Nông thôn mới - Sức sống mới Nam Tây Nguyên (bài 1): Làng quê chuyển mình toàn diện
Năm 2009, Lâm Đồng được chọn là 1 trong 11 địa phương của cả nước thực hiện mô hình thí điểm xây dựng xã nông thôn mới tại xã Tân Hội, huyện Đức Trọng. Từ xuất phát điểm khiêm tốn ban đầu, trải qua gần 15 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện toàn tỉnh có 109/111 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 98,2%. Trong đó, 34 xã nông thôn mới nâng cao và 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Mỗi một thôn, buôn trên mảnh đất Lâm Đồng đều mang một màu sắc riêng biệt. Đó có thể là những cánh đồng lúa trải dài, những sườn đồi cà phê đỏ mọng vào mùa thu hoạch, những vườn rau xanh mướt, ngát thơm hay những vườn trái cây nào bưởi, sầu riêng trĩu cành… Tất cả như đang minh chứng cho sự “thay da đổi thịt” từng ngày tại những miền quê nông thôn mới.
Trong dòng người đi xây dựng kinh tế mới trên mảnh đất Đạ Tẻh, những cái tên như Quảng Trị, An Nhơn, Triệu Hải, Mỹ Đức, Hà Đông… đại diện cho gốc gác của mỗi người, cũng là tình yêu quê hương cứ khắc khoải trong lòng. Trong số họ đã có người rời đi, có người ở lại. Người chọn ở lại cũng chỉ với niềm tin và mong muốn được “an cư lạc nghiệp”.
Hơn 40 năm sống trên mảnh đất này, bà Đỗ Thị Bảy (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) bảo rằng mình chưa một lần nuối tiếc dù phải chia xa nơi chôn nhau cắt rốn. Bởi từ những ngày đầu gian khó, mảnh đất hoang vu ngày ấy đã cho gia đình bà với 4 người con sự ổn định và giờ là những mái ấm hạnh phúc. 7 hộ gia đình đến xã Hà Đông khi đó làm kinh tế mới nay đã lên thành 45 hộ. Cuộc sống thôn quê yên bình, đủ đầy, láng giềng gắn bó như những người thân.
Giờ đây dù đã 80 tuổi nhưng đôi tay của người phụ nữ ấy vẫn thoăn thoắt, cùng các chị em chăm sóc từ trong nhà ra ngoài ngõ, tham gia đầy đủ các buổi ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, tôn tạo cảnh quan của thôn, xã.
“Từ thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, người cao tuổi… đến mỗi hội, mỗi đoàn thể đều được phân công phụ trách từng tuyến đường trong khu dân cư. Để rồi, từ ban đầu là phong trào thi đua do địa phương phát động nhưng nay đã trở nếp, trở thành thói quen của tất cả mọi người”, bà Nguyễn Thị Nga - Bí thư Chi bộ thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức chia sẻ khi cùng với các chị em cắt tỉa lại tuyến đường hoa trong những ngày cuối năm.
Người dân Đạ Tẻh nay có thể tự hào rằng dù chưa giàu bằng nơi khác nhưng là một vùng quê yên bình đáng sống. Tất cả các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rộng khắp, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được đầu tư…
Cũng chính những lý do đó, mà Đạ Tẻh là một trong những địa phương được Văn phòng điều phối Nông thôn mới của tỉnh đánh giá là thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và là 1 trong 2 huyện đang tiến đến xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Từ đó, việc tập trung xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam được cả hệ thống chính trị của huyện cùng các tầng lớp Nhân dân tập trung xây dựng và giữ gìn.
Có thể khẳng định không nhiều địa phương làm được như Đạ Tẻh, khi mà cứ đều đặn mỗi tháng, “Ngày Chủ nhật cùng Nhân dân” được triển khai đồng bộ với sự tham gia các tổ chức trong hệ thống chính trị, huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng cảnh quan môi trường. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm và vai trò chung tay tôn tạo cảnh quan môi trường tại các khu dân cư, góp phần thiết thực vào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
“Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và của các tầng lớp Nhân dân. Và quan trọng nhất chính là xuất phát từ chính người dân, tự mỗi người dân chủ động chung tay cùng nhà nước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trường trạm… và cũng là nhân tố quyết định duy trì được những thành tựu ấy”, ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đạ Tẻh, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo nông thôn mới cho biết.
Không riêng Đạ Tẻh, Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được triển khai rộng khắp, cụ thể bằng việc xây dựng khu dân cư tiêu biểu, khu dân cư kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Nhờ đó mà dọc khắp các con đường đều trở thành những đường hoa, được người dân chăm chút, coi như tài sản chung của xóm làng.
Thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, việc huy động Nhân dân đóng góp tiền, vật tư, ngày công lao động, hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi công cộng được các cấp quan tâm thực hiện, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trong tỉnh được nâng lên rõ rệt. Đến nay, toàn tỉnh có 867/1.367 Khu dân cư tiêu biểu, trong đó có 328 khu dân cư kiểu mẫu. Tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa 91%; tỷ lệ thôn, buôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa là 95%; tỷ lệ xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới 98%.
Những thành tựu đó là cả quá trình từ khi xã Tân Hội, huyện Đức Trọng là một trong một trong 11 xã điểm của Trung ương và là xã đại diện cho 5 tỉnh Tây Nguyên được chọn làm điểm để xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2015 là huyện Đơn Dương là huyện thứ 6 của cả nước về đích nông thôn mới. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, những thành tích nổi bật trên chính là kết quả từ sự đồng thuận và hài lòng của người dân. Trong đó, mức độ hài lòng của người dân qua đánh giá các năm ngày càng cao.
Chính từ chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn tiếp tục có những khởi sắc, thay đổi rõ rệt; cơ cấu ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ; các mô hình phát triển kinh tế mới tích hợp đa giá trị đã được hình thành và nhân rộng tại các địa phương đã góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn.
Các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đang tiếp tục được quan tâm đầu tư, giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Sau gần 20 năm thành lập, kinh tế của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đam Rông nói chung vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng nếu quay trở lại vùng đất Đầm Ròn dăm năm trở lại đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy một miền quê khó khăn ngày nào đã và đang có sự thay da đổi thịt. Mức sống trung bình cũng đã tăng lên, bên cạnh chăm lo làm ăn, nhu cầu của bà con về đường sá, giao thương cũng không kém.
Ông K’Chiếu, người K’Ho ở xã Đạ Tông (huyện Đam Rông) là hộ gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế tổng hợp theo mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, kết hợp với trồng trọt cho thu nhập ổn định trên 400 triệu đồng/năm. Giờ đây, những hộ gia đình như ông K’Chiếu đã thay đổi tư duy, biết làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương ngày một nhiều, lan tỏa tinh thần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Những mô hình kinh tế như của gia đình ông K'Chiếu đã minh chứng rằng bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số dần biết thay đổi tập tục canh tác lạc hậu sang trồng dâu nuôi tằm, trồng rau, lúa cao sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm... cho thu nhập tốt, cải thiện sinh kế bền vững hơn
Ông Trần Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Tông, huyện Đam Rông cho biết: 3 năm trở lại đây, nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển, bà con đã dần thay đổi tư duy, tin vào các hỗ trợ của nhà nước mà mạnh dạn chuyển đổi. Trên 1 đơn vị diện tích trồng dâu nuôi tằm, giá trị mang lại gấp chục lần so với trồng lúa. Nhiều người chỉ cần trồng 2 – 3 sào dâu và nuôi tằm đã có thu nhập hơn chục triệu mỗi tháng.
Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Tông cũng nhấn mạnh rằng, “thời buổi tấc đất, tấc vàng”, đâu ai dễ gì từ bỏ từng mét đất đã gắn bó với cuộc sống của họ bao lâu nay. Có thể đất Đạ Tông không có giá so với nhiều nơi khác, nhưng để bà con Nhân dân thay đổi ý thức, tự nguyện đề xuất hiến đất mở đường, dần thay đổi thói quen canh tác cũng là một trong những minh chứng cho việc tư duy của bà con đã khác xưa.
Thời gian qua, UBND huyện Đam Rông đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các tiêu chí đề ra; kịp thời phân bổ các nguồn vốn trực tiếp xây dựng nông thôn mới; thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình hiệu quả, phát triển hợp tác xã gắn với xây dựng chuỗi liên kết, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, đào tạo nghề lao động nông thôn...
Tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 là gần 2.014 tỷ đồng. Kết quả giải ngân vốn tổng nguồn vốn đã giải ngân đến ngày 20/11/2023 là gần 1.882 tỷ đồng.
Thực hiện Phong trào thi đua “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới” do tỉnh phát động, 14 năm qua, rất nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động gắn với xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành, đoàn thể tích cực triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Qua các phong trào thi đua đã huy động được nguồn lực to lớn trong Nhân dân và các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nông thôn mới.
Một trong những vấn đề không chỉ người dân quan tâm mà còn trở thành trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp, các ngành đó là nâng cao chất lượng cuộc sống thực sự cho người dân chứ không chỉ chú trọng để tăng quy mô hay các hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy.
Theo ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Nông thôn mới, hiện nay Lâm Đồng xác định bên cạnh việc hoàn tất cả mục tiêu về xã, huyện nông thôn mới thì một trong những việc làm cần thiết đó là rà soát cụ thể các tiêu chí theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, một số vấn đề, chỉ tiêu đưa ra chưa phù hợp thì địa phương cũng đã có kiến nghị lên các cấp cao hơn.
Trong những ngày tìm về những nẻo quê nông thôn mới, đi qua từng buôn làng, từng xã, huyện, chúng tôi phần nào có sự so sánh và cảm nhận của riêng mình về những thay đổi ở nông thôn. Có những điều phải trầm trồ, cũng có một chút tiếc nuối, nhưng tựu trung lại đó là cảm giác vui mừng, hồ hởi trước những chuyển biến không chỉ về kinh tế, đời sống sinh hoạt của người dân mà quan trọng nhất, người dân đã cảm nhận được giá trị mà mình nhận được để cùng chung tay với Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương góp công, góp của xây dựng nông thôn mới ngày một giàu đẹp, văn minh.