Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long: Thực hiện chuyển đổi số để tăng trưởng xanh, bền vững

Từ việc canh tác nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên, theo kiểu 'trông trời, trông đất, trông mây', giờ đây, người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã 'trông' vào các thiết bị số. Bởi ở đó, nông dân có thể giám sát cây trồng, vật nuôi một cách liên tục, phân tích diện rộng tình hình thời tiết, độ ẩm, sâu bệnh... để thực hiện canh tác an toàn. Đây là nền tảng để ĐBSCL xây dựng ngành nông nghiệp sạch, hiện đại, giúp nông dân phát triển kinh tế và ngày càng có trách nhiệm hơn với thiên nhiên.

Làm nông nghiệp bằng công nghệ

Tờ mờ sáng, lão nông Võ Văn Trưng cùng các thành viên trong hợp tác xã (HTX) Dưa lưới Thuận Phát, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã pha bình trà, vui vẻ ngồi bàn chuyện sản xuất dưa lưới. Với chiếc điện thoại thông minh, ông Võ Văn Trưng-Giám đốc HTX chỉ cần truy cập vài thao tác vào hệ thống quan trắc là hiện ra các chỉ số về môi trường nước, độ ẩm của đất, độ mặn, độ pH, không khí, khí tượng thủy văn... trong ngày tại khu vực xã Bình Thành với đầy đủ thông tin.

Theo các thành viên, toàn HTX Dưa lưới Thuận Phát có gần 20 hộ sản xuất khoảng 4ha. Trước đây, mỗi khi muốn bón phân hay phun thuốc thì phải nhìn trời, nhìn đất rồi dự đoán có mưa hay không, còn độ ẩm, độ pH rất khó biết. Nay với hệ thống quan trắc thông minh, căn cứ vào các chỉ số đo, nông dân có thể áp dụng vào sản xuất một cách chủ động. “Việc canh tác của bà con nhẹ hơn trước rất nhiều. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, mọi quy trình từ chăm sóc đến sinh trưởng, phát triển đều được quản lý chặt chẽ dù đang ở bất cứ đâu. Dưa lưới của HTX cũng thực hiện truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng, bảo đảm được những yêu cầu khắt khe của thị trường, từ đó lo được đầu ra cho 250-280 tấn/năm”, ông Võ Văn Trưng cho biết.

 Nông dân TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp.

Nông dân TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp.

Với sự chủ động học hỏi cái mới, ứng dụng tiến bộ công nghệ linh hoạt, phù hợp với loại hình sản xuất, mấy vụ lúa gần đây, các thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã sử dụng điện thoại theo dõi tình hình sâu hại trên đồng lúa để vừa bảo tồn các loài có ích, vừa tiêu diệt sâu rầy hiệu quả. Trong quản lý nước, HTX áp dụng điều tiết nước theo nhu cầu cây lúa, áp dụng tốt quy trình ngập-khô xen kẽ bằng công nghệ 4.0 thông qua hệ thống cảm biến mực nước hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời và thiết bị bơm tưới nước tự động, qua đó giúp giảm được chi phí bơm tưới.

Ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 bộc bạch: “Thành viên HTX nắm bắt khá tốt những tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng các khâu quan trọng góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giúp giảm chi phí sản xuất 150-250 nghìn đồng/kg lúa, nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân 5-8 triệu đồng/ha so với canh tác bình thường, ngoài ra, tạo được vùng nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam”.

Không dừng lại ở các HTX hay các đơn vị sản xuất quy mô lớn, với từng hộ gia đình gắn bó với cây lúa, mảnh vườn, làn sóng chuyển đổi số cũng đang làm thay đổi tư duy và cách làm nông nghiệp của họ. Từ những ngày đầu lạ lẫm với xây dựng mã số vùng trồng, nay bà con đã thành thạo ghi chép nhật ký sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc hữu cơ, chế phẩm sinh học... Trên những cánh đồng, mảnh vườn, máy bay không người lái phun thuốc thay cho sức người, vừa giảm chi phí nhân công, vừa an toàn.

Đồng bộ giải pháp hỗ trợ, khích lệ chuyển đổi số

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số với kỳ vọng mang lại lợi ích cơ bản như: Tăng năng suất và chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí; tạo sản phẩm mới, dịch vụ mới, tăng hiệu quả hoạt động của chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp... Bắt nhịp với xu hướng công nghệ số, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chuyển đổi số không còn là hiện tượng mà trở thành phong trào rộng khắp ở các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

 Trình diễn cơ giới hóa trong khâu gieo sạ ở Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Trình diễn cơ giới hóa trong khâu gieo sạ ở Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Cần Thơ, từ năm 2022 đến nay, bên cạnh hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên những sàn thương mại điện tử lớn, thành phố còn hỗ trợ phần mềm truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đặc trưng cho người dân, doanh nghiệp, lồng ghép chuyển đổi số trong công tác khuyến nông để khuyến khích nông dân tham gia chuyển đổi số. Hiện nay, toàn TP Cần Thơ có hơn 25.000 hộ sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi số và đăng ký tham gia tiêu thụ nông sản trên môi trường số, với gần 500 sản phẩm. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cho biết: “Thành phố cũng đang xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo vùng tại Cần Thơ để thu hút các doanh nghiệp công nghệ số, kết nối các nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tập huấn, hội thảo, tọa đàm về chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung và từng lĩnh vực sản xuất để có sự hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể cho nông dân. Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận và khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết bị, công nghệ mới như sử dụng máy bay không người lái, ứng dụng hệ thống phun tưới nước tự động cho cây trồng”.

 Nông dân xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc (An Giang) sử dụng máy bay phun thuốc trên đồng ruộng.

Nông dân xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc (An Giang) sử dụng máy bay phun thuốc trên đồng ruộng.

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng Đề án riêng về lĩnh vực này. Mục tiêu là đến năm 2025 đạt 100% cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp của tỉnh được số hóa, cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế-xã hội, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành nông nghiệp đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã... Toàn tỉnh Đồng Tháp cũng đã lắp đặt 6 trạm quan trắc nước thông minh; 15 trạm giám sát côn trùng thông minh phục vụ công tác triển khai các mô hình ứng dụng Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc tự động thu thập dữ liệu canh tác phục vụ cảnh báo, dự báo, truy xuất nguồn gốc; ứng dụng số hóa thông qua nền tảng VDAPES để số hóa dữ liệu quản lý, tự động hóa hệ thống dữ liệu thống kê ở tất cả lĩnh vực của ngành đang quản lý gồm: Trồng trọt-bảo vệ thực vật, chăn nuôi-thú y-thủy sản, phát triển nông thôn, thủy lợi, lâm nghiệp, nông thôn mới, OCOP, truy xuất nguồn gốc..., góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành. Nhiều HTX đã sử dụng hệ thống cảm biến để quản lý tưới ngập khô xen kẽ, ứng dụng thiết bị giám sát sâu rầy thông minh, công nghệ GIS để quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự tính, dự báo dịch hại, nhằm chủ động phòng, chống hiệu quả.

Ngoài ra, Đồng Tháp cũng xây dựng mô hình Làng thông minh, mục tiêu kết nối cộng đồng cùng nhau chuyển đổi số. Là địa phương thành công với mô hình Làng thông minh, bà Phan Thị Thu Hai, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Tây (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) thông tin: “Thực hiện Làng thông minh, hiện bà con đều áp dụng công nghệ số vào canh tác. Xã cũng gắn các hệ thống quan trắc môi trường, tưới nước tự động, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là nâng cao hiệu quả sản xuất với hơn 500ha xoài. Trên địa bàn còn có hệ thống camera giám sát an ninh, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh đang phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại”.

Việc chuyển từ “nông nghiệp truyền thống” sang “nông nghiệp hiện đại” đang từng bước đưa ngành nông nghiệp ĐBSCL tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo. Từ đó bảo đảm hài hòa các lợi thế tự nhiên, tạo dấu ấn riêng, tăng sức cạnh tranh và phát huy sức mạnh của ngành nông nghiệp ở các địa phương trong vùng.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nong-nghiep-dong-bang-song-cuu-long-thuc-hien-chuyen-doi-so-de-tang-truong-xanh-ben-vung-782834