Nông sản 'tắc đường' vì nCoV
Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra, chiều 3/2, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị 'Thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động dịch bệnh nCoV'. Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Công Thương, lãnh đạo nhiều tỉnh biên giới với Trung Quốc, các DN, hiệp hội ngành hàng, hệ thống bán lẻ...
Xuất khẩu “ngấm đòn”
Là một trong những nhóm ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc, tuy nhiên, dịch nCOV đang khiến việc tiêu thụ trái cây, nhất là thanh long và dưa hấu, bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh giá cả sụt giảm nghiêm trọng (thanh long chỉ còn 4.000 đồng/kg, trong khi, dưa hấu khoảng 1.000 đồng/kg), việc xuất khẩu hai sản phẩm trái cây trên cũng đang bị ngưng trệ.
Để tránh ùn ứ cho nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, Bộ Công Thương đang tích cực vận động một số chủ hàng chuyển đổi hình thức giao thương từ trao đổi cư dân sang xuất khẩu chính ngạch. Đối với hàng hóa không thể đi theo đường chính ngạch, Bộ Công Thương sẽ ưu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc khi chợ biên giới mở cửa trở lại. Về giải pháp trước mắt, Bộ đề nghị các địa phương chỉ đạo ngành công thương thúc đẩy tiêu thụ nội địa; đồng thời, kêu gọi người dân sử dụng nông sản trong nước…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, do dịch nCoV, giao thông bị hạn chế tại các chợ biên giới thuộc tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc). Điều này khiến 173 xe thanh long (loại xe 20 tấn/xe) hiện bị ùn ứ cục bộ tại Lạng Sơn. Các xe hàng hiện được các bến bãi tại Lạng Sơn hỗ trợ về chi phí dừng đỗ và điều kiện sinh hoạt, trong quá trình chờ được thông quan.
Đáng lo ngại, dự kiến, số lượng nông sản có thể bị ùn ứ sẽ còn lớn hơn. Thông tin tại cuộc họp chiều 3/2, đại diện tỉnh Long An cho biết, từ nay đến ngày 8/2, địa phương sẽ thu hoạch thêm 21.600 tấn thanh long; từ ngày 8 – 24/2, tiếp tục thu hoạch thêm 54.000 tấn thanh long. Ngoài ra, Tiền Giang và Bình Thuận cũng sẽ thu hoạch khoảng 110.000 tấn thanh long. Việc tiêu thụ phần lớn sản lượng này phụ thuộc chủ yếu thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh trái cây, nhiều DN Trung Quốc đã thông báo dừng nhập khẩu thủy sản từ các công ty Việt Nam cho đến hết ngày 9/2. Thậm chí, việc tạm dừng này còn có thể kéo dài cho tới khi Chính phủ hai nước thông tin bình thường hóa các hoạt động giao thương. Ngoài ra, sản phẩm sữa của Việt Nam mới được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc từ tháng 10/2019 cũng sẽ gặp khó khăn khi thông thương do tác động của dịch bệnh nCoV.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, đại dịch nCoV còn khiến giao thông bị hạn chế, cản trở giao dịch, trao đổi, làm việc giữa các DN và cơ quan quản lý Việt Nam – Trung Quốc. Nội dung thương thảo, thúc đẩy xuất khẩu đối với một loạt nông sản như sầu riêng, tổ yến, thạch, bột cá, khoai lang… đang bị chững lại.
Tìm hướng đi mới cho nông sản
Theo Bộ NN&PTNT, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất của nông sản Việt Nam. Trong đó, có ngành hàng chiếm đến 80% giá trị xuất khẩu như rau quả… Việc phụ thuộc thị trường Trung Quốc là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu nông sản đứng trước nhiều nguy cơ bị sụt giảm nếu dịch nCoV tiếp tục diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đã chủ động tìm đường đưa nông sản sang tiêu thụ tại các thị trường khác.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đơn vị đang chủ động phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới để xúc tiến thương mại cho nông sản xuất khẩu. “Dự kiến, trong năm 2020, Bộ sẽ tổ chức các đoàn công tác sang xúc tiến xuất khẩu tại Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Mỹ, Brazil, Nhật Bản, Nga, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Indonesia, Myanmar và các quốc gia châu Âu” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin.
Hiện, hàng hóa nông sản sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Nhiều xe hàng sang được nước bạn, nhưng phải nằm chờ đi tiêu thụ. Do đó, tỉnh khuyến cáo các chủ hàng hạn chế đưa xe lên cửa khẩu Lạng Sơn để chờ thời điểm chợ biên giới mở cửa trở lại, nhằm giảm chi phí bảo quản…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc triển khai các đoàn xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc tại thời điểm phù hợp nhất, ngay sau khi Trung Quốc kiểm soát được đại dịch nCoV và mở cửa trở lại.
Liên quan tới giải pháp trước mắt trong bối cảnh dịch nCoV kéo dài, Bộ NN&PTNT kiến nghị ngành công thương các địa phương đẩy mạnh đưa hàng hóa, nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống bán lẻ, ưu tiên thị trường nội địa. Về lâu dài, các địa phương nghiên cứu, điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với thị trường tiêu thụ. Đồng thời, tập trung quy hoạch, đầu tư vùng trồng để nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh, tinh thần ứng phó với đại dịch nCoV cho thương mại nông sản là khẩn trương, quyết liệt nhưng cần hết sức bình tĩnh. Đặc biệt, phải biến thách thức thành thời cơ. “Nếu “chợ” bị cháy thì phải nghĩ ngay tới việc xây dựng chợ mới, bảo đảm không bán hàng chỗ này thì bán hàng chỗ khác, không bán hôm nay thì bán hôm khác…” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ quan điểm, với hàm ý không để nông sản Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Về phía những vựa trái cây lớn như Long An, Bình Thuận, Tiền Giang, đại diện các tỉnh cho biết, đang tiếp tục theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản trên địa bàn. Kịp thời thông báo tình hình đến các DN, người nông dân để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, bảo đảm phù hợp với khả năng tiêu thụ của thị trường, bao gồm cả nhu cầu xuất khẩu.
Đề nghị hỗ trợ tiền điện cho doanh nghiệp bảo quản lạnh trái cây
Dịch viêm phổi cấp do virus Corona ngay lập tức đã tác động mạnh đến giá nhiều loại nông sản, cụ thể là trái cây. Đơn cử như sầu riêng, trước Tết, giá đạt 70.000 đồng/kg, nay chỉ còn 40.000 đồng/kg; thanh long chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, cá biệt có nơi giá dưa hấu chỉ còn 1.000 đồng/kg. Có thể nói, nhóm DN xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc đã bị tê liệt do ảnh hưởng của dịch cúm Vũ Hán, các thương lái đặt mua ở vựa để xuất khẩu sang Trung Quốc phục vụ Rằm tháng Giêng đã bỏ cọc do giá xuống quá thấp. Những nông dân không có liên kết với DN chịu thiệt hại nặng nề, các nông dân có liên kết vẫn được thu mua.
Do đó Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường khác; quy hoạch vùng trồng, làm tốt công tác bảo quản. Bộ Công Thương hỗ trợ tiền điện cho những đơn vị tham gia bảo quản trái cây để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.
Từ mùng 1 Tết Canh Tý, dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đóng 9 cặp chợ biên giới từ 31/1 đến 8/2, nếu dịch còn tiếp diễn phức tạp sẽ đóng cửa kéo dài nên xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp khó. Hiện vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan, trong đó có 190 xe thanh long, trọng lượng trên 5.300 tấn. Điều đáng nói là, hàng thanh long vẫn đang tiếp tục được đưa lên, riêng với thanh long, chúng tôi đã mở đường xuất khẩu riêng ở mốc hai bên Việt Nam – Trung Quốc vừa khánh thành, và đã xuất được 8.000 xe. Tuy nhiên, đề nghị DN các tỉnh không nên đưa hàng lên Lạng Sơn thời điểm này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng
Central Retail hoàn toàn ủng hộ chủ trương các DN bán lẻ hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Hiện, Central Retail sở hữu hệ thống siêu thị Big C với 37 siêu thị tại 22 tỉnh, TP vẫn đang mua thanh long và dưa hấu để tiêu thụ với giá có lãi cho bà con. Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cung cấp các nhóm mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong xuất khẩu sang Trung Quốc để các DN bán lẻ nắm bắt, có kế hoạch marketing, tiêu thụ, hỗ trợ người nông dân…
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nong-san-tac-duong-vi-ncov-364136.html