Tìm hướng gỡ khó khi thực hiện tiêu chuẩn 'xanh' cho các dự án nhà ở xã hội

Đây là nội dung được quan tâm tại hội thảo 'Hiện thực hóa nhà ở xã hội xanh' do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 22-8 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Các đại biểu thảo luận, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: M.Tuấn

Các đại biểu thảo luận, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: M.Tuấn

Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phản ánh thực tế việc xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) gặp khó khăn khi thực hiện các tiêu chí “xanh” do nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp, việc thực hiện các tiêu chuẩn “xanh” làm phát sinh chi phí, khó đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, theo xu hướng tất yếu hiện nay, việc xây dựng NƠXH yêu cầu phải bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí “xanh” cho công trình, bao gồm đầy đủ tiện ích về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tiết kiệm điện năng, vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, qua đó giúp giảm phát thải khí nhà kính,...

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tham gia tích cực vào đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ.

Đáng chú ý, việc xây dựng NƠXH theo tiêu chuẩn "xanh" được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm và cũng là xu hướng tất yếu. Đồng thời, các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào NƠXH cũng phải bảo đảm các tiêu chí “xanh” để đáp ứng được điều kiện vay vốn.

“Để hài hòa giữa mục tiêu của Chính phủ về đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, vừa tiếp tục tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng NƠXH xanh, cần nhiều hơn các chính sách hỗ trợ về lãi suất, khả năng tiếp cận các gói tín dụng,...”, ông Nguyễn Đức Lệnh nhìn nhận.

Theo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, chính sách tín dụng NƠXH của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước đã tạo nhận thức chung và trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách NƠXH. Trong đó, cho vay NƠXH đã trở thành chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện nhiều năm qua.

Đến nay, tổng dư nợ cho vay mới đạt 108,8 tỷ đồng, cho 290 khách hàng. Trên cơ sở danh sách dự án NƠXH đủ điều kiện tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng do UBND thành phố Hồ Chí Minh công bố (gồm có 6 dự án NƠXH) có 3 dự án đã và đang vay vốn tín dụng ngân hàng.

Một dự án nhà ở xã hội tại thành phố Thủ Đức đã đưa vào hoạt động. Ảnh: M.Tuấn

Một dự án nhà ở xã hội tại thành phố Thủ Đức đã đưa vào hoạt động. Ảnh: M.Tuấn

Trong đó, dự án nhà ở cho công nhân tại thành phố Thủ Đức đang vay gói 120.000 tỷ đồng, với số tiền đã giải ngân là 170 tỷ đồng, 2 dự án còn lại vay thông qua ngân hàng thương mại, không tham gia gói vay ưu đãi.

Thành viên Ban Giám đốc Hội đồng Công trình xanh Việt Nam Vũ Linh Quang cho rằng, tại Việt Nam đã có nhiều tòa nhà thương mại đạt các tiêu chí xanh trong nước và quốc tế từ 15 năm nay. Vì thế, việc phát triển các dự án NƠXH “xanh” nhưng không tăng chi phí đòi hỏi các chủ đầu tư cần làm hết sức trách nhiệm vì mục tiêu giảm phát thải chung, chú trọng các tiêu chí “xanh” ngay từ giai đoạn đầu phát triển dự án.

Tại hội thảo, nhiều đại diện doanh nghiệp, chủ đầu tư, cá nhân, tổ chức quan tâm đến xây dựng NƠXH cũng đã kiến nghị nhiều giải pháp để tiếp tục tháo gỡ, hỗ trợ các đơn vị tham gia vào xây dựng NƠXH, để thực hiện thành công đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Minh Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tim-huong-go-kho-khi-thuc-hien-tieu-chuan-xanh-cho-cac-du-an-nha-o-xa-hoi-675538.html