Nông thôn mới trong lòng dân

Nếu ai đó ở các làng Bồ Bản, Thạch Bồ (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) vì lý do gì đó phải xa quê nhiều năm, nay trở về chắc hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi của quê hương.

Nếu ai đó ở các làng Bồ Bản, Thạch Bồ (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) vì lý do gì đó phải xa quê nhiều năm, nay trở về chắc hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi của quê hương. Hình ảnh làng quê thông thoáng, khang trang, tươm tất hôm nay không khỏi gợi cho nhiều người nhớ về cái thời lầy lội, liêu xiêu trên những lối mòn vào mùa mưa, những chiếc cầu chênh vênh bắt qua con kênh, bờ mương nhằm phục vụ cho việc đi lại của người dân… Họ đều có chung cảm nhận: "Quê hương mình thay đổi nhanh quá". Nhiều người còn thốt lên: "Có mơ cũng không nghĩ được những con đường đất, trải đá dăm nhỏ hẹp ngày nào giờ được trải nhựa, bê-tông hóa rộng thênh thang, ô-tô có thể vào tận xóm".

Đường liên thôn Bồ Bản - Thạch Bồ (xã Hòa Phong) đang được nâng cấp, mở rộng.

Đường liên thôn Bồ Bản - Thạch Bồ (xã Hòa Phong) đang được nâng cấp, mở rộng.

Ở xã Hòa Phong, những con đường "ý Đảng - lòng dân" xây dựng nông thôn mới (NTM) như thế này ngày càng nhiều. Có đường mới đồng nghĩa với việc đi lại của bà con nơi đây sẽ bớt nhọc nhằn, mở rộng giao thương, người dân tiến dần hơn đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lão nông Hồ Lực (thôn Bồ Bản 2) chỉ con đường bê-tông chạy qua trước nhà phấn khởi chia sẻ: "Các làng Bồ Bản, Thạch Bồ không mấy rộng và là nơi giao nhau của 2 con sông Yên, Túy Loan nên mỗi mùa mưa lũ, nước dâng trắng xóa, người dân không phân biệt được đâu là đường, bờ ruộng để đi… Như con đường này, trước đây chỉ là con đường nhỏ hẹp "nắng bụi, mưa bùn" đi lại vô cùng khổ sở. Khi xã họp dân bàn chuyện mở đường, nhà nhà vui mừng như hội. Làm đường trước tiên là mình thụ hưởng, sau này đến con cháu mình chứ có làm cho ai đâu. Nghĩ vậy, ai cũng háo hức hiến đất, góp công, góp sức xây dựng tuyến đường này. Có đường thông thoáng nên ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, sửa chữa nhà cửa, làm hàng rào, trồng cây xanh tạo cảnh quan. Sáng sớm, già trẻ trong thôn í ới gọi nhau đi bộ tập thể dục, vừa giữ gìn sức khỏe vừa gắn kết thêm tình nghĩa xóm làng"… Thật vậy, nông thôn bây giờ thay đổi nhiều lắm, không chỉ là những con đường liên xã, liên thôn mà đến từng con đường làng, ngõ xóm. Nhiều con đường còn được gắn đèn chiếu sáng, trồng hoa càng làm cho bức tranh nông thôn thêm sống động, xen lẫn một chút thi vị.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Nguyễn Thị Vân, để có đủ mặt bằng mở đường liên thôn Bồ Bản 1, 2 và Thạch Bồ dài 2,7km, rộng 7m, bê-tông kiên cố rộng 5,5m với nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư 8,5 tỷ đồng hiện nay, người dân đã tự nguyện hiến hơn 8.500m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp… "Ban đầu khi họp dân triển khai chủ trương mở rộng đường cũng có nhiều ý kiến băn khoăn. Việc hiến đất thì dân thuận, song số lượng công trình tường rào kiên cố, cây trồng lâu năm phải phá bỏ để làm đường là rất nhiều. Sau khi mở đường, bà con phải đầu tư xây dựng lại. Nắm bắt tâm tư này, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc, đề xuất hỗ trợ bà con một phần kinh phí tháo dỡ công trình; đồng thời làm tốt Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, giải quyết ngay những vấn đề vướng mắc nhân dân nêu một cách có lý, có tình. Khi đã thông về tư tưởng, thì việc mở đường không còn là việc khó. Khi tuyến đường này thi công hoàn thành thì hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) của 15 thôn trên địa bàn xã được khép kín sẽ thuận lợi hơn trong việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản của bà con" - Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết thêm.

Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là tiêu chí GTNT trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM luôn là niềm mơ ước bao đời nay của người dân nông thôn. Thế nhưng sau khi bắt tay vào triển khai xây dựng, nâng cấp cũng là nỗi lo lắng nhất của chính quyền cơ sở. Bởi, để nâng cấp hệ thống GTNT đạt tiêu chí "Giao thông" cần rất nhiều vốn và sự hưởng ứng, tham gia của nhân dân. Trong điều kiện đời sống người dân nông thôn còn nhiều khó khăn, khả năng đóng góp, tham gia của người dân vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là vô cùng khó khăn… Nhắc lại điều đó để thấy rằng, Hòa Phong có được kết quả như hôm nay, nhân tố quan trọng không thể không kể đến là sự chung tay, góp sức của người dân. Còn nhiều công trình GTNT khác cũng in đậm dấu ấn của cộng đồng, của lòng dân đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Góp tiền của, công sức, hiến đất, vật kiến trúc để mở rộng, nâng cấp đường là những hình thức hưởng ứng tích cực của người dân vào công cuộc xây dựng NTM ở địa phương.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_195722_nong-thon-moi-trong-long-dan.aspx