Nóng trong tuần: Nâng tầm giáo dục vùng Đồng bằng sông Hồng
Hội nghị phát triển GD-ĐT vùng Đồng bằng sông Hồng, rà soát công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT... là thông tin giáo dục nổi bật tuần qua.
Trao đổi giải pháp phát triển GD-ĐT đồng bằng sông Hồng
Ngày 14/6, tại Nam Định, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Đồng bằng sông Hồng là trung tâm hàng đầu về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ với đội ngũ trí thức giỏi và đông đảo lực lượng lao động có chất lượng cao; là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu có uy tín. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo đạt 37% (cao nhất cả nước).
Chỉ ra những hạn chế, tồn tại của giáo dục vùng Đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng nhấn mạnh một số vấn đề cần ưu tiên xử lý ngay để giáo dục vùng Đồng bằng sông Hồng tiếp tục là mẫu mực và mẫu mực trên một tầm vóc mới của giáo dục; trong đó, lưu ý các từ khóa: Hiện đại hóa, chuẩn hóa, hợp lý hóa, xã hội hóa, quốc tế hóa, số hóa, văn hóa hóa.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới một số nhiệm vụ cụ thể khác như chuẩn bị kỹ lưỡng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; phát huy lợi thế của một vùng tập trung cao và đa đạng các trường đại học, trong đó có những trường đại học hàng đầu, để giải bài toán nhân lực và tạo con đường xây dựng xã hội học tập cho vùng đất hiếu học, thích học và học có chất lượng nhất cả nước.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình phát triển GD-ĐT vùng Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2011 – 2022 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển GD-DT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đại diện các địa phương, ngành Giáo dục, cơ sở giáo dục ĐH vùng Đồng bằng sông Hồng chia sẻ kết quả giáo dục đạt được, nhận diện khó khăn, thách thức; đưa đề xuất và trao đổi giải pháp phát triển GD-ĐT đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.
Rà soát công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT
Tuần qua, các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã làm việc trực tiếp tại một số địa phương về công tác chuẩn bị Kỳ thi.
Theo đó, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn làm trưởng đoàn đã làm việc tại Hồ Chí Minh, Nam Định, Hà Nội.
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn làm trưởng đoàn đã làm việc tại Quảng Ninh, Bắc Giang.
Bộ GD&ĐT cũng tổ chức Hội nghị về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh một trong những khâu quan trọng quyết định thành công của Kỳ thi là công tác chuẩn bị toàn diện, mọi mặt các điều kiện. Địa phương cần tiếp tục rà soát các công tác chuẩn bị, đặc biệt là công tác phối hợp chuyên môn giữa các cấp, ngành; lưu ý khâu tập huấn đối với cán bộ làm thi...
Bộ trưởng cũng lưu ý đến công tác an ninh, an toàn như phòng chống gian lận công nghệ cao; phân luồng về giao thông, tránh ùn tắc trong những ngày diễn ra Kỳ thi; đảm bảo an ninh trật tự tại phía ngoài các điểm thi; nguy cơ mưa to, gây ngập úng trong thời điểm diễn ra Kỳ thi...
Đối với học sinh, Bộ trưởng mong muốn địa phương tiếp tục có những quan tâm, hỗ trợ bởi đây là những học sinh chịu thiệt thòi do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các nhà trường tận dụng thời gian còn lại để hỗ trợ cho học sinh, nhất là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, có học lực chưa thật yên tâm, ôn luyện để các em thi tốt nhất.
Làm việc với Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, đã chỉ ra những thuận lợi và khó khăn trong tổ chức Kỳ thi năm nay. Quán triệt chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ý kiến Ban chỉ đạo, Thứ trưởng đề nghị Ban chỉ đạo cấp quốc gia, Ban chỉ đạo cấp tỉnh cần quán triệt nhận thức về Kỳ thi, bảo đảm các yếu tố nghiêm túc, công bằng, khách quan, an toàn, đúng quy chế.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nhắc lại lưu ý “4 đúng”, “3 không”. Theo đó, “4 đúng” là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là: không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.
Làm việc với địa phương, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý công tác an toàn, bảo mật đề thi, bài thi. Đối với đề thi, việc bảo mật phải đặt lên hàng đầu, tuyệt đối và bất cứ chi tiết nào của đề thi bị phát tán cũng gây ảnh hưởng rất lớn. Về công tác an ninh, an toàn trong cả kỳ thi Thứ trưởng yêu cầu phải rà soát, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo theo đúng quy trình, quy chế, công bằng, minh bạch của kỳ thi.
Bãi bỏ một số thông tư giáo dục
Tuần qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã ký ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT “Bãi bỏ Thông tư số 23/2014/ TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học” (Thông tư 23).
Thông tư 11 có hiệu lực kể từ 1/12/2023. Các khóa đã tuyển sinh Chương trình đào tạo chất lượng cao theo Thông tư số 23 (trước thời điểm này) được tiếp tục thực hiện cho đến hết khóa học.
Việc bãi bỏ này nhằm thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi (2018). Luật cho phép các trường đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình. Tuy nhiên, trong Luật và Thông tư số 17 năm 2021 quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học không có khái niệm “chương trình đào tạo chất lượng cao”.
Ngoài ra, từ ngày 31/7/2023, Bộ GD&ĐT sẽ bãi bỏ toàn bộ một số thông tư do Bộ GD&ĐT ban hành trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể:
Thông tư số 28/2014/TT-BGDĐT ngày 26/8/2014 quy định về việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục.
Thông tư số 10/2014/TT-BGDĐT ngày 11/4/2014 ban hành Quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài.
Thông tư số 34/2017/TT-BGDĐT ngày 25/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài ban hành kèm theo Thông Thông tư số 10/2014/TT-BGDĐT ngày 11/4/2014 của Bộ GD&ĐT.
Việt Nam thắng lớn kỳ thi Hóa học quốc tế
Tuần qua, 8/8 học sinh Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Abu Reikhan Beruniy lần thứ nhất đều giành huy chương. Với 4 huy chương Vàng và 4 huy chương Bạc, Việt Nam được xếp thứ nhất toàn đoàn trong số 15 quốc gia tham dự.
Cụ thể, 4 huy chương Vàng thuộc về các học sinh: Đỗ Phú Quốc, Trường THPT Chuyên Lê Thánh Tông, Quảng Nam; Nguyễn Nguyên Hải, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An; Lê Quang Trường, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An; Nguyễn Hữu Tiến Hưng, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, Bắc Ninh.
4 huy chương Bạc thuộc về các học sinh: Trương Bảo Ngọc, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, Tỉnh Bắc Ninh; Hoàng Tiến Cường, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định; Trần Đức Anh, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự Nhiên, Hà Nội; Giáp Vũ Sơn Hà, Trường THPT Chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Trong tuần qua, nhiều địa phương đã công bố điểm chuẩn Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023 – 2024 như Hưng Yên, Ninh Bình, Nghệ An, Phú Yên, Cần Thơ, Đồng Nai, Quảng Bình, Bắc Ninh...