Nông nghiệp góp phần làm nên chiến thắng lịch sử

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025), phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến về những đóng góp của ngành nông nghiệp trong cung cấp lương thực, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Phóng viên (PV): Thưa ông, trong Chiến thắng 30-4-1975 có sự đóng góp không nhỏ của ngành nông nghiệp. Ông có thể chia sẻ đôi điều về những đóng góp này?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Sau khi Hiệp định Geneva (năm 1954) được ký kết, đất nước ta bị chia cắt thành hai miền. Miền Nam khi đó phải đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai; miền Bắc tiến hành xây dựng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn bộn bề. Người nông dân khi đó không chỉ tham gia sản xuất mà còn trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến trường như: Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... Họ đã biến “ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương” để đưa năng suất và sản lượng trong sản xuất nông nghiệp tăng cao.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Ảnh: DIỆP ANH

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Ảnh: DIỆP ANH

Năm 1965, mới chỉ có 7 huyện đạt năng suất 5 tấn lúa/ha/năm, thì năm 1974, con số này đã là 107 huyện... Chăn nuôi cũng phát triển, một số giống lợn nhập về như Yorkshire, Landrace năm 1960, sau đó cũng được nhân nuôi rộng rãi tại nhiều hợp tác xã (HTX), đưa sản lượng thịt lợn tăng 25%... Vài con số như vậy để thấy vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân trong Chiến thắng 30-4-1975. Nông nghiệp không chỉ góp phần vào thắng lợi quân sự mà còn là nền tảng để khôi phục, xây dựng, phát triển đất nước sau này.

PV: Các phong trào “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”... đã tạo khí thế thi đua trong lao động sản xuất ở miền Bắc. Ông đánh giá đôi nét về ý nghĩa của những phong trào này?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trong hành trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, mỗi giai đoạn đều có những phong trào thi đua đặc trưng, mang tính thời đại, khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc. Một trong những phong trào tiêu biểu có ảnh hưởng sâu rộng đến ngành nông nghiệp và đời sống nông thôn khi ấy chính là “Gió Đại Phong”-ngọn gió mạnh mẽ từ vùng quê xã Phong Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). Giai đoạn 1961-1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công làm Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương, trực tiếp chỉ đạo lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Đảng.

Năm 1961, HTX Đại Phong trở thành lá cờ đầu trong nông nghiệp ở miền Bắc, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, động viên. Bác còn gửi tặng HTX Đại Phong 1 máy kéo. Phong trào “Gió Đại Phong” , “Sóng Duyên Hải”, “Cả nước vì tiền tuyến”, “Hậu phương thi đua với tiền phương”... đã lan tỏa sâu rộng khắp mọi miền quê, nhà máy, công trường, trường học, doanh trại... thể hiện tinh thần đoàn kết, sự hy sinh vì đại nghĩa của dân tộc. Hay như khẩu hiệu “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đã tập hợp các tổ chức xã hội, thành phần kinh tế và mọi người dân cùng tham gia; tạo nên sức mạnh to lớn, tạo ra những kết quả ấn tượng trong nông nghiệp, giúp đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để làm nên Chiến thắng 30-4-1975 lịch sử.

PV: Việt Nam ngày nay đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, “trụ đỡ” của nền kinh tế. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thành công này?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Nguyên nhân thành công của ngành nông nghiệp bắt nguồn từ nhiều yếu tố tổng hòa. Đó là từ những chủ trương, chính sách đúng đắn và kịp thời của Đảng, Nhà nước ta, như vốn, đất đai, khuyến nông, bảo hiểm nông nghiệp, xúc tiến thương mại nông sản... Hay như ứng dụng khoa học-công nghệ cao, đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất. Cùng với đó là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp hợp lý, nhất là chuyển đổi từ tư duy sản lượng sang chất lượng, từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, gắn sản xuất với thị trường, phát triển chuỗi giá trị, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; hợp tác quốc tế và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang các quốc gia như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản; tư duy quản lý mới của chính quyền các cấp cùng sự điều hành linh hoạt đối với lĩnh vực nông nghiệp là những yếu tố dẫn đến thành công của nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

PV: Hiện chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới xây dựng đất nước hùng cường, giàu mạnh, chúng ta có cần một "Gió Đại Phong" mới đối với ngành nông nghiệp hiện nay không, thưa ông?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Bước vào giai đoạn phát triển mới, ngành nông nghiệp nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, như biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp; thị trường xuất khẩu cạnh tranh khốc liệt hơn, đòi hỏi cao hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc; tiêu chuẩn xanh-sạch, đặc biệt là những thách thức nội tại (sản xuất nhỏ lẻ, manh mún) đang là “điểm nghẽn” cản trở năng suất, hiệu quả của ngành nông nghiệp nước ta.

Nông dân Thái Bình thu hoạch lúa. Ảnh: NGHINH XUÂN

Nông dân Thái Bình thu hoạch lúa. Ảnh: NGHINH XUÂN

Trước những khó khăn, thách thức trên, chúng ta cần phát huy tinh thần thi đua yêu nước, kế thừa và phát triển tinh thần “Gió Đại Phong”, cùng với tinh thần đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp hiện đại; chuyển mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, khuyến khích nông dân, HTX, doanh nghiệp lấy thị trường làm trung tâm để nâng cao giá trị, thay vì chỉ tăng sản lượng và tập trung xây dựng các vùng nguyên liệu lớn; gắn chế biến với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, bảo quản và chế biến các sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ người dân tiếp cận với công nghệ thông minh, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số, tăng cường liên kết nông dân-doanh nghiệp-nhà khoa học-Nhà nước theo mô hình chuỗi giá trị; liên kết vùng sản xuất-tiêu thụ; lấy “Gió Đại Phong” làm hình mẫu để cổ vũ, khơi dậy tinh thần của người dân, doanh nghiệp, HTX, nhà quản lý, nhà khoa học... trong sản xuất nông nghiệp. Tất cả cùng phấn đấu vì một nền "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"; tôn vinh kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong nông nghiệp và nhân rộng các cách làm sáng tạo, điển hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, như vậy ngành nông nghiệp nước ta sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nong-nghiep-gop-phan-lam-nen-chien-thang-lich-su-826436