Nông nghiệp xanh ở Tân Uyên

Tân Uyên với tiềm năng sẵn có, lợi thế dồi dào, đặc biệt là đất đai, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nên nông nghiệp xanh đang là hướng đi đặt nhiều kỳ vọng của huyện trong tương lai. Đây cũng là định hướng đúng đắn giúp huyện thực hiện chỉ tiêu trồng cây ăn quả và phát triển nhà màng, nhà lưới để tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Có rất nhiều “điểm cộng” tạo cú huých cho phát triển nông nghiệp Tân Uyên, đặc biệt là nông nghiệp xanh. Đó là điều kiện tự nhiên với diện tích tự nhiên lớn, đất nông nghiệp rộng, có các cánh đồng lớn tập trung ở các xã: Mường Khoa, Phúc Khoa, Pắc Ta và thị trấn Tân Uyên. Nơi đây còn có tuyến quốc lộ 32 chạy dọc các xã, sắp tới đây, tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành, giao thông trở thành điểm mạnh nhất trong phát triển kinh tế, giao thương của huyện. Các yếu tố đất đai, nước, khí hậu là tiềm năng lớn để phát triển các loại cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, cây ăn quả, nhà màng, nhà lưới, cây lâm nghiệp và chăn nuôi, cũng là điều kiện thuận lợi mà Tân Uyên đang sở hữu. Ngoài ra, huyện còn có nguồn lao động dồi dào, nhân dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; giao thông thủy lợi được đầu tư đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho cây trồng. Những lợi thế đó là những trợ lực hấp dẫn cho Tân Uyên phát triển nông nghiệp xanh.
Nhiều chính sách được cấp ủy, chính quyền huyện linh hoạt triển khai thực hiện và cụ thể hóa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các nghị quyết, đề án, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo hướng cơ cấu lại lĩnh vực, sản phẩm, cây trồng có giá trị kinh tế cao thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được huyện áp dụng triệt để. Các xã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi một phần diện tích ruộng một vụ, đất bãi, đất đồi kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu có giá trị kinh tế cao.
Chúng tôi vừa có cuộc khảo sát về tình hình thực hiện trồng cây ăn quả tại một vài đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn huyện và thấy nhiều tín hiệu đáng mừng trong phát triển cây ăn quả, nhà màng, nhà lưới. Công ty TNHH MTV Hưng Phát (thị trấn Tân Uyên) vừa đón một vụ dưa vàng thành công như nhiều mùa vàng khác. Đây là loại cây ăn quả chất lượng cao được công ty trồng trong nhà màng sau nhiều lần thử sức với các loại rau màu. Ban đầu chỉ với 1.000m2 nhà màng, sau khi thử nghiệm thành công với giống dưa vàng, nguồn tiêu thụ ổn định, chất lượng, hiệu quả, đến nay, công ty đang hoàn thiện hệ thống nước, dây treo quả để trồng thêm 2.000m2 dưa theo như cam kết với huyện, nâng tổng diện tích nhà màng lên 3.000m2. Công ty trồng nhiều loại cây ăn quả có nguồn gốc ngoại nhập và phù hợp với điều kiện thời tiết Tân Uyên.

Vườn măng tây của Công ty TNHH Trọng Nghĩa.

Vườn măng tây của Công ty TNHH Trọng Nghĩa.

Ngoài Công ty TNHH MTV Hưng Phát, lâu nay nhiều người biết đến Công ty TNHH Trọng Nghĩa (thị trấn Tân Uyên) là đơn vị đi đầu trong sản xuất nông nghiệp xanh, sạch trong nhà màng trên địa bàn huyện. Những sản phẩm: cà chua, dưa baby, cần tây, các loại rau cải sạch là sản phẩm được trồng trong nhà màng của công ty được xuất đi nhiều nơi, về tận các siêu thị ở miền xuôi. Công ty còn sở hữu 15ha chuối tiêu Nam Mỹ đang đến mùa thu hoạch phục vụ tết. Những đơn vị doanh nghiệp trên đang có sự hợp tác với nhau tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm quy mô lớn để đảm bảo đầu vào ổn định cho các siêu thị lớn. Anh Lê Văn Phượng - Giám đốc Công ty thông tin: Công ty sẽ tiếp tục đồng hành cùng huyện trong phát triển nông nghiệp xanh bằng việc mở rộng diện tích nhà màng, trồng các loại quả có giá trị kinh tế cao, có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời cùng tham gia giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Như những dòng sông góp nước cho biển lớn, các công ty sản xuất nông nghiệp sạch đã có đóng góp không nhỏ cùng với huyện Tân Uyên hoàn thành trồng mới 80,66ha cây ăn quả từ đầu năm đến nay, nâng tổng diện tích cây ăn quả của huyện lên 936ha, sản lượng đạt 13.000 tấn trong 9 tháng năm 2024. Về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đến nay tổng diện tích nhà màng toàn huyện đã có 3ha và đang tiếp tục được các doanh nghiệp liên kết mở rộng.
Đầu tháng 10 vừa qua, UBND huyện Tân Uyên tổ chức hội nghị nhằm bàn giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao và cây ăn quả năm 2024 - 2025. Tại hội nghị, lãnh đạo UBND huyện lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp, trồng, chăm sóc cây ăn quả của các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn. Dịp này, các đơn vị cũng đề xuất những giải pháp để có thể tiếp cận các nguồn vốn, chính sách và mong nhận được hỗ trợ nhiều hơn nữa từ UBND huyện để các công ty, doanh nghiệp phát triển bền vững. Được biết, về phía huyện luôn tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển bằng việc thành lập các tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp có dự án trên địa bàn; nâng cao hiệu quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính; lồng ghép các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm cũng như cung cấp thông tin, cập nhật điều kiện thuận lợi từng khu vực, địa điểm, khảo sát đưa ra phương án phù hợp để đầu tư…
Sự quan tâm của huyện đã có, sự giúp sức đắc lực của các cơ quan chuyên môn cũng đã sẵn sàng, mong rằng người dân đồng thuận, cùng các công ty, doanh nghiệp tỏa sáng hơn trong phát triển nông nghiệp xanh để mỗi tấc đất trên địa bàn Tân Uyên đều là những “tấc vàng” đem đến cuộc sống ấm no.

Thu Trang

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/n%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-xanh-%E1%BB%9F-t%C3%A2n-uy%C3%AAn