Nông nghiệp Thái Nguyên ghi nhận nhiều điểm sáng trong bức tranh 6 tháng
Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, một số chỉ tiêu thực hiện vượt so với cùng kỳ năm trước, góp phần ổn định kinh tế và đời sống nông thôn tỉnh nhà.
Đẩy mạnh sản xuất, xúc tiến tiêu thụ
Trong 6 tháng đầu năm 2023, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên tương đối thuận lợi và duy trì được đà tăng trưởng. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh ước đạt 56,5 nghìn ha, trong đó: Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt ước đạt 39.673 ha, chiếm 70,2% với sản lượng lương thực có hạt ước đạt 216.980 tấn (lúa 164.440 tấn, ngô 52.540 ha), bằng 49,8% kế hoạch năm; diện tích gieo trồng cây rau các loại ước đạt 11.627 ha, chiếm 20,6%, sản lượng ước đạt 222.796 tấn, bằng 80,5% kế hoạch năm.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã chuyển đổi khoảng 700 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, bằng 64,2% kế hoạch. Để có những kết quả trên, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã phối hợp với các địa phương xây dựng khung thời vụ khoa học và chuẩn bị chu đáo điều kiện triển khai thực hiện các vụ sản xuất trong năm.
Năm 2023, Thái Nguyên dự kiến trồng mới, trồng lại 415 ha chè. Đến nay, đã trồng được 86 ha, còn lại thực hiện trồng mới và trồng lại chè chủ yếu vào vụ thu. Sản lượng chè búp tươi 6 tháng đầu năm ước đạt 132.200 tấn, bằng 50,5% kế hoạch năm. Đối với công tác phát triển rừng, trong 6 tháng đầu năm, diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh ước đạt 2.700 ha, bằng 78,6% kế hoạch năm.
Trong chăn nuôi, các địa phương đã chủ động hướng dẫn thực hiện công tác tái đàn theo chỉ đạo của ngành chức năng; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi an toàn sinh học. Đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 728 trang trại chăn nuôi, trong đó 116 trang trại, cơ sở chăn nuôi được Chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và 42 cơ sở được chứng nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh còn hiệu lực; hình thành và duy trì 22 chuỗi liên kết sản xuất trong chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 112,89 nghìn tấn, bằng 51,3% kế hoạch năm.
Theo báo cáo của tỉnh Thái Nguyên, hoạt động nuôi trồng thủy sản đã có nhiều chuyển biến, nhiều diện tích đã được chuyển sang nuôi thâm canh và bán thâm canh với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Tổng diện tích mặt nước đưa vào sử dụng nuôi trồng thủy sản tính đến hết tháng 6/2023 ước đạt 6.070 ha; sản lượng sản phẩm thủy sản ước đạt 8.054 tấn, bằng 44,7% kế hoạch.
Điểm sáng đáng chú ý trong phát triển nông nghiệp Thái Nguyên là việc tăng cường công tác kết nối, xúc tiến thương mại. Đến nay, đã có gần 190 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản để đưa sản phẩm lên giao dịch trên sàn thương mại điện tử với 1.852 sản phẩm, tổng số giao dịch trên 2 sàn Postmart.vn và Voso.vn là 14.594. Cung cấp danh sách các cơ sở có sản phẩm đạt Chứng nhận OCOP của tỉnh, cơ sở được cấp xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại các hệ thống siêu thị, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên cả nước.
Khởi sắc trong sản xuất nông, lâm, ngư và dịch vụ nông ngư nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi diện mạo các vùng quê. Dẫn chứng thuyết phục nhất là kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 03 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 1 huyện (huyện Phú Bình) đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thông qua huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022; 108/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 85,7% tổng số xã; 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 88 xóm nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân đạt 18,2 tiêu chí/xã, không có xã dưới 10 tiêu chí.
Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững
Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong những tháng cuối năm, sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy và chính quyền các cấp triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện tốt các đề án, dự án phát triển ngành đã được phê duyệt, như Kế hoạch số 151/kế hoạch-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030...
Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Duy trì công tác điều tra dự tính, dự báo, tăng cường điều tra bổ sung theo dõi sát diễn biến các đối tượng sâu bệnh hại trên cây trồng và chủ động đề xuất các biện pháp phòng trừ có hiệu quả. Chỉ đạo, hướng dẫn trồng rừng theo quy trình kỹ thuật và khung thời vụ, đảm bảo chất lượng, số lượng cung ứng cây giống, kiểm tra chặt chẽ đối tượng đưa vào thiết kế trồng rừng đảm bảo đúng quy định, phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2023. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý đê điều; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản; quản lý chặt chẽ và hiệu quả chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi và hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón… Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Phối hợp hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.