Nóng trong tuần: Cộng đồng quốc tế lên tiếng vì Gaza, vụ rơi Ilyushin Il-76 của Nga nhiều dấu hỏi
Vụ rơi máy bay được cho chở tù binh Ukraine của Nga, Diễn đàn Du lịch ASEAN 2024, Tòa án Công lý Quốc tế ra phán quyết sau khi Nam Phi kiện Israel... là những nội dung được dư luận quốc tế quan tâm trong tuần qua.
Tuần sôi động của du lịch ASEAN, Việt Nam giành nhiều giải thưởng
Diễn đàn Du lịch ASEAN 2024 (ATF 2024) đã khai mạc vào tối 24/1, tại thủ đô Vientiane (Lào). ATF 2024 có chủ đề “Du lịch chất lượng và có trách nhiệm - Vì tương lai ASEAN bền vững”, diễn ra từ ngày 22-27/1.
Trong khuôn khổ ATF 2024, tối 26/1 đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Du lịch ASEAN 2024, trong đó Việt Nam vinh dự có 25 đơn vị được nhận giải ở 6 hạng mục gồm: Giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN; Giải thưởng Thành phố du lịch sạch ASEAN; Giải thưởng MICE ASEAN cho Phòng họp; Giải thưởng MICE ASEAN cho Địa điểm triển lãm; Giải thưởng MICE ASEAN cho Địa điểm tổ chức sự kiện và Giải thưởng Du lịch bền vững ASEAN, chủ đề Du lịch Ẩm thực.
Trong năm 2023, Việt Nam đã đón khoảng 12,6 triệu lượt du khách quốc tế, trong đó có khoảng 2,1 triệu lượt du khách đến từ các nước ASEAN.
Trong Hội nghị Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN lần thứ 59 tổ chức ngày 23/1 tại Lào, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh bày tỏ sự lạc quan về triển vọng trong năm 2024, theo đó thị trường du lịch của tất cả các nước ASEAN sẽ phục hồi hoàn toàn.
Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 27 ngày 25/1, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Hùng cho biết qua báo cáo của Lào, nước Chủ tịch Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN 2024, có thể nhận thấy kết quả du lịch năm 2023 của khu vực ASEAN đang có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, ông cho rằng các nước thành viên vẫn cần tiếp tục nỗ lực, tăng cường hợp tác đẩy mạnh ngành du lịch ASEAN để bắt kịp tốc độ của các khu vực khác trên thế giới.
Vụ rơi máy bay chở tù binh nhiều dấu hỏi tại Nga
Moskva và Kiev đã đổ lỗi cho nhau sau khi máy bay vận tải Ilyushin Il-76 của Nga rơi hôm 24/1 ở vùng Belgorod, giáp biên giới Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiếc Ilyushin Il-76 gặp nạn khi đang chở 65 tù binh Ukraine để trao đổi. Ngoài 65 tù binh Ukraine, còn có 6 thành viên phi hành đoàn và 3 người hộ tống.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 26/1 cáo buộc lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ chiếc Ilyushin Il-76. Trong bình luận đầu tiên về vụ tai nạn, nhà lãnh đạo Nga nói rằng kết quả điều tra của Moskva sẽ được công bố sau 2 đến 3 ngày nữa, nhưng điều tra ban đầu cho thấy tên lửa bắn trúng máy bay có thể là của Mỹ hoặc Pháp. Ông Putin cho rằng Kiev biết chiếc Ilyushin Il-76 khi đó đang chở 65 tù binh Ukraine. Tổng thống Putin cho biết chiếc Ilyushin Il-76 không thể bị bắn hạ bởi hỏa lực Nga vì hệ thống phòng không của nước này có sẵn các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn chúng tấn công máy bay của họ.
Dưới đây là video được cho đã quay lại cảnh chiếc Ilyushin Il-76 rơi (nguồn: Reuters):
Theo kênh Al Jazeera, phía Ukraine chưa xác nhận hoặc bác bỏ thông tin cho rằng họ bắn hạ Ilyushin Il-76. Nhưng Kiev đã bác bỏ tuyên bố của Moskva rằng họ đã cảnh báo về chiếc máy bay chở tù binh Ukraine sẽ bay qua khu vực Belgorod vào thời điểm đó. Phó đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc Khrystyna Hayovyshyn quả quyết rằng Ukraine không được thông báo về số lượng phương tiện, tuyến và loại phương tiện vận chuyển tù binh nước này.
Kênh CNN (Mỹ) đưa tin Ukraine xác nhận rằng có một cuộc trao đổi tù binh chiến tranh với Nga được lên lịch diễn ra vào ngày 24/1. Ukraine cũng cho biết có khác biệt trong danh sách tên 65 người Ukraine được cho là có mặt trên máy bay do truyền thông Nga công bố.
Cơ quan an ninh Ukraine ngày 25/1 thông báo đã mở vụ án hình sự về vụ rơi máy bay Il-76 chở 65 tù binh Ukraine tại tỉnh Belgorod của Nga. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết nước này đã kêu gọi triệu tập phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sau vụ rơi máy bay chở tù binh Ukraine. Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng thuộc Duma quốc gia (Hạ viện) Nga, Andrey Kartapolov ngày 25/1 khẳng định công tác đưa tù binh Nga từ Ukraine trở về sẽ được duy trì.
Ukraine và Nga đã trao đổi tù binh chiến tranh trong suốt cuộc xung đột bùng phát từ tháng 2/2022. Vụ trao đổi tù binh quy mô nhất diễn ra vào đầu tháng 1 với hơn 200 tù nhân của hai bên.
Ông Trump thắng bầu cử sơ bộ tại New Hampshire, Tổng thống Biden chuyển trọng tâm chiến dịch tranh cử
Cựu Tổng thống Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire để chọn ứng cử viên đại diện cho đảng Cộng hòa tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới. Trước đó, ông Trump cũng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa ở bang Iowa.
Dự kiến, sau New Hampshire, đảng Cộng hòa sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ và bỏ phiếu theo diện hẹp vào ngày 8/2 tại bang Nevada và ngày 24/2 ở South Carolina.
Tờ Politico (Mỹ) đưa tin bà Nikki Haley, đối thủ của ông Trump tại New Hampshire, vào tối 23/1 đã chúc mừng cựu Tổng thống. Bên cạnh đó, bà cũng nhấn mạnh: “New Hampshire là điểm bầu cử sơ bộ đầu tiên trên toàn quốc, nhưng không phải là nơi cuối cùng. Cuộc đua này còn lâu mới kết thúc. Vẫn còn rất nhiều bang khác”.
Thống đốc bang Florida Ron DeSantis ngày 21/1 đã bất ngờ từ bỏ cuộc đua giành quyền đại diện đảng Cộng hòa tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Như vậy, bà Haley và ông Trump là hai ứng cử viên còn lại trong cuộc cạnh tranh trở thành nhân vật đại diện đảng Cộng hòa tham gia cuộc tổng tuyển cử năm 2024.
Về phần Tổng thống Joe Biden, tờ The Hill của Mỹ đưa tin nhóm vận động bầu cử của ông đã chính thức chuyển trọng tâm chiến dịch tranh cử sang ứng phó với ông Trump, sau cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa ở bang New Hampshire. Theo đó, nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Biden đã phác thảo kế hoạch ứng phó, sẽ tập trung vào quan điểm của ông Trump về các vấn đề chăm sóc sức khỏe cũng như việc bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án Tối cao gây tranh cãi.
Trong một diễn biến đáng chú ý, ngày 24/1, Nghiệp đoàn Công nhân Sản xuất ô tô Mỹ (UAW) tuyên bố chính thức ủng hộ ông. CBS News cho biết sự ủng hộ của liên minh gồm 400.000 thành viên UAW có ý nghĩa rất quan trọng đối với Tổng thống Biden, người luôn ủng hộ tầng lớp lao động Mỹ.
Năm nay, bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ dự kiến bắt đầu vào ngày 3/2 tại bang South Carolina chứ không phải lowa hay New Hampshire, với quan điểm cho rằng những cử tri da màu tại South Carolina vốn có đóng góp quan trọng trong chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2020, hiện vẫn giữ vai trò đáng kể.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng về xung đột Israel-Hamas
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) trực thuộc Liên hợp quốc (LHQ) ngày 26/1 ra phán quyết yêu cầu Israel thực thi mọi biện pháp ngăn chặn các hành động diệt chủng tại Dải Gaza. Phán quyết cũng kêu gọi Israel khẩn trương có những bước đi nhằm cải thiện tình hình nhân đạo tại Gaza.
Phán quyết trên được đưa ra sau khi Nam Phi vào tháng 12/2023 đã đệ đơn lên ICJ kiện Israel vi phạm các nghĩa vụ trong Công ước LHQ về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng liên quan đến người Palestine tại Dải Gaza.
Cùng ngày 26/1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định nước này cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế. Nhà lãnh đạo này còn nhấn mạnh Israel sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cứu trợ nhân đạo và đảm bảo an toàn cho dân thường tại Gaza.
Về phần Nam Phi, nước này cảm ơn ICJ vì đã ra phán quyết nhanh chóng. Chính phủ Nam Phi cho biết họ chân thành hy vọng Israel sẽ không hành động cản trở việc áp dụng các lệnh của ICJ. Nam Phi nhận định phán quyết này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc tìm kiếm công lý cho người dân Palestine. Nam Phi khẳng định sẽ tiếp tục hành động trong khuôn khổ các tổ chức toàn cầu để bảo vệ quyền của người Palestine ở Dải Gaza.
Nhà ngoại giao hàng đầu của chính quyền Palestine, Riyad al-Maliki, đã hoan nghênh phán quyết của ICJ, đồng thời kêu gọi tất cả các nước đảm bảo rằng những biện pháp mà ICJ phán quyết cần phải được thực thi.
Phán quyết của ICJ đã nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế. Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Israel và lực lượng Hamas tại Dải Gaza ngay lập tức tuân thủ đầy đủ phán quyết của ICJ. Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng và tuân thủ phán quyết. Trên mạng xã hội, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ hy vọng phán quyết của ICJ sẽ giúp ngăn chặn thương vong trong dân thường tại Dải Gaza.
Trong một diễn biến khác, ngày 25/1, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi ngừng bắn và "giải pháp thực sự" cho cuộc xung đột ở Dải Gaza. Trước đó một ngày, Saudi Arabia đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhanh chóng để chấm dứt thảm kịch ở Gaza và triển khai các bước cụ thể nhằm tránh thương vong dân thường tại dải đất này.