Nông sản Việt phủ sóng 'chợ mạng' quốc tế

Việc tận dụng công nghệ số và thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới để khai thác tiềm năng xuất khẩu (XK) toàn cầu đang được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp (DN) hưởng ứng, góp phần đưa thương hiệu Việt vươn ra thị trường quốc tế.

Bà Trương Hoàng Thủy Tiên, Trung Tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT và KTS- Bộ Công Thương) cho biết, nhiều DN Việt Nam đã XK truyền thống sang nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm XK lại ở dạng nguyên liệu hoặc bán thành phẩm. Đối tác nước ngoài sau khi thu mua sẽ tiến hành chế biến, đóng gói và gắn thương hiệu của họ. Điều này không chỉ làm giảm giá trị gia tăng mà còn làm mất đi cơ hội quảng bá thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.

Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới. Ảnh minh họa.

Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới. Ảnh minh họa.

Ví dụ, cà phê Việt Nam là một trong những loại cà phê nổi tiếng thế giới, nhưng rất ít người tiêu dùng quốc tế biết rằng họ đang uống cà phê xuất xứ từ Việt Nam. Phần lớn cà phê XK của Việt Nam ở dạng hạt cà phê sống, chưa qua rang xay và đóng gói. Thay vào đó, họ biết đến các thương hiệu cà phê từ các quốc gia như Mỹ (Starbucks) hoặc Thụy Sĩ (Nestlé), trong khi nguyên liệu lại được nhập khẩu từ Việt Nam. Theo số liệu thống kê của ngành cà phê Việt Nam, hiện nay khoảng 82% sản lượng cà phê được XK ở dạng nhân thô.

Việt Nam có truyền thống lâu đời trong sản xuất đồ gốm sứ và là một trong những nước XK đồ gốm sứ lớn trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm gốm sứ XK của Việt Nam ở dạng phôi gốm, chưa qua trang trí, vẽ men và nung…. Nhiều sản phẩm này được XK sang Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc châu Âu và sau đó được bán dưới tên thương hiệu của các nước này. Người tiêu dùng quốc tế thường không biết rằng những sản phẩm họ mua là từ Việt Nam, nơi có truyền thống lâu đời và kỹ thuật tinh xảo trong việc sản xuất các mặt hàng này.

Số lượng các sản phẩm mang thương hiệu Việt đang bắt đầu ngày càng tăng lên nhanh chóng ở các nền tảng TMĐT như Amazon, Etsy, Alibaba... Trong vòng 12 tháng tính đến đầu tháng 9/2023, các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã bán ra 17 triệu sản phẩm mang thương hiệu Việt cho khách hàng trên khắp thế giới, tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam qua Amazon tăng 40%, với hàng nghìn DN Việt nắm bắt cơ hội kinh doanh toàn cầu. Theo thống kê của Amazon, hàng nghìn DN vừa và nhỏ của Việt Nam đang XK thông qua Amazon, với số lượng DN đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD, tăng gần gấp 10 lần.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết, với những DN có định hướng lâu dài xuyên biên giới, cách đi, cách làm sản phẩm, hướng phát triển sẽ bài bản hơn, lâu dài hơn, bền vững hơn, đem lại nhiều giá trị cho sản phẩm Việt, vượt qua biên giới Việt Nam đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu.

Để hỗ trợ đưa thương hiệu Việt vươn ra thị trường quốc tế, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) phối hợp với các sàn TMĐT lớn trên thế giới và các đối tác có nguồn lực, giải pháp kỹ thuật cũng như quy trình vận hành triển khai Chương trình hỗ trợ DN XK qua thương mại điện tử - Go Export. Đây là một trong những giải pháp thiết thực để khuyến khích DN nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu và XK sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Sản phẩm trái cây sấy của thương hiệu Việt Nam được chương trình Go Export hỗ trợ đưa lên Amazon.

Sản phẩm trái cây sấy của thương hiệu Việt Nam được chương trình Go Export hỗ trợ đưa lên Amazon.

“XK trực tuyến không chỉ giúp DN Việt tiết kiệm chi phí mà còn mở rộng thị trường một cách hiệu quả. Bằng cách tận dụng các công cụ tiếp thị số và dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp, DN có thể xây dựng lòng tin và tạo dựng uy tín cho thương hiệu Việt trên trường quốc tế. Đây thực sự là một cơ hội vàng cho các DN Việt Nam để khẳng định vị thế và nâng cao giá trị sản phẩm của mình trên thị trường toàn cầu”, bà Trương Hoàng Thủy Tiên nhấn mạnh.

Phó Cục trưởng Cục TMĐT và KTS Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các DN thâm nhập, mở rộng thị trường XK. Thời gian qua, với sự kết nối hiệu quả từ Cục TMĐT và KTS và Amazon Global Selling, các DN Việt Nam đã tự tin vươn ra biển lớn, chinh phục thị trường toàn cầu nhờ TMĐT xuyên biên giới.

Thanh Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/nong-san-viet-phu-song-cho-mang-quoc-te-i737592/