Nông sản vùng dân tộc thiểu số 'hái quả ngọt' trên sàn điện tử

Quảng Ngãi đang chứng kiến những chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) vào tiêu thụ nông sản, đặc biệt mở ra những cơ hội đầy hứa hẹn cho các HTX hoạt động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong bối cảnh địa hình khó khăn, giao thông hạn chế, việc tiếp cận thị trường truyền thống đối với nông sản của bà con, thành viên HTX vùng cao Quảng Ngãi luôn là một thách thức. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của internet và các nền tảng TMĐT đã mang đến một "luồng gió mới", giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý và kết nối trực tiếp người sản xuất với người tiêu dùng trên cả nước.

Nỗ lực hỗ trợ từ tỉnh và các tổ chức

Nhận thức rõ tiềm năng của TMĐT, tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan, tổ chức như Liên minh HTX tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ bà con và các HTX "lên sàn". Các lớp tập huấn về kỹ năng bán hàng trực tuyến, xây dựng gian hàng, marketing số, livestream... được tổ chức thường xuyên, trang bị cho người dân kiến thức và công cụ cần thiết để tự tin kinh doanh trên môi trường mạng.

Điển hình như Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực vận hành TMĐT cho các thành viên HTX và hộ sản xuất kinh doanh thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Các lớp tập huấn này trang bị kiến thức và kỹ năng về thiết lập tài khoản, kinh doanh trên các sàn TMĐT phổ biến (Shopee, Lazada, Tiki), mạng xã hội (Facebook, TikTok), bán hàng đa kênh, sử dụng AI trong kinh doanh, thiết kế hình ảnh và video bán hàng, livestream...

Gần đây nhất, vào giữa tháng 4/2025, Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức Lớp tập huấn Nâng cao năng lực vận hành thương mại điện tử cho thành viên HTX, đại diện các hộ sản xuất kinh doanh thuộc vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Lớp tập huấn đã thu hút 60 học viên đến từ 14 HTX và đại diện 12 hộ sản xuất kinh doanh thuộc vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Người học vừa học lý thuyết và đi tham quan học tập thực tế tại các HTX để nâng cao kỹ năng.

Lớp tập huấn về TMĐT do Liên minh tỉnh phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường tổ chức.

Lớp tập huấn về TMĐT do Liên minh tỉnh phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường tổ chức.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo kiêm Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ và Kinh tế số, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, cho biết lớp tập huấn như thế này giúp người dân, thành viên HTX nắm tổng quan về TMĐT và những khuyến nghị với người mua và người bán trong lĩnh vực TMĐT; thiết lập tài khoản và kinh doanh trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki, mạng xã hội Facebook, TikTok. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng sẽ lưu ý đối với người dân, HTX những việc cần thiết khi bán hàng đa kênh; giới thiệu và hướng dẫn thực hành sử dụng trí tuệ nhân tạo AI, ứng dụng trong triển khai công việc và kinh doanh, cách thiết kế tờ rơi, banner, card visit, video chuyên nghiệp, livestream bán hàng trên các nền tảng…

Đặc biệt, việc hỗ trợ đưa các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của vùng núi lên các sàn TMĐT của tỉnh và quốc gia đang được đẩy mạnh. Đến nay đã có hơn 700 sản phẩm chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa như gà kiến Sơn Hà, gừng gió Trà Bồng, chuối hột rừng sấy khô, chè xanh Minh Long... đã có mặt trên "chợ mạng", thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng.

Một điểm sáng trong nỗ lực này là việc khuyến khích các đơn vị sản xuất, HTX ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc. Mỗi sản phẩm được gắn một "chứng minh thư điện tử", giúp người mua dễ dàng kiểm tra thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất, đảm bảo tính minh bạch và an toàn, từ đó xây dựng niềm tin và tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản vùng cao.

Bên cạnh TMĐT, các phiên chợ kết nối tiêu thụ nông sản do Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tổ chức cũng đóng vai trò quan trọng. Đây không chỉ là nơi để các HTX, nông dân trực tiếp giới thiệu và bán sản phẩm mà còn là cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và quảng bá văn hóa đặc trưng của vùng miền núi. Sự kết hợp giữa kênh bán hàng trực tuyến và trực tiếp tạo ra một hệ sinh thái tiêu thụ đa dạng và hiệu quả.

Những "trái ngọt đầu mùa"

Những nỗ lực ban đầu đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Các HTX như Nông nghiệp sạch Sơn Hà, HTX Nông lâm nghiệp Sơn Trà, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Thủy, HTX Dịch vụ Nông - Lâm nghiệp Thành Tiến, HTX sản xuất Lâm nghiệp và Thương mại dịch vụ Sơn Bua... đã chứng minh được hiệu quả của việc ứng dụng TMĐT và tham gia các phiên chợ kết nối. Sản phẩm của họ không chỉ tiêu thụ tốt hơn tại địa phương mà còn vươn ra các tỉnh thành khác, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Với nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP như gà kiến Sơn Hà, gà đen, mắm cá niên, khổ qua rừng sấy, ớt xiêm rừng ngâm giấm…, các thành viên HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà không chỉ đã tham gia các phiên chợ mà còn bán hàng trên các sàn TMĐT để quảng bá và giúp tiếp cận với nhiều người tiêu dùng trên cả nước. Mục đích ứng dụng TMĐT của HTX không chỉ nâng cao thu nhập cho thành viên mà còn giúp những nông – đặc sản địa phương có cơ hội đến tay nhiều người tiêu dùng.

Nông sản của người dân, HTX vùng đồng bào DTTS&MN ở Quảng Ngãi được kết hợp tiêu thụ giữa hình thức truyền thống và online.

Nông sản của người dân, HTX vùng đồng bào DTTS&MN ở Quảng Ngãi được kết hợp tiêu thụ giữa hình thức truyền thống và online.

Còn HTX Nông lâm nghiệp Sơn Trà vốn nổi tiếng với sản phẩm gừng gió Trà Bồng OCOP 3 sao. HTX cũng đã hợp tác phát triển vùng nguyên liệu và bán sản phẩm trên toàn quốc thông qua TMĐT. Hình thức này đang giúp HTX tiếp cận được lượng lớn khách hàng trên cả nước, không bị giới hạn bởi địa lý. Khâu bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng giúp HTX giảm bớt các bước trung gian.

Tương tự, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Thủy đã phát triển sản phẩm chuối hột rừng sấy khô và bán hàng trên các nền tảng trực tuyến. HTX Dịch vụ Nông - Lâm nghiệp Thành Tiến với sản phẩm chè xanh Minh Long, đã đầu tư vào chế biến và bán hàng online thành công…

Việc tham gia TMĐT và bán hàng online đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, HTX ở vùng đồng bào DTTS&MN Quảng Ngãi.

Trong đó, các HTX đã tiếp cận được lượng lớn khách hàng trên cả nước, không bị giới hạn bởi địa lý. Kênh bán hàng trực tuyến giúp tăng doanh số và thu nhập cho các thành viên HTX. Đặc biệt, nhiều nông sản như lúa, dưa lưới, bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, cây kiểng, dầu đậu phộng, ổi, nấm linh chi... của các HTX đã được giới thiệu và bán trên các kênh trực tuyến thành công, từ đó góp phần xây dựng thương hiệu địa phương.

Rõ ràng, kênh bán hàng TMĐT và online hứa hẹn phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao giá trị nông sản và đời sống của người dân, thành viên HTX vùng đồng bào DTTS&MN Quảng Ngãi.

Tiếp tục ươm mầm cho tương lai

Để TMĐT thực sự trở thành một kênh tiêu thụ bền vững và hiệu quả cho nông sản vùng đồng bào DTTS&MN ở Quảng Ngãi, vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Việc nâng cao hơn nữa kỹ năng số cho người dân, đầu tư vào hạ tầng công nghệ, xây dựng các câu chuyện thương hiệu hấp dẫn và đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định là những yếu tố then chốt.

Chị Lê Thị Ánh, Giám đốc HTX sản xuất Lâm nghiệp và Thương mại dịch vụ Sơn Bua cho rằng hiệu quả từ ứng dụng TMĐT là rất rõ nhưng các HTX ở miền núi, vùng cao ở Quảng Ngãi thường có thành viên, nông dân là đồng bào DTTS, khả năng ứng dụng công nghệ số không được nhanh nhạy. Do đó, các thành viên HTX mong rằng sắp tới sẽ có nhiều hội thảo, các buổi đào tạo tập huấn được tổ chức để nông dân và các chủ thể, HTX trên địa bàn học hỏi nâng cao kỹ năng về TMĐT, từ đó tăng khả năng giới thiệu những sản phẩm do chính tay mình làm ra trên môi trường số. Điều này giúp người dân, HTX vùng miền núi không lo tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như trước đây.

Theo đại diện Liên minh HTX tỉnh, sự quan tâm, mong muốn của các HTX về TMĐT cho thấy bà con, thành viên HTX vùng đồng bào DTTS&MN ngày càng nâng cao nhận thức, trách nhiệm về chuyển đổi số, mạnh dạn tham gia, đầu tư cho TMĐT để phát triển lớn mạnh, bền vững. Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục liên kết với các ban ngành để tạo cơ hội cho người dân, HTX vùng DTTS&MN tham gia các lớp đào tạo, phiên chợ nông sản online để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức để đưa các mặt hàng nông sản của người dân miền núi vươn xa hơn.

Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh cũng sẽ hỗ trợ các HTX, người dân vùng đồng bào DTTS&MN tìm hiểu và lựa chọn các sàn TMĐT phù hợp. Hiện, có nhiều sàn TMĐT khác nhau, mỗi sàn có những đặc điểm và đối tượng khách hàng riêng. Việc lựa chọn sàn phù hợp với sản phẩm của mình là rất quan trọng. Hiện, sau khi được tập huấn và giới thiệu, Liên minh HTX tỉnh cũng đang định hướng và hỗ trợ người dân, HTX các khâu để có thể đưa hàng hóa lên sàn Vcamart.vn, vì đây là sàn TMĐT chuyên cho các HTX với những ưu đãi nhất định.

Bên cạnh đó, các HTX cũng cần quan tâm chuẩn bị sản phẩm đảm bảo chất lượng tốt, có nguồn gốc rõ ràng và thông tin mô tả chi tiết, hấp dẫn; Đầu tư vào hình ảnh sản phẩm đẹp mắt, chuyên nghiệp và xây dựng câu chuyện thương hiệu độc đáo. Những điều này sẽ là nền tảng để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng và tìm kiếm đối tác trên sàn TMĐT và các trang online.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/nong-san-vung-dan-toc-thieu-so-hai-qua-ngot-tren-san-dien-tu-1106748.html