Nông nghiệp khẳng định vai trò trụ đỡ
Năm 2021, dịch Covid-19 khiến nhiều ngành kinh tế lao đao, nhưng nông nghiệp Hải Dương vẫn khẳng định rõ vai trò trụ đỡ.
Nhiều cái nhất
2021 là năm đầy biến động của nông nghiệp Hải Dương từ sản xuất tới tiêu thụ. Dịch bệnh Covid-19 khiến việc vận chuyển, lưu thông bị gián đoạn, gây ra những bất ổn trong thị trường vật tư nông nghiệp cũng như đầu ra sản phẩm. Song với những định đướng, chỉ đạo đúng đắn, ngành nông nghiệp đã vững vàng vượt lên đại dịch bằng kết quả ấn tượng. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị sản xuất của ngành năm 2021 ước đạt 20.717 tỷ đồng, vượt 5,5% kế hoạch năm, tăng 6,9% so với năm 2020, cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ hai trong cả nước (sau tỉnh Sơn La). Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, mức tăng trưởng này thể hiện sự ổn định của lĩnh vực vốn chứa nhiều rủi ro. Các lĩnh vực của ngành dù có những bất lợi nhất định trong từng thời điểm nhưng vẫn duy trì được tốc độ phát triển cao, thậm chí tạo đột phá.
Trồng trọt để lại dấu ấn rõ nét trong năm vừa qua khi xác lập được nhiều cái nhất. Giá trị sản xuất cây vụ đông theo giá cố định đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 9,5%, cao nhất toàn quốc. Năng suất lúa của tỉnh cũng cao nhất từ trước đến nay, đạt 62,83 tạ/ha. Dự đoán được những bất lợi đối với quả vải khi dịch bệnh khó lường, ngay từ đầu vụ Hải Dương đã có phương án tổ chức tốt sản xuất và tạo thuận lợi trong tiêu thụ. Vì vậy, dù sản lượng lớn nhất từ trước đến nay, khoảng 55.000 tấn, lại chịu tác động của bệnh dịch song đầu ra của loại quả đặc sản này lại rộng mở hơn trước rất nhiều. Với giá bán đầu vụ từ 50.000-100.000 đồng/kg, vải thiều chính vụ xuất khẩu từ 20.000-28.000 đồng/kg, giá trị thu được từ quả vải đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 160 tỷ đồng so với năm 2020.
Lĩnh vực chăn nuôi đã phục hồi sau “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi cũng có bước phát triển phù hợp để hạn chế thiệt hại trước những biến động của thị trường, dịch bệnh. Hết năm 2021, tổng đàn lợn của tỉnh ước đạt gần 370.000 con, tăng 32,15%; sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt hơn 124.000 tấn, tăng 19,9% so với năm 2020. Đàn gia cầm tiếp tục được duy trì ổn định với hơn 15 triệu con. Đàn trâu bò chỉ biến động nhẹ theo nhu cầu của thị trường.
Mang tính đặc thù cao nên thủy sản chịu tác động lớn nhất của dịch Covid-19 do việc vận chuyển tiêu thụ bất cập. Tuy nhiên, vướng mắc này cũng dần được tháo gỡ và bù đắp được thời gian đứt chuỗi cung-cầu vì dịch. Do đó, thủy sản vẫn giữ mức tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực khi tăng tỷ trọng các loại cá chất lượng cao, đẩy mạnh thâm canh, bán thâm canh. Diện tích nuôi thủy sản ước đạt 12.200 ha, sản lượng ước đạt 95.000 tấn, ước tăng 5,56% so với kế hoạch. Toàn tỉnh có 7.040 lồng nuôi cá trên sông với tổng thể tích 860.000m3 ở 9 huyện, thành phố, thị xã.
Dấu ấn chuyển đổi số
Dịch Covid-19 làm xáo trộn mọi hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhưng cũng là chất xúc tác để các chủ thể tham gia chuỗi cung-cầu tiếp cận với chuyển đổi số. Từ đó, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng ấn tượng bất chấp dịch bệnh.
Dịch bệnh khiến việc tiêu thụ truyền thống trực tiếp gặp khó nhưng lại là cơ hội để bán hàng trực tuyến trở nên sôi động. Từ việc quả vải tạo sức hút trên các sàn thương mại điện tử uy tín trong và ngoài nước đến hàng nghìn sản phẩm nông nghiệp, nông thôn được giới thiệu, chào bán ở các gian hàng ảo đã mở ra hướng phát triển mới của nông sản. Thông qua kênh tiêu thụ này, nông sản của tỉnh không chỉ được nâng cao giá trị mà hình ảnh, thương hiệu cũng được củng cố. Dù số lượng tiêu thụ không lớn nhưng giá bán trên các sàn điện tử cao gấp từ 5-10 lần giá ngoài thị trường. Tuy vậy, để tạo được niềm tin với khách hàng mạng, cần có sự bảo đảm bằng truy xuất nguồn gốc. Chuyển đổi số hỗ trợ đắc lực trong sản xuất, phân phối, tiêu thụ nông sản song cũng đòi hỏi người dân đổi mới cách nghĩ, cách làm. Và người dân cũng đang dần thay đổi để thích ứng. Nhật ký sản xuất điện tử, mã QR phục vụ truy xuất nguồn gốc… đã không còn xa lạ với nhiều nông dân. Để thực hiện điều này, người dân phải có nền tảng về sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi.
Năm 2021, bên cạnh duy trì gần 1.300 ha rau màu, cây ăn quả đã được chứng nhận VietGAP, tỉnh còn xây dựng 500 ha vải, nhãn và lần đầu tiên quy vùng rau màu xuất khẩu. Trong chăn nuôi, người dân đầu tư nhiều cho công nghệ cao và sản xuất theo VietGAP. Điều này cho thấy tỉnh không chỉ muốn giữ vững danh hiệu vựa nông sản của miền Bắc mà còn đặt mục tiêu là vùng nguyên liệu nông sản xuất khẩu dồi dào để giữ chân các doanh nghiệp. Trước mắt là tìm nguồn cầu ổn định, còn về lâu dài là thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Có như vậy, ngành nông nghiệp mới phát triển và mang lại giá trị bền vững. Nhờ chú trọng tới sản xuất sạch, tích cực thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp nên ngoài gỡ được nút thắt trong tiêu thụ, nông sản của tỉnh còn tạo được tiếng vang xuất khẩu. Đây cũng là năm mà vải, nhãn và các loại rau màu như cà rốt, cải bắp, su lơ… được xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Australia… với số lượng lớn chưa từng có.
Điểm sáng phát triển nông nghiệp trong năm 2021 là điểm tựa vững chắc để Hải Dương có những bứt phá theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số vào thời gian tới, vượt qua những tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra.