Nông nghiệp Bình Phước: Cần một sự thay đổi - Bài 4

NÂNG GIÁ TRỊ NÔNG SẢN TỪ CHẾ BIẾN SÂU

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển nông nghiệp trong nhiệm kỳ tới với 3 nhiệm vụ trọng tâm là tạo vùng nguyên liệu, chế biến và hình thành liên kết chuỗi; trong đó, lấy chế biến làm trung tâm để nâng cao giá trị sản phẩm nhằm thúc đẩy chuỗi liên kết trong phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu sản xuất hữu cơ để phục vụ chế biến sâu trên địa bàn tỉnh đang còn nhiều khó khăn, bất cập cần được quan tâm đầu tư từ nhiều phía.

Từ cây tiêu...

3 ha tiêu của chị Võ Thị Hiền nằm biệt lập trong vùng sâu thôn Đắk Lim, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập. 7 năm qua, vườn tiêu này được chăm sóc theo quy trình hữu cơ với năng suất bình quân 10 tấn/năm. Những năm giá tiêu xuống thấp, từ nguồn nguyên liệu này, chị Hiền đã chế biến thành nhiều loại sản phẩm gia vị để có thêm thu nhập và cũng nhằm thăm dò thị trường, mở hướng đi mới. Sau khi chế biến, giá bán tiêu bình quân ở mức 120 ngàn đồng/kg, cao gấp đôi so với giá tiêu nguyên liệu ngoài thị trường. Từ khâu chế biến, chị còn tạo việc làm cho 8 công lao động thường xuyên trong thôn, với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, các sản phẩm tiêu chế biến của chị Hiền còn được doanh nghiệp biết đến như một sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Bình Phước hiện có gần 16.000 ha tiêu, thế nhưng tổng diện tích được chăm sóc theo quy trình hữu cơ và được cấp chứng nhận hữu cơ còn rất thấp. Toàn tỉnh có 65 câu lạc bộ với tổng diện tích gần 2.000 ha được các nông hộ liên kết phát triển theo mô hình sản xuất tiêu bền vững, theo tiêu chuẩn R.A (Rainforest Alliance) hoặc Organic. Các mô hình này cho sản lượng dao động từ 3.500-4.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, diện tích được cấp chứng nhận tiêu hữu cơ chỉ bằng 30-40% trong số đó.

Công nhân tham gia chế biến sâu hạt điều tại Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Vinahe

Công nhân tham gia chế biến sâu hạt điều tại Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Vinahe

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thị Ánh Tuyết chỉ rõ: Hiện nay, diện tích tiêu hữu cơ, số hộ được cấp chứng nhận hữu cơ còn thấp và người dân thấy sản xuất theo hữu cơ đảm bảo được sức khỏe nông dân, người tiêu dùng và giá trị sản phẩm tiêu cũng tăng lên. Rất nhiều hợp tác xã (HTX) phấn khởi với việc ủ phân để bón cho cây, sử dụng chế phẩm sinh học thay thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Họ thấy năng suất tăng đồng thời giá thành giảm, giá bán cao nên rất phấn khởi; công ty thu mua còn có thưởng cho người dân khi họ canh tác theo hướng sạch, an toàn.

Việc sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ đã và đang mang lại hiệu quả từ giá trị kinh tế đến môi trường sống. Thế nhưng các mô hình chăm sóc tiêu hữu cơ trên địa bàn tỉnh hiện nay còn khá khiêm tốn so với nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Chỉ tính riêng Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam mỗi năm cần đến 10.000 tấn tiêu sạch, tiêu hữu cơ nhưng trên thực tế sản xuất của các câu lạc bộ chỉ đáp ứng được 4.000 tấn, số còn lại phải thu mua từ các nông hộ bên ngoài. Một trong những nguyên nhân khiến người dân chưa mặn mà với quy trình sản xuất hữu cơ là công chăm sóc nhiều, tập quán canh tác theo lối truyền thống hoặc chạy đua theo năng suất bỏ qua chất lượng sản phẩm. Đặc biệt hơn là giá bán sản phẩm hữu cơ chưa có nhiều khác biệt so với sản phẩm được chăm sóc theo quy trình vô cơ.

...đến hạt điều

Hơn 3 năm qua, anh Nguyễn Hoàng Đạt đã đầu tư hơn 16 tỷ đồng để thành lập Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Vinahe (TX. Phước Long) với chức năng chế biến sâu các sản phẩm từ hạt điều Bình Phước. 100% nguyên liệu sản xuất của công ty được thu mua từ những nhà trồng điều trên đất Bình Phước. Chất lượng thơm ngon cộng với chiến lược quảng bá thương hiệu nên các sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều của công ty được thị trường trong và ngoài nước biết đến. Nhờ thế doanh nghiệp trụ vững trước những tác động bất lợi từ dịch Covid-19. Năm 2020, doanh thu của công ty đạt 1,5 tỷ đồng nhờ 20.000 gói thành phẩm được chế biến từ 3 tấn hạt điều nguyên liệu. Mục tiêu chế biến sâu của doanh nghiệp hướng đến là làm gia tăng giá trị hạt điều để góp phần tăng giá trị lợi nhuận cho người trồng điều.

Canh tác tiêu hữu cơ vừa góp phần giảm chi phí vừa bảo vệ môi trường đất, nước, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Điều quan trọng hơn là tiêu phát triển bền vững nhờ hệ sinh thái của đất được bồi dưỡng hằng năm. Giá cả bây giờ rất bấp bênh nhưng 70, 80 ngàn đồng/kg, người trồng tiêu sống được, nông nghiệp bền vững mới là điều quan trọng nhất.

Thạc sĩ Phan Văn Hà,
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập

Bình Phước được mệnh danh là thủ phủ điều cả nước. Tỉnh cũng đang dẫn đầu về công nghệ lẫn số lượng với cả ngàn doanh nghiệp chế biến điều. Tuy nhiên, trong tổng diện tích hơn 175.000 ha điều, hiện chỉ có 3.200 ha được cấp chứng nhận chăm sóc theo hướng hữu cơ. Đi cùng với vùng nguyên liệu hạn chế, công tác quảng bá sản phẩm chưa được đầu tư khiến thị trường thế giới không thể phân biệt hạt điều của Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng với hạt điều các nước trên thế giới. Do vậy, giá bán sản phẩm hạt điều Việt Nam cũng giống như hạt điều các nước khác. Từ thực tế này, các doanh nghiệp chế biến chọn việc nhập nguyên liệu điều từ các nước khác về chế biến nhờ giá cả cạnh tranh hơn hạt điều trong nước nhằm tăng lợi nhuận. Vì vậy, để nâng cao giá trị cho hạt điều Bình Phước cũng như hạt điều Việt Nam trên thương trường thế giới không còn giải pháp nào tốt hơn là đẩy mạnh chế biến sâu gắn liền với việc quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thị Ánh Tuyết nhấn mạnh: Vai trò chế biến rất quan trọng, đặc biệt chế biến điều. Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy cũng đã xác định lấy chế biến làm trung tâm. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, họ đang tận dụng khá tốt chỉ dẫn này và các doanh nghiệp cũng đang hướng đến sử dụng điều hữu cơ để phục vụ chế biến sâu. Một số doanh nghiệp đã kết hợp với các HTX điều hữu cơ trong tỉnh để hỗ trợ theo quy trình sản xuất hữu cơ và được chứng nhận hữu cơ. Hiện nay có khoảng 3.200 ha điều được chứng nhận hữu cơ. Con số này sẽ được tăng lên và các doanh nghiệp khi đã có chứng nhận hữu cơ thì họ sẽ hỗ trợ lại vùng nguyên liệu cho nông dân, đặc biệt là quy trình sản xuất, giá cũng được nâng lên so với thị trường...

Khi các công ty sản xuất chào bán điều Việt Nam với điều nước ngoài thì được đánh giá theo tiêu chuẩn AFI, giá hạt điều Việt Nam bằng hạt điều nước ngoài. Mặc dù họ vẫn khẳng định điều Việt Nam là ngon nhất nhưng ra thị trường thế giới, họ không biết đâu là hạt điều Việt Nam, đâu là hạt điều nước ngoài. Trong khi đó, chi phí sản xuất hạt điều Việt Nam lại cao hơn. Đứng trên cương vị của nhà sản xuất thì họ cứ nhập điều từ nước ngoài vào sản xuất để tăng lợi nhuận.

Ông Nguyễn Hoàng Đạt,
Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Vinahe

Nông nghiệp hữu cơ, đầu tư sản xuất và chế biến hiện nay rất được doanh nghiệp cũng như các bộ, ngành quan tâm. Tháng 6-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Ngay trong chương trình đột phá của Tỉnh ủy về lĩnh vực nông nghiệp cũng lấy chế biến sâu làm trung tâm để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản. Mặt khác, sản xuất hữu cơ còn tạo ra sản phẩm sạch vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa góp phần bảo vệ môi trường mà trước mắt là bảo vệ sức khỏe của chính người trực tiếp làm ra sản phẩm. Trở ngại hiện nay là vùng nguyên liệu sản xuất hữu cơ trên địa bàn còn quá ít.

Trước tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp chế biến sâu gặp không ít khó khăn về vốn đầu tư và quảng bá sản phẩm sau chế biến, Bình Phước cần có những chính sách cụ thể và thông thoáng hơn trong công tác lập quy hoạch cho vùng nguyên liệu cũng như đáp ứng nhu cầu vốn vay của doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Đông Kiểm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/126290/nong-nghiep-binh-phuoc-can-mot-su-thay-doi-bai-4