Nông thôn Ba Vì đẹp về diện mạo, vững về kinh tế…

Ông Đỗ Mạnh Hưng - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, chương trình xây dựng NTM tại huyện Ba Vì đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao…

Mô hình tranh bích họa được nhân rộng ở nhiều vùng quê tại huyện Ba Vì. Ảnh: Diệu Thu

Mô hình tranh bích họa được nhân rộng ở nhiều vùng quê tại huyện Ba Vì. Ảnh: Diệu Thu

UBND huyện Ba Vì cho biết, năm 2010, huyện Ba Vì triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM so với yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia còn thấp. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, chiếm 15,1%. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 21,7 triệu đồng.

Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, chương trình xây dựng NTM tại huyện Ba Vì đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Theo đó, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM đạt trên 9.943 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách TP trên: 7.481 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 1.783 tỷ đồng, ngân sách xã trên 42,7 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách trên 635,7 tỷ đồng.

Đặc biệt, vốn đóng góp từ Nhân dân đạt trên 329 tỷ đồng. Đến nay, số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới: 30 xã, đạt tỷ lệ 100%. Số xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao: 4 xã, đạt tỷ lệ 13,33%. Thị trấn Tây Đằng đạt chuẩn đô thị văn minh.

Theo UBND huyện Ba Vì, chương trình xây dựng NTM được triển khai tại huyện không chỉ là đầu tư xây dựng cầu, đường, trường, trạm… mà đang hướng đến chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch để nông thôn là nơi đáng sống, đáng để quay về.

Tại khu vực sườn Đông núi Ba Vì, có thác, có suối, có rừng nguyên sinh đẹp và thơ mộng là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch sinh thái. Nơi đây còn có những di tích văn hóa, lịch sử như đền thờ Bác Hồ, đền Thượng, đền Trung... tạo thuận lợi cho việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Khu vực sườn Tây núi Ba Vì có địa thế đẹp, một bên là núi nhìn ra sông Đà tạo ra sức hấp dẫn riêng. Khu du lịch hồ Suối Hai là nơi cuốn hút nhất với diện tích vùng ven hơn 2.000ha, có mặt nước hồ, có những hòn đảo nhỏ xanh mát hứa hẹn cho du khách những phút nghỉ ngơi thư giãn.

Phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái, Ba Vì luôn chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch - dịch vụ. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm truyền thống, hình thành các điểm du lịch nông nghiệp, đưa khách tới những khu vực sản xuất có không gian, cảnh quan, môi trường văn hóa mang đặc trưng riêng của Ba Vì.

Theo đó, Ba Vì đã hình thành vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm chủ lực, như vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tập trung với quy mô ổn định khoảng 2.000ha đất canh tác. Trong đó, có xã Sơn Đà, Tản Hồng đã được cấp mã số vùng trồng cho diện tích 30ha. Diện tích cây chè đạt 1.550ha, năng suất đạt trên 10 tấn/ha, sản lượng đạt 16.500 tấn búp tươi. Vùng sản xuất cây ăn quả tập trung đầu tư phát triển quy mô 2.500ha. Vùng sản xuất rau an toàn 168ha.

Chăn nuôi phát triển ổn định, tập trung phát triển đàn bò thịt, bò sữa, gà đồi, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 100 - 120 nghìn tấn/ năm, sản lượng sữa….. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.600ha. Toàn huyện có 138 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao, có 03 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng.

Bên cạnh đó, một số chuỗi liên kết giá trị với sản phẩm thế mạnh của địa phương như sản phẩm sữa, gà đồi, lợn, bò thịt, chè, mật ong với sự tham gia của nhiều đơn vị, không chỉ trong TP Hà Nội mà trên phạm vi toàn quốc, đem lại giá trị cao cho sản phẩm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người nông dân trên địa bàn huyện.

Ông Đỗ Mạnh Hưng - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, sau hơn 10 năm triển khai, huyện Ba Vì đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, dành được nhiều kết quả đáng trân trọng, tạo nên được diện mạo mới với những gam màu tươi sáng cho bức tranh nông thôn Ba Vì.

Đến nay, nông thôn Ba Vì không chỉ đẹp về diện mạo, vững về kinh tế, đời sống văn hóa của người dân được nâng lên, an ninh nông thôn được ổn định, giữ vững. Đặc biệt, sau hơn một năm phát động và triển khai phong trào “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng xanh sạch đẹp, an toàn”, nhân dân Ba Vì đã chung sức, đồng lòng cùng kiến thiết lại làng quê với số tiền huy động xã hội hóa trên 130 tỷ đồng bào gồm tiền mặt và các vật chất có giá trị khác. Trong đó, phong trào hiến đất mở rộng đường được Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

Theo ông Đỗ Mạnh Hưng, trong thời gian tới, với định hướng rõ nét trong đồ án quy hoạch vùng huyện, bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá, phát huy thế mạnh về tiềm năng và lợi thế đã có, huyện Ba Vì sẽ tập trung duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM với phương trâm “Xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc” để xây dựng huyện Ba Vì ngày càng phát triển, văn minh và giàu đẹp.

“Đặc biệt, với việc huyện Ba Vì đạt chuẩn NTM sẽ có ý nghĩa hết sức to lớn. Đó chính là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Ba Vì và đây là nguồn cổ vũ, động viên to lớn, tạo động lực để huyện Ba Vì tiếp tục nỗ lực vươn lên giành nhiều thành tựu quan trọng hơn nữa” - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì nhấn mạnh.

Tính riêng từ tháng 4 năm 2022, đến hết tháng 6 năm 2023, đã có 2.088 hộ dân trên địa bàn huyện hiến 46.471m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp. Nhiều tuyến đường thôn, ngõ, xóm được mở rộng, nhiều đoạn tường bao, hàng rào được chỉnh trang, tu sửa đảm bảo mỹ quan.

Tuyết Nhi

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nong-thon-ba-vi-dep-ve-dien-mao-vung-ve-kinh-te-345288.html