Nông nghiệp xuất siêu gần 7 tỷ USD

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng ấn tượng cho thấy ngành nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng ấn tượng cho thấy ngành nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế.

6,9 tỷ USD là giá trị xuất siêu của toàn ngành nông nghiệp sau 9 tháng. Con số này tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn cả cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu của cả nền kinh tế. Có được kết quả trên là nhờ một loạt các sản phẩm nông sản chính có giá trị xuất khẩu tăng trưởng 2 con so với cùng kỳ năm 2021, như cá tra đạt 1,9 tỷ USD, tăng tới 83%; cà phê đạt 3,1 tỷ USD, tăng trên 37%; hay tôm đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng trên 24%.

Đánh giá về kết quả trên, trong một buổi họp báo mới đây, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước.

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

"Các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững. Trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, chúng ta vẫn đảm bảo được an ninh lương thực, thực phẩm, hướng mạnh tới xuất khẩu. Chúng ta đã xoay trục qua các thị trường khó tính, tăng cả khối lượng, tăng cả giá trị", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam, đạt trên 10,5 tỷ USD, chiếm 25,8% thị phần; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc, chiếm 18,2% thị phần; thứ 3 là thị trường Nhật Bản chiếm 7,6% thị phần. Cơ cấu này dường như không nhiều thay đổi so với những năm trước, nhưng để giữ được sự ổn định của các thị trường lớn này cũng cần sự linh hoạt, chủ động ứng biến của các doanh nghiệp và sự dự báo kịp thời của cơ quan quản lý.

Xoay trục sản phẩm, tìm kiếm thị trường duy trì tăng trưởng

Đã có thời điểm 71% doanh nghiệp gỗ bị sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, do nhu cầu thế giới giảm xuống, giá trị xuất khẩu lâm sản 7 tháng đầu năm chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ, nhưng chỉ sau 2 tháng con số này tăng tới 11%. Có được con số trên, ngành lâm nghiệp đã xoay trục sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu viên nén, dăm gỗ và trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 thế giới.

"Giá viên nén và dăm gỗ tăng 150 - 200%. Điều này đã bù đắp cho việc xuất khẩu", ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho hay.

Việc mở rộng thị trường qua các tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài cũng được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội tận dụng trong thời gian qua. Vừa qua, Công ty cổ phần Amei Việt Nam lần đầu tiên họ xuất khẩu một số sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn vào một số thị trường Trung Đông.

"Chúng tôi đã có khách hàng là bên thị trường Kuwait kết nối về để nhập nhiều chủng loại sản phẩm nông sản của Việt Nam, trong đó có vải thiều. Chúng tôi cũng đã có những đơn hàng đầu tiên sang thị trường để đánh giá tiềm năng thị trường và thấy rất triển vọng", ông Nguyễn Thế Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Amei Việt Nam, thông tin.

Ngoài việc xoay trục sản phẩm mở rộng thị trường xuất khẩu, trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi sản xuất, chế biến, nông nghiệp cũng tăng cường đổi mới cách thức để giảm thiểu chi phí đầu vào, giúp giá nông sản của Việt Nam cạnh tranh hơn trong bối cảnh lạm phát tăng cao trên thế giới.

Doanh nghiệp nông sản lên kịch bản xuất khẩu 3 tháng cuối năm

50 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản, đây là mục tiêu năm nay Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp. Chỉ còn 3 tháng nữa để hoàn thành mục tiêu này, trước mắt là một loạt những thách thức không nhỏ đối với nông sản Việt Nam. Lạm phát tăng cao ở nhiều thị trường, đơn hàng sụt giảm, tồn kho tăng lên, trong khi chi phí sản xuất vẫn tăng. Do đó, để duy trì tốc độ tăng trưởng thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp cũng đã lên kịch bản cho những tháng cuối năm và cả sang năm 2023

Đậu tương rau là sản phẩm chủ lực của Công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu trong 3 tháng cuối năm. Dự kiến mỗi tháng họ xuất khẩu 4 container vào Mỹ và Nhật Bản. Theo doanh nghiệp, do tình hình lạm phát tại hai thị trường này diễn biến còn phức tạp, nên họ cũng ngồi lại với khách hàng giảm những mặt hàng cao cấp giá cao như vải đông lạnh, nước ép vải, thay vào đó những sản phẩm phổ biến mà giá cả phải chăng như đậu tương rau.

"Chúng tôi hỗ trợ khách hàng tìm cước tàu rẻ nhất, hỗ trợ những vấn đề liên quan đến vận tải, mọi thứ để khách hàng có thể tiết kiệm tối đa được chi phí", chị Đỗ Linh Nhâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, cho biết.

Dây chuyền sơ chế, chế biến vải thiều xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Dây chuyền sơ chế, chế biến vải thiều xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Từ 2 tháng nay, doanh nghiệp cho biết, đã có những bạn hàng muốn đàm phán giảm dần đơn hàng. Họ chủ động ngồi cùng bạn hàng lên các phương án thích ứng về cả sản lượng, giá cả, thậm chí có những đơn hàng họ cũng phải chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ sản lượng và thị phần.

"Một là điều chỉnh về lượng, hai là điều chỉnh về giá, ba là điều chỉnh về thời gian để hai bên cùng có sự phối hợp. Quan điểm là chúng tôi làm việc với các bạn hàng, không thuần túy là khách hàng vì chúng tôi cũng có cam kết với bạn hàng thời gian lâu dài nên cũng có sự trao đổi, điều chỉnh cho phù hợp", ông Nguyễn Thế Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Amei Việt Nam, cho hay.

Cũng theo các doanh nghiệp, ngoài sự chủ động của họ, các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường công tác dự báo thị trường, tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu ngành theo hướng bền vững, tạo cơ chế thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư nâng cao công nghệ chế biến tiếp tục tăng giá trị gia tăng cho ngành.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường cho nông sản Việt; tiếp tục phối hợp với cơ quan Thương vụ Việt Nam, Tham tán Nông nghiệp xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị trực tuyến kết nối ngành hàng nông sản với hiệp hội, doanh nghiệp các nước khối EU, Trung Quốc, Nhật Bản.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với hệ thống thương vụ Việt Nam tại 176 thị trường nước ngoài và tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, định hướng thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2022, định hướng giai đoạn 2023 - 2025.

Đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều thách thức với xuất khẩu từ nay đến cuối năm, những chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ nhằm mục tiêu củng cố thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới nhiều tiềm năng, tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên trong bối cảnh tình hình hiện nay.

Theo VTV.VN

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/170835/nong-nghiep-xuat-sieu-gan-7-ty-usd.htm