Nóng trong tuần: Đức Giáo hoàng Francis qua đời; khủng bố đẫm máu tại Kashmir
Tuần vừa qua, truyền thông thế giới đã đưa đậm về thông tin Đức Giáo hoàng Francis qua đời, vụ tấn công khủng bố tại Kashmir, giá vàng nhiều biến động và Mỹ tích cực hối thúc Ukraine, Nga đạt được thỏa thuận.
Đức Giáo hoàng Francis qua đời

Thi hài của Đức Giáo hoàng được đưa đến Vương cung thánh đường Thánh Peter. Vatican Media/TTXVN
Vào sáng 26/4 nắng chan hòa, hàng chục nghìn người từ khắp nơi trên thế giới và nhiều phái đoàn, nguyên thủ quốc gia đã tề tựu tại Quảng trường St. Peter để dự lễ tang của Giáo hoàng Francis.
Trước đó, vào ngày 21/4, Tòa thánh Vatican cho biết Giáo hoàng Francis đã qua đời ở tuổi 88. Giáo hoàng Francis, sinh ra tại Argentina với tên Jorge Mario Bergoglio, là Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ Latinh và nổi bật với tinh thần cải cách, cam kết bảo vệ người nghèo và môi trường, cùng tầm nhìn về một Giáo hội gần gũi hơn. Giáo hoàng Francis đã qua đời chỉ 1 ngày sau khi xuất hiện trước công chúng tại lễ Phục Sinh.
Vatican đã công bố giấy chứng tử, trong đó cho biết Giáo hoàng Francis qua đời vì đột quỵ, dẫn đến hôn mê và suy tim không thể cứu chữa. Ngài trút hơi thở cuối cùng lúc 7 giờ 35 phút (giờ địa phương) tại căn hộ trong dinh thự Santa Marta thuộc Vatican.
Mặc dù Giáo hoàng Francis mong muốn có một lễ tiễn biệt đơn giản và tương đối kín đáo, nhưng những người được giao nhiệm vụ tổ chức và cử hành lễ tang cho Giáo hoàng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức về mặt hậu cần, công nghệ và an ninh. Vương cung thánh đường Thánh Peter và khu vực xung quanh được hơn 2.000 cảnh sát tuần tra từ ngày 23/4 cho đến khi kết thúc mật nghị, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng tới để bầu ra người kế nhiệm Giáo hoàng Francis.
Lễ tang ngày 26/4 sẽ kết thúc bằng việc rước quan tài của Giáo hoàng Francis từ Vương cung thánh đường Thánh Peter đến Vương cung Thánh đường Santa Maria Maggiore. Theo nguyện vọng cá nhân, Giáo hoàng Francis được chôn cất tại Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore ở Rome, chứ không phải tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican như nhiều Giáo hoàng tiền nhiệm gần đây.
CNN (Mỹ) dẫn thông báo từ Vatican cho biết, tổng cộng có 130 phái đoàn bao gồm các nguyên thủ quốc gia, cũng như thành viên hoàng gia của nhiều nước góp mặt tại lễ tang của Giáo hoàng Francis. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Keir Starmer, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nằm trong số các nhà lãnh đạo châu Âu tham dự. Ngoài ra còn có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Hoàng tử Anh William, Vua Felipe và Hoàng hậu Letizia của Tây Ban Nha... Hơn 4.000 nhà báo đã đăng ký đưa tin về sự kiện này.
Mỹ tích cực vận động Ukraine và Nga đi đến thỏa thuận

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN
Vào cuối tháng 4, khi gần đến ngày thứ 100 của nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia tăng áp lực lên Nga và Ukraine để hai nước này đưa cuộc xung đột kéo dài ba năm đến hồi kết.
BBC dẫn lời Tổng thống Trump ngày 25/4 cho biết Nga và Ukraine "đang rất gần với một thỏa thuận", chỉ vài giờ sau khi Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Steve Witkoff đến Moskva dự cuộc gặp thứ 4 cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tổng thống Trump đánh giá rằng đó là một "ngày đàm phán tốt đẹp". Trong khi đó, trợ lý Điện Kremlin Yuri Ushakov nhận định cuộc thảo luận kéo dài 3 giờ giữa hai bên đã diễn ra trong bầu không khí mang tính xây dựng và rất hữu ích.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong video vào tối 25/4 nhấn mạnh "cần có sức ép thực sự lên Nga" để buộc nước này chấp nhận một lệnh ngừng bắn vô điều kiện.
Moskva và Kiev đã không gặp gỡ trực tiếp kể từ những tuần đầu tiên Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Theo CNN, cần có thêm thảo luận trước bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp nào giữa hai quốc gia và điều này cũng có thể dẫn đến trì hoãn hoạt động ngoại giao mà Nhà Trắng hy vọng sẽ mang lại kết quả trong vài ngày.
Liên quan đến tuyên bố trước đó của Tổng thống Trump về việc Nga và Ukraine cần đạt được thỏa thuận trong tháng 4 này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 23/4 cho rằng việc đặt ra thời hạn là không hợp lý.
Ngày 24/4, phát biểu tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, Tổng thống Trump đánh giá việc đàm phán với Kiev khó khăn hơn đàm phán với Moskva. Cùng ngày, trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump viết: “Tôi không hài lòng với các cuộc tấn công nhằm vào Kiev". Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh những hành động này là không cần thiết và xảy ra "không đúng thời điểm”. Tổng thống Trump từng cảnh báo sẽ rút Mỹ khỏi đàm phán nếu như các bên không sớm đạt được tiến triển về một thỏa thuận tiềm năng.
Ngày 26/4, Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Zelensky đã có cuộc họp "rất hiệu quả" trước thềm lễ tang của Giáo hoàng Francis.
Trước thềm cuộc đàm phán giữa ông Witkoff và Tổng thống Putin, Tướng cấp cao của Nga Yaroslav Moskalik đã thiệt mạng trong vụ đánh bom xe ở Moskva. Điện Kremlin cáo buộc Ukraine phải chịu trách nhiệm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Có lý do để tin rằng các cơ quan đặc nhiệm Ukraine có liên quan đến vụ ám sát”. Kiev chưa đưa ra bình luận về vụ việc này.
Khủng bố đẫm máu tại Kashmir

Nhân viên y tế chuyển du khách bị thương sau vụ tấn công khủng bố tới bệnh viện tại Anantnag, khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, ngày 22/4. Ảnh: THX/TTXVN
Quan hệ Ấn Độ và Pakistan đang xấu đi sau vụ tấn công khủng bố khiến nhiều người thiệt mạng tại khu vực Kashmir, kéo theo hành động trả đũa lẫn nhau giữa hai quốc gia láng giềng.
Theo Al Jazeera, chiều 22/4 khi một nhóm du khách đang chiêm ngưỡng cảnh đẹp tại thảo nguyên Baisaran của thị trấn Pahalgam, Kashmir, thì bất ngờ bị nhiều tay súng từ khu rừng gần đó tấn công.
Các tay súng đã bắn chết 26 du khách, trong đó 24 người là khách du lịch Ấn Độ, 1 người đến từ Nepal và người còn lại là hướng dẫn viên du lịch địa phương. Ngoài ra, còn có 17 người khác bị thương.
Nhóm vũ trang ít tên tuổi Mặt trận Kháng chiến (TRF) sau đó tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công. Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết TRF xuất hiện vào năm 2019 và được coi là một nhánh của Lashkar-e-Taiba (LeT) tại Pakistan. Ấn Độ cáo buộc Pakistan ủng hộ nổi loạn vũ trang ở Kashmir. Tuy nhiên, Pakistan đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc này. Pakistan khẳng định chỉ hỗ trợ ngoại giao và tinh thần cho người dân Kashmir. Pakistan cũng lên án vụ tấn công vào khách du lịch ở Kashmir. Tháng 1/2023, chính phủ Ấn Độ tuyên bố TRF là một “tổ chức khủng bố”.
Ngày 26/4, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif kêu gọi mở một "cuộc điều tra trung lập" về vụ tấn công khủng bố tại Kashmir. Trước đó, Ấn Độ cáo buộc Pakistan có liên quan vụ việc sau khi cảnh sát nước này công bố 3 phần tử tình nghi, trong đó có 2 người Pakistan. Phía Pakistan bác bỏ cáo buộc và khẳng định sẵn sàng hợp tác điều tra quốc tế về vụ việc.
Ấn Độ đã tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao với Pakistan, đình chỉ Hiệp ước nước sông Ấn, trục xuất các tùy viên quân sự Pakistan, đóng cửa cửa khẩu biên giới Attari – một trong những tuyến giao thương then chốt giữa hai nước – và hủy bỏ thị thực SAARC đã cấp cho công dân Pakistan. Chương trình miễn thị thực của SAARC (Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á) là sáng kiến đặc biệt của khu vực tạo điều kiện để công dân từ các quốc gia thành viên đi lại trong khu vực SAARC mà không cần thị thực truyền thống.
Đáp trả, Pakistan tuyên bố đóng cửa biên giới với Ấn Độ, ngừng mọi hoạt động thương mại song phương và đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không do Ấn Độ sở hữu hoặc điều hành. Islamabad cũng phản đối việc New Delhi đình chỉ Hiệp ước nước sông Ấn được ký từ năm 1960 - vốn được coi là biểu tượng hiếm hoi của sự hợp tác song phương giữa hai nước và yêu cầu các tùy viên quốc phòng, hải quân, không quân Ấn Độ rời khỏi Pakistan ngay lập tức. Ngoài ra, thị thực đã cấp cho công dân Ấn Độ cũng bị hủy bỏ, ngoại trừ những người hành hương Ấn Độ viếng thăm đền thờ đạo Sikh tại Pakistan.
Ngày 25/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm cách xoa dịu lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng, cho rằng mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Pakistan "sẽ được giải quyết theo cách này hoặc cách khác". Trong khi đó, Saudi Arabia cũng đã vào cuộc làm trung gian hòa giải.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cũng ra tuyên bố chính thức lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố, đồng thời kêu gọi truy cứu trách nhiệm và hợp tác quốc tế để đưa thủ phạm ra trước công lý.
Bất đồng tại khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan bùng phát từ năm 1947 khi hai quốc gia này giành độc lập từ Anh. Ấn Độ và Pakistan đều kiểm soát một số phần của Kashmir nhưng cùng tuyên bố chủ quyền toàn bộ khu vực này. Từ năm 1947 đến nay, giữa Ấn Độ và Pakistan đã xảy ra 3 cuộc chiến liên quan đến Kashmir.
Tuần biến động của giá vàng

Trang sức vàng được bày bán tại tiệm kim hoàn ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: THX/TTXVN
Giá vàng giảm mạnh vào ngày 25/4, khép lại tuần giao dịch đầy biến động trước những dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại toàn cầu có thể đang dịu đi.
Vào lúc 0 giờ 39 phút sáng ngày 26/4 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 1,7% xuống 3.292,99 USD/ounce. Trong phiên này, đã có thời điểm giá vàng giảm tới 2%.
Trước đó, giá vàng đã giảm mạnh từ mức cao kỷ lục 3.500 USD/ounce của ngày 22/4. Trong phiên giao dịch ngày 23/4, vàng giảm hơn 3% khi nhu cầu đối với các tài sản rủi ro tăng lên. Sự đảo chiều diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ không sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đồng thời cũng báo hiệu tiến triển về vấn đề thuế quan với Trung Quốc.
Tính chung tuần này, giá vàng giảm 1,2%. Giá vàng giảm trong bối cảnh có thông tin về căng thẳng thương mại đang hạ nhiệt giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như những tín hiệu của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy một số thỏa thuận thương mại đang được tiến hành.
Chiến lược gia Yuxuan Tang tại JPMorgan cho biết thông tin về khả năng miễn trừ một phần thuế quan đối ứng khiến vàng giảm xuống dưới mức 3.300 USD. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng kể từ năm 2022, mỗi khi giá vàng điều chỉnh giảm, lực mua lập tức xuất hiện.
Kể từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng 25%. Đầu tuần này, các nhà phân tích tại JPMorgan cho biết họ dự đoán giá vàng sẽ đạt 4.000 USD/ounce vào năm tới. Trước khi đạt được cột mốc đó, ngân hàng này dự kiến giá vàng trung bình là 3.675 USD/ounce vào năm 2025.