Nông sâu đường đến Olympic

Thể thao Việt Nam hiện đã có 12 suất dự Olympic, gần với mục tiêu 14-15 suất chính thức.

Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta hoàn thành kế hoạch đặt ra, con số này vẫn khiêm tốn nếu so với Thái Lan, nhiều khả năng có hơn 40 suất và kém hơn so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Singapore.

Thực tế này không nằm ngoài dự đoán. Chúng ta đã nhìn thấy điều này qua thành tích thi đấu ở Asiad 19, nơi mà thể thao Việt Nam vẫn chưa thể cải thiện vị thế quốc tế so với những đối thủ quen thuộc SEA Games. Thông qua cuộc đua giành vé đến Olympic, có thể nói những thách thức cho chiến lược phát triển thể thao Việt Nam vẫn vô cùng khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt và có những thay đổi mang tính cách mạng.

Mặc dù Olympic diễn ra 4 năm một lần nhưng những suất tham gia chủ yếu được chọn lựa thông qua các cuộc thi đấu đẳng cấp thế giới vẫn được tổ chức định kỳ hàng năm. Điều này có nghĩa các vận động viên (VĐV) đến được với Thế vận hội thường phải duy trì đẳng cấp và thành tích thi đấu của mình một cách liên tục. Yếu tố may mắn, nếu có cũng rất ít. Mọi thứ phụ thuộc vào thực lực của VĐV, quá trình đầu tư trong tập luyện để cải thiện thành tích.

Trong số các môn đã giành được vé đến Paris năm nay, chỉ có bắn súng được xem là môn thế mạnh của thể thao Việt Nam và cũng có cơ hội tạo được dấu ấn đặc biệt ở Olympic. Tuy nhiên, ngay chính môn thi đấu mà chúng ta từng có chiếc huy chương vàng lịch sử tại Rio 2018, đến SEA Games 2019 ở Philippines, bắn súng Việt Nam “trắng tay”. Chi tiết này phản ảnh công tác đầu tư cho các môn trọng điểm vẫn nhiều bất cập, còn phụ thuộc tính thời điểm của từng thế hệ VĐV. Vì vậy không chỉ hạn chế về số suất dự Olympic mà khả năng để thể thao Việt Nam tạo kỳ tích tại đấu trường thế giới này cực kỳ khó.

Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á đã thay đổi tư duy đối với thể thao đỉnh cao từ lâu. Thái Lan từng công khai xem nhẹ thành tích ở SEA Games cách đây cả thập niên. Malaysia và Singapore không đặt nặng thứ hạng trên bảng tổng sắp ở một kỳ đại hội. Về mặt khách quan, dù có nhiều thay đổi nhưng SEA Games đến nay còn nặng tính dàn trải, với tính cạnh tranh và áp lực thi đấu không quá lớn, không còn là đấu trường chủ lực của các VĐV đang ở đẳng cấp châu Á hay thế giới. Chưa kể, một số thành tích tại SEA Games không được các tổ chức thể thao công nhận nên không ít VĐV chuyên nghiệp từ chối tham gia để tập trung nhiều hơn cho những giải đấu giúp họ cải thiện thứ hạng cá nhân.

Dù sao, qua những suất dự Olympic đã đạt được, có thể thấy thể thao Việt Nam đủ khả năng tiếp cận trình độ thế giới ngay cả với những môn khó, ít phổ biến. Vấn đề đặt ra là chúng ta có thể tập trung và thu hút được nhiều nguồn lực để đầu tư dài hạn cho những môn thể thao giàu tiềm năng ấy hay không. Muốn làm được điều đó, điều đầu tiên và có lẽ là tiên quyết, nên thu hẹp dần số môn thể thao đang sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Tiếp đó, đến lúc “tách nhóm” hoặc “dán nhãn” cho những môn trọng điểm cần tập trung cho đấu trường châu lục và thế giới. Đơn cử như môn thể thao cốt lõi là điền kinh, dù có đầu tư mạnh, chưa bảo đảm sẽ có huy chương Olympic, vì thế nên tập trung toàn lực để cải thiện thành tích một cách lâu dài, đào tạo liên tục các thế hệ, tránh tình trạng đứt gãy như hiện nay.

Đấu trường Olympic như đại dương vừa rộng, vừa sâu. Nỗ lực chinh phục của thể thao Việt Nam không thể chỉ bằng sự hy sinh, cố gắng mà phải có những bước đi cụ thể hơn, kiên nhẫn thu ngắn cách biệt với các quốc gia trong khu vực cũng như châu lục và chờ đợi vận hội ở tương lai.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nong-sau-duong-den-olympic-post282309.html