt hàng có sản lượng xuất khẩu tăng, nhưng giá giảm; một số sản phẩm vừa giảm về lượng vừa giảm về giá. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu của một số thị trường giảm.

Đơn cử, giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2024 đạt 627 USD/tấn, tăng 9,1% so với năm 2023 nhưng hiện giá gạo chỉ còn khoảng 440 USD/tấn. Nguyên nhân do Ấn Độ mở cửa xuất khẩu trở lại và một số quốc gia đã tự túc được một phần lương thực.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1 giảm, dù đây mới là tháng đầu năm song Việt Nam phải có hệ thống giải pháp để để duy trì đà tăng trưởng và về đích mục tiêu xuất khẩu. Tôi tin tưởng rằng, khi đã xác định được những nguyên nhân, ngành sẽ tiếp tục xúc tiến mở rộng xuất khẩu sang các thị trường, như Hoa Kỳ, Trung Quốc. Ngoài ra, cần quan tâm thị trường châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines...

Đối với thị trường Halal, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ cũng đã chỉ đạo một số doanh nghiệp xuất khẩu sang như De Heus Việt Nam, C.P. Việt Nam… Đồng thời đã họp bàn với các doanh nghiệp để tìm các giải pháp để bước vào các thị trường mới nhằm duy trì quy mô và có được đà tăng trưởng tốt trong năm 2025.

Xuất khẩu nông sản sang Hoa Kỳ vẫn nhiều cơ hội

- Mới đây, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc. Theo Thứ trưởng, điều này ảnh hưởng như thế nào đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ?

- Hoa Kỳ hiện là một trong những thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Hoa Kỳ đạt 13,8 tỷ USD, chiếm 21,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Chính vì vậy, chính sách mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có tác động đến quá trình xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, chúng ta giữ quan hệ tốt với bạn trên tất cả các phương diện. Do đó, dù có tác động bởi chính sách thuế mới nhưng chắc chắn quá trình xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Hoa Kỳ vẫn sẽ được thúc đẩy với nhiều cơ hội.

 Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Ngày 20.1 vừa qua, Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận quan trọng, chấm dứt tranh chấp kéo dài về thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra, basa phile của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó, Công ty CP Vĩnh Hoàn được đưa ra khỏi danh sách áp thuế chống bán phá giá. Điều này không chỉ đánh dấu thắng lợi lớn đối với Vĩnh Hoàn mà còn với ngành thủy sản Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp tại thị trường quốc tế.

Năm 2024, xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đạt 300 triệu USD, chiếm 17%. Việc được Hoa Kỳ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm không phải là điều dễ dàng và càng khẳng định thấy hệ thống quản lý chất lượng của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam rất tốt. Hy vọng, các doanh nghiệp đã được xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng.

- Nguy cơ chiến tranh thương mại gia tăng, ngành nông nghiệp sẽ có giải pháp gì để đảm bảo tăng trưởng trong sản xuất và xuất khẩu, thưa Thứ trưởng?

- Tại cuộc họp Chính phủ, các Bộ, ngành đều nhận định về nguy cơ chiến tranh thương mại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Halal; phối hợp Bộ Công Thương để mở mạnh sang thị trường khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, Trung Quốc vì đây là hai thị trường lớn.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi với sự chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm theo chuỗi. Cùng với đó, nâng cao khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến để đảm bảo chất lượng, củng cố chuỗi sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Một trong những giải pháp quan trọng nhất là tổ chức sản xuất bài bản theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số; chặt chẽ từ khâu nguyên liệu đến khâu chế biến và thúc đẩy thương mại. Thực hiện tái cơ cấu, tốc độ tăng trưởng của ngành duy trì ở mức cao.

Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các tỉnh, thành phố có thể bắt nhịp được trong những thay đổi bất định của thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và các thị trường khác để duy trì đà tăng trưởng.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nong-nghiep-bat-nhip-nhung-thay-doi-bat-dinh-cua-thi-truong-post403793.html