Nông nghiệp Đam Rông bứt phá nhờ công nghệ cao

Sau 3 năm ban hành Nghị quyết 12-NQ/HU về sản xuất nông nghiệp toàn diện, bền vững, từng bước ứng dụng công nghệ cao (CNC), nông nghiệp của Đam Rông đã có những bước tiến rõ nét. Nhiều mô hình như: chuối Laba ứng dụng công nghệ, nhà lưới, nhà kính sản xuất rau màu... cho thu nhập cao xuất hiện ngày càng nhiều, giúp nâng cao đời sống của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

HTX chuối Laba Đạ K’Nàng gắn chip điện tử trên từng gốc chuối của mình

HTX chuối Laba Đạ K’Nàng gắn chip điện tử trên từng gốc chuối của mình

DIỆN MẠO MỚI

Với đặc điểm cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp, vì vậy trong suốt thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Đam Rông luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, tăng cường công tác khuyến nông, tạo điều kiện thuận lợi cho nông hộ, hộ nghèo và cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... được vay vốn phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/HU, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo và lồng ghép các nguồn lực để thúc đẩy mục tiêu đề ra.

Tổng nguồn vốn lồng ghép đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên toàn huyện đạt trên 1.231 tỷ đồng, trong đó: hỗ trợ sản xuất, phát triển sinh kế trên 41 tỷ đồng; đầu tư hạ tầng nông nghiệp gần 471 tỷ đồng; vốn tín dụng phục vụ sản xuất trên 728 tỷ đồng. Đến nay, tổng diện tích canh tác toàn huyện đạt trên 20.338 ha, tăng 1.124,9 ha, tương đương tăng 5,9% so với năm 2018.

Chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) vào nông nghiệp, nông thôn luôn được huyện quan tâm chỉ đạo. Thời gian qua có 8 doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn và có 6/8 xã có doanh nghiệp, HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông hộ, thúc đẩy xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Ngoài ra, công tác chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản; chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) cũng được triển khai đồng bộ. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 10 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và các tổ chức, nông hộ với tổng số hộ tham gia 250 hộ; huyện có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Nhờ hướng đi đúng, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2021 ước đạt 1.359,3 triệu đồng, tăng 1,3 lần so với năm 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt 10%/năm; giá trị sản phẩm canh tác trên một đơn vị diện tích đạt 86,3 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 43 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến cuối năm 2020 còn 7,46%, trong đó có 1.027 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.

DIỆN TÍCH ỨNG DỤNG CNC KHÔNG NGỪNG TĂNG LÊN

Trong những năm qua, đặc biệt là bắt đầu từ năm 2019, huyện Đam Rông đã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất phù hợp với điều kiện, trình độ canh tác của nông hộ, nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của từng tiểu vùng (tiểu vùng: Phi Liêng và Đạ K’Nàng; Liêng Srônh, Rô Men và Đạ Rsal; Đạ M’rông, Đạ Tông và Đạ Long).

Trên mỗi cây chuối của HTX chuối Laba Đạ K’Nàng đều được gắn chip điện tử để theo dõi quá trình sinh trưởng cũng như bón phân, thuốc của cây. “Khi vườn chuối được kết nối trên mạng thì người nông dân có thể bán cho người mua cả một quy trình chăm sóc từ lúc trồng đến lúc sản phẩm được đưa ra thị trường. Nhờ chế độ chăm sóc theo quy trình tiêu chuẩn phù hợp mà năng suất chuối bình quân của HTX đạt 80 - 100 tấn/ha/năm, được thị trường Nhật Bản, Mỹ và Malaysia đón nhận”, ông Nguyễn Huy Phương, Giám đốc HTX cho biết.

Từ tập quán canh tác lạc hậu năng suất thấp, đến nay diện tích ứng dụng CNC của huyện không ngừng tăng lên qua từng năm, nếu như năm 2015 trên địa bàn không có diện tích nhà lưới, nhà kính thì đến nay đã phát triển được 16 ha nhà kính và 10 ha nhà lưới, nâng tổng diện tích ứng dụng CNC trên địa bàn toàn huyện 98,5 ha; giá trị sản xuất nông nghiệp CNC bình quân 300 triệu đồng/ha, đặc biệt có trên 15 ha có giá trị sản xuất đạt trên 500 triệu đồng/ha. Ngoài ra, còn có 600 ha diện tích cây trồng đang thực hiện áp dụng các tiêu chí về sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, gồm có: cây ăn quả 480 ha, cà phê 25 ha, rau màu 95 ha. Hiện tại, trên địa bàn huyện đã xây dựng 4 mô hình sản xuất nông nghiệp tiếp cận tiêu chí nông nghiệp thông minh…

Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông cho biết, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết với tinh thần chủ động, nỗ lực, quyết tâm chính trị cao, đến nay, ngành nông nghiệp Đam Rông đã đạt được kết quả tích cực: năng suất các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện tăng, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Trong những năm tới, huyện sẽ phải tập trung mọi nguồn lực đầu tư vào phát triển sản xuất, đặc biệt sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập trên đơn vị canh tác, cũng như khuyến khích phát triển kinh tế mô hình hợp tác xã, từng bước hình thành liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp với chế biến, tiêu thụ và quảng bá phát triển thương hiệu nông sản Đam Rông.

HOÀNG YÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202109/nong-nghiep-dam-rong-but-pha-nho-cong-nghe-cao-3081236/