Nông sản xuất khẩu với khát vọng 100 tỷ USD -Bài 1: Biến thách thức thành cơ hội

Xuất khẩu nông sản những năm qua đã liên tục ghi nhận những thành quả và luôn là điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên diễn biến của những tháng đầu năm 2025 cho thấy, để xuất khẩu nông sản bền vững, hướng đến mục tiêu 100 tỷ USD, còn rất nhiều việc phải làm.

Những bước tiến thần tốc

Năm 2024 kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp đạt 62,5 tỷ USD, kết quả này vượt xa so với mục tiêu ban đầu mà ngành nông nghiệp đặt ra là 55 tỷ USD. Có được kết quả này, theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), là kết quả của một quá trình dài toàn ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương bền bỉ thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu.

Dù khó khăn, xuất khẩu thủy sản vẫn về đích đầy ấn tượng trong năm 2024. Ảnh: Quang Vinh.

Dù khó khăn, xuất khẩu thủy sản vẫn về đích đầy ấn tượng trong năm 2024. Ảnh: Quang Vinh.

Theo đó, với nhóm cây ăn quả, Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo rải vụ trái cây, tạo động lực để xuất khẩu trái cây được kết quả như hiện nay. Ví dụ Đồng bằng sông Cửu Long đã có thể thu hoạch trái cây quanh năm, đây là lợi thế mà không phải nước nào cũng có được. Với chương trình tái canh cà phê, trước đây năng suất cà phê chỉ khoảng 2,2 tấn/ha, diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh nhiều rất lớn.

Do đó, ngành nông nghiệp đã xác định diện tích cần tái canh là 122.000ha. Ban đầu triển khai rất khó khăn nhưng khi quyết tâm cùng với các chính sách hỗ trợ nông dân hiệu quả, cuối cùng chúng ta đã tái canh được 155.000ha. Nhờ chương trình tái canh, ngành cà phê đã đem về “trái ngọt” trong năm 2024 khi kim ngạch xuất khẩu vượt trên 5 tỷ USD.

Tương tự, nhờ sự chủ động thích ứng với thị trường, ngành lâm sản đã biến thách thức thành cơ hội. Nhờ đó, năm 2024 lâm sản là nhóm ngành hàng đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu khi đem về 16,2 tỷ USD. Có được kết quả này theo ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) sự chuyển dịch chuỗi cung ứng do các biện pháp bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc cũng tạo ra cơ hội lớn cho sản phẩm gỗ Việt Nam. Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam. Những thị trường này không chỉ có nhu cầu cao, mà còn đòi hỏi các sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng, thiết kế và tính bền vững.

Năm 2024 cũng là năm đầy biến động với ngành thủy sản khi các doanh nghiệp (DN) đứng trước thách thức về thị trường, logistics cũng như nguồn nguyên liệu chế biến, xuất khẩu thủy sản năm 2024 vẫn về đích ấn tượng trên 10 tỷ USD. Có được thành quả này, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngay từ đầu năm 2025 các DN và địa phương đã tập trung mở cửa thị trường, trong đó VASEP phối hợp với các Bộ, ngành để mở thị trường trọng điểm như: Mỹ, châu Âu…

“Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy, cho thấy ngành thủy sản đang đi đúng hướng trong việc phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm” - ông Nam chia sẻ.

Tới nay, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) nêu quan điểm, thuận lợi lớn nhất trong đàm phán ký kết nghị định thư để mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu thời gian qua, đó là chúng ta có những sản phẩm tiềm năng, đặc sản thế mạnh để xuất khẩu. Bởi không có sản phẩm tốt thì chúng ta không thể đàm phán được.

“Nhà nước cũng dành nguồn lực lớn cho công tác đàm phán mở cửa thị trường. Bên cạnh đó, trình độ sản xuất nông nghiệp đã được cải thiện nhiều, chúng ta tự tin đưa sản phẩm có chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường, điều này cũng tạo thuận lợi lớn khi chúng ta đàm phán đẩy mạnh xuất khẩu” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, nhờ được chú trọng đúng mực, những năm gần đây, nhiều thị trường nhập khẩu lớn của nông sản như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc đã cho phép nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường của họ dưới sự công nhận chất lượng cũng như đáp ứng các yêu cầu về phẩm cấp hàng hóa, thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc kháng sinh…

Rào cản cần vượt qua

Mặc dù đã dành được nhiều kết quả quan trọng song xuất khẩu nông, lâm thủy sản vẫn đối diện không ít thách thức, rào cản.
Với ngành gạo, theo các chuyên gia, với khả năng cung ứng trên 9 triệu tấn gạo mỗi năm, chủng loại gạo phong phú; các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao gia tăng, Việt Nam tiếp tục là “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành gạo. Cơ hội tăng trưởng lớn, nhưng cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn năm 2024, do Ấn Độ đã trở lại “đường đua” với chính sách gỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu, tạo thêm sức ép về đàm phán giá với các đơn hàng lớn.

Trong năm 2024, Ấn Độ dù hạn chế xuất khẩu, đến tháng 9/2024 mới chính thức mở kho gạo trắng, gạo tấm nhưng cả năm 2024 sản lượng xuất khẩu gạo nước này vẫn đạt trên 17 triệu tấn, gần gấp đôi Việt Nam. Với việc phục hồi sản lượng sản xuất, dự kiến năm 2025 Ấn Độ có thể xuất khẩu từ 21 - 22 triệu tấn gạo các loại, tăng 5 triệu tấn so với năm 2024. Việc này sẽ ảnh hưởng nhất định đến thị phần xuất khẩu gạo của các quốc gia khác; trong đó có Việt Nam và Thái Lan. Đây là vấn đề DN xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý để kịp thời chuyển hướng và đa dạng thị trường, khách hàng trong thời gian tới.

Được coi là “ngôi sao nông sản” trên con đường xuất khẩu tỷ USD tuy nhiên trái sầu riêng đã và đang đối mặt với không ít rào cản. Một trong những rào cản lớn nhất là sự cạnh tranh về nguồn cung đến từ các nước khác như Thái Lan, Malaysia. Các nước này có kinh nghiệm lâu đời trong việc trồng và xuất khẩu sầu riêng, đang không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với Việt Nam.

Ngoài ra, ngành sầu riêng Việt Nam cũng phải đối mặt với các vấn đề như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và yêu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, việc “tăng trưởng nóng” về diện tích, sản lượng sầu riêng trong nước cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có biến động phát sinh của thị trường. Trong khi đó, ngành hàng sầu riêng còn thiếu liên kết vùng trồng, tổ chức sản xuất, hoạt động thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sầu riêng; nhiều vùng sản xuất sầu riêng còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán...

Ông Nguyễn Quang Hiếu nhận định, những khó khăn, thách thức về mở cửa thị trường ngày càng hiện hữu, nhất là nhiều nước đang có xu hướng nâng cao thách thức đó. Đây là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng, để xuất khẩu các lô hàng thủy sản tới thị trường lớn, ngoài những quy định của thị trường bắt buộc chúng ta phải tuân thủ thì bây giờ cần có thêm các chứng nhận bền vững. Ví dụ thị trường châu Âu yêu cầu phải có chứng nhận ASC… “Về phía nhà xuất khẩu, chúng ta phải có sự chuẩn bị cho các thay đổi đó. Hiện nay, châu Âu, Mỹ, Nhật là các thị trường có doanh số đứng top 3 trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và các thị trường này đều có các yêu cầu về quản lý tài nguyên, yêu cầu phải chứng nhận thủy sản có nguồn gốc khai thác hợp pháp, quản lý và trách nhiệm. Dù vậy, nếu có sự chuẩn bị các DN sẽ đáp ứng tốt” - ông Nam tin tưởng.

Ở góc độ cơ quan đầu mối tiếp nhận các thông báo thay đổi biện pháp SPS của các nước nhập khẩu, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay Văn phòng SPS Việt Nam thường xuyên nhận được các cảnh báo từ các thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam. “Chúng ta đã đạt kỷ lục rồi, có sự đột phá nhưng làm sao để phát triển bền vững. Thời gian tới, chúng ta đang hoàn thiện và nâng cấp SPS khu vực ASEAN, SPS với Trung Quốc, SPS với Canada… Hầu hết các nội dung SPS ngày càng nâng cao. Vấn đề an toàn thực phẩm sẽ là câu chuyện mà các quốc gia ngày càng quan tâm” - ông Nam cho biết.

Ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật:

Nỗi lo tăng trưởng nóng

Dù chúng ta đã đạt được nhiều kỷ lục nhưng vẫn thiếu bền vững. Nguyên nhân do sản xuất quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún, chuỗi liên kết còn rời rạc nên để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, mất nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh về chi phí logistic, hạ tầng, kho lạnh còn chưa đáp ứng được.
Thách thức lớn trong giai đoạn tới nằm ở sự tăng trưởng. Sau 3 năm tăng trưởng nóng, có thể thấy nguy cơ vi phạm quy định đang hiển hiện trước mắt khi mà các doanh nghiệp đua nhau mở rộng quy mô sản xuất, tăng số lượng sản lượng xuất khẩu mà lại buông lỏng kiểm soát chất lượng. Trong khi chỉ một vài vi phạm nhỏ có thể ảnh hưởng tới cả lô hàng. Bởi vậy, cần phải có những biện pháp để hạn chế tình trạng này.

(Còn nữa)

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nong-san-xuat-khau-voi-khat-vong-100-ty-usd-bai-1-bien-thach-thuc-thanh-co-hoi-10300296.html