Doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt gần 19 tỷ USD
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghiệp ICT của Việt Nam đã có bước phát triển khá với doanh thu năm 2024 đạt 152 tỷ USD, tăng 11%.
Chiều 6/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt gần 19 tỷ USD
Tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết trong năm 2024, chuyển đổi số quốc gia, nhất là triển khai Đề án 06 tiếp tục đạt nhiều bước tiến lớn, quan trọng. Một trong số đó là kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ.
Theo Bộ TTTT, ngành công nghiệp ICT cả nước đã có bước phát triển khá, doanh thu năm 2024 đạt 152 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm liền trước. Trong đó, doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt 18,7 tỷ USD với 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch và 6.000 kỹ sư thiết kế. Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng mạnh đạt 18 tỷ USD, tăng 39%.
Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Marvell (thiết kế chip), NVIDIA (nghiên cứu phát triển), SK Hynix (sản xuất bộ nhớ).
Thương mại điện tử cũng tiếp tục phát triển mạnh mẽ đạt 28 tỷ USD, tăng 36%. Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 57%.
Công tác mở rộng cơ sở thu, quản lý thuế, hóa đơn điện tử được triển khai quyết liệt, hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm cán cân tài chính quốc gia. Năm 2024, đã xử lý 5,5 tỷ hóa đơn, tăng gần 40%. Thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử đạt 116.000 tỷ đồng, tăng gần 20%.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương kết quả của các bộ, ngành, địa phương đã đạt được, nhưng cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế liên quan thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai Đề án 06.
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng kinh tế số, hạ tầng số vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao. Nhân lực cho chuyển đổi số, Đề án 06 còn chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều.
Đi sớm hơn một bước về Internet vệ tinh
Về các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ, góp phần đạt tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% trong năm 2025.
Riêng với việc phát triển kinh tế số, hạ tầng số và nền tảng số quốc gia, Thủ tướng yêu cầu xây dựng Đề án ứng dụng internet vạn vật trong một số ngành, lĩnh vực, như sản xuất, thương mại, năng lượng, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh…
Xây dựng Đề án chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, 5 triệu hộ kinh doanh. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp. Đẩy mạnh triển khai thu thuế hộ gia đình bằng phương thức điện tử.
Thủ tướng cũng yêu cầu đưa Trung tâm Dữ liệu quốc gia đi vào hoạt động trong năm 2025; đẩy mạnh phát triển hệ thống truyền dẫn dữ liệu qua vệ tinh; cáp quang băng thông rộng tốc độ cao… Đặc biệt, các nhà mạng phải phủ sóng 5G trên toàn quốc và đi sớm hơn một bước về Internet vệ tinh.
Về phát triển nhân lực chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu cần quan tâm cả việc đào tạo chung mang tính phổ cập và cả đào tạo chuyên gia, thu hút nhân tài, cùng với việc đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh. Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, trong đó đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.