Nông sản Việt tìm cách vượt khó vào thị trường tỷ đô
Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản phải đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là các thách thức về rào cản kỹ thuật, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần kịp thời cập nhật, thay đổi để thích ứng cho phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: N.Lộc
Đây là thông tin tại Hội nghị triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường, tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU (Liên minh châu Âu) do Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn -NNPTNT), tổ chức sáng 24/02.
Hàng loạt rào cản kỹ thuật từ thị trường tỷ đô
Theo đại diện Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam), hiện EU đặt ra hàng loạt quy định về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc với thực phẩm tổng hợp, bao gồm các sản phẩm dùng nguyên liệu từ động vật. Nhiều quy định có hiệu lực từ năm 2025.
Trong đó, phải kể đến các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; quy định về các biện pháp tạm thời kiểm soát chính thức và biện pháp khẩn cấp sản phẩm nhập khẩu… đều có ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Các doanh nghiệp lớn và các nhà điều hành sẽ phải thực thi các quy định của EU từ ngày 30/12/2025, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ được gia hạn đến ngày 30/6/2026.
Văn phòng SPS Việt Nam
Phân tích cụ thể về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huyền (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết, EU có nhiều quy định để kiểm soát các rủi ro về sức khỏe cộng đồng và thực hiện những ý kiến của cơ quan an toàn thực phẩm của châu Âu đối với sản phẩm nông sản nhập khẩu.
Đơn cử, Quy định (EC) số 852/2024 và 853/2004 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu ngày 29/4/2004 đặt ra các quy tắc vệ sinh cụ thể đối với thực phẩm, trong đó, sản phẩm có nguồn gốc động vật.
2 quy định này quy định rất cụ thể các yêu cầu đối với thực phẩm từ khi sản xuất đến khi thành sản phẩm bao gồm tiêu chuẩn doanh nghiệp phải tuân theo, quy trình kiểm soát, đăng ký, yêu cầu khi vận chuyển, nhà xưởng... Trong đó, các cơ sở sản xuất thực phẩm tổng hợp phải được đăng ký hoặc được châu Âu phê duyệt, tùy vào tính chất sản phẩm.

Đại biểu nêu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: N.Lộc
Ngoài hàng loạt quy định nói trên, bà Nguyễn Thị Huyền lưu ý thêm với các doanh nghiệp, châu Âu sẽ thường xuyên bổ sung, cập nhật các quy định của mình.
Ví dụ, Quy định (EU) 2020/2235 về mẫu Giấy chứng nhận đã sửa đổi, bổ sung 15 lần, Quy định EU 2017/625 đã bị thay thế bởi Quy định 2022/2292 (06/9/2022) đến nay sửa đổi 2 lần hay Quy định 2021/404 về kiểm dịch thú y đã sửa đổi bổ sung 112 lần.
"Vì vậy, các doanh nghiệp cập nhật thay đổi các quy định của châu Âu thường xuyên. Cùng với đó, liên hệ Văn phòng SPS Việt Nam để được hướng dẫn cụ thể về các thay đổi" - bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ thêm.
Cần sự đồng thuận, phối hợp đáp ứng yêu cầu của thị trường
Theo Bộ NNPTNT, vừa qua, nhiều loại thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam liên tục bị EU cảnh báo, khiến Việt Nam có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu tỷ USD nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Nguyên nhân được chỉ ra là do một số doanh nghiệp chưa đăng ký lưu hành các sản phẩm có chứa thành phần từ thực phẩm mới, vi phạm quy trình phê duyệt của châu Âu. Nhiều trường hợp khai báo không đúng theo hồ sơ đăng ký về nguyên liệu, nhất là các thành phần có thể gây dị ứng cho người tiêu dùng, làm dấy lên mối lo ngại lớn về minh bạch và an toàn thực phẩm.
Nghiêm trọng hơn, một số sản phẩm chứa phụ gia không được phép sử dụng hoặc vượt mức quy định, khiến EU buộc phải ra lệnh thu hồi ngay lập tức. Hoặc nhiều lô hàng có thành phần từ động vật nhưng lại không thực hiện kiểm dịch thú y tại cửa khẩu, vi phạm trực tiếp các quy định an toàn sinh học của EU.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam trao đổi tại Hội nghị. Ảnh: N.Lộc
Hiện nay, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương được giao khẩn trương chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp nhằm tăng cường thông tin, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm xuất khẩu thường xuyên cập nhật và thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường xuất khẩu.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát vùng nguyên liệu, các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói nhằm đảm bảo đáp ứng quy định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật, tránh tình trạng bị cảnh báo về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu nông sản, thực phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trong năm 2024, Việt Nam nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng gấp đôi so với năm 2023. Thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy, doanh nghiệp mắc sơ suất thường thuộc nhóm nhỏ và vừa. Ngược lại, các doanh nghiệp lớn, nhất là khối FDI đều có bộ phận kỹ thuật chuyên trách, nhanh chóng tiếp cận với các thông tin thay đổi của thị trường.
Phân tích chi tiết hơn, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam cho rằng, với nhóm hàng đã bị EU cảnh báo ở mức độ cao, nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời, cải thiện, thậm chí EU sẽ không cho nhập vào.
Do đó, để đảm bảo tuân thủ các quy định SPS và nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm xuất khẩu, ông Nam cho rằng cần sự đồng thuận và nỗ lực của tất cả các bên.
“Nếu cơ quan quản lý nỗ lực nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã không cố gắng thì cũng thất bại và ngược lại” - ông Nam lưu ý.
Tại Hội nghị, các ý kiến cũng tập trung trao đổi, bàn giải pháp để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu, người sản xuất khắc phục được các rào cản từ thị trường để thúc đẩy thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu../.