Nóng trong tuần: Sửa đổi quy chế tuyển sinh ĐH; Đại hội Hội Cựu giáo chức
Sửa đổi Quy chế tuyển sinh ĐH; Đại hội lần thứ V Hội Cựu giáo chức Việt Nam là 2 trong số các thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.
Sửa đổi Quy chế tuyển sinh ĐH
Những dự kiến sửa đổi về Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành Giáo dục Mầm non là vấn đề giáo dục được dư luận quan tâm trong tuần qua.
Một trong những điểm sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Quy chế là chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo.
Việc đưa ra giới hạn 20% được căn cứ tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua, để việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT. Điều quan trọng nhất là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12.
Một điểm sửa đổi đáng chú ý khác là điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.
Dự thảo cũng quy định cách thức quy đổi để bảo đảm cơ hội cho mọi thí sinh có thể đạt mức điểm tối đa của thang điểm chung nhưng không có thí sinh nào có điểm xét vượt mức điểm tối đa này. Các cơ sở đào tạo sẽ phải nghiên cứu để quy định lại việc cộng điểm các chứng chỉ ngoại ngữ và các điểm cộng ưu tiên khác, qua đó hạn chế việc lạm dụng gây bất công bằng giữa các thí sinh có điều kiện đầu tư cho học tập khác nhau.
Với những điểm mới dự kiến được sửa đổi, bổ sung, tất cả thí sinh dự tuyển vào một ngành đào tạo sẽ được xét tuyển một cách công bằng dựa trên một thang điểm chung và một điểm chuẩn trúng tuyển chung, cơ hội trúng tuyển của những thí sinh có năng lực thực sự sẽ tăng lên và chất lượng đầu vào của các trường cũng tăng theo.
Các trường vẫn có cơ hội xét tuyển sớm để chủ động cạnh tranh tuyển được những thí sinh giỏi nhất, đồng thời các em có năng lực tốt nhất cũng vẫn có cơ hội trúng tuyển sớm để chủ động quyết định lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.
Đối với thí sinh, dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GDĐT, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau đã và đang chuẩn bị. Như vậy, các thí sinh có điểm IELTS, ACT/SAT, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... không bị ảnh hưởng.
Những quy định chặt chẽ hơn trong xét tuyển sớm, quy định nếu sử dụng học bạ để xét tuyển thì cần có kết quả học tập của cả năm lớp 12, quy định thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe và sư phạm… đều hướng tới bảo đảm công bằng cho các thí sinh ứng tuyển. Đồng thời, các quy định này giúp học sinh lớp 12 tập trung học tập và hoàn thành chương trình, chuẩn bị vững kiến thức, năng lực, phẩm chất, tiếp tục học tập ở những bậc cao hơn.
Dự thảo Thông tư hiện đang được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ GD&ĐT để lấy ý kiến rộng rãi xã hội. Trên cơ sở ý kiến góp ý, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu, hoàn thiện và dự kiến ban hành trong tháng 1/2025.
Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2025 Hội Cựu giáo chức Việt Nam
Sáng 27/11, tại Hà Nội, Hội Cựu giáo chức Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2029 và kỷ niệm 20 năm thành lập Hội.
Dự Đại hội có nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng; Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và các cựu giáo chức trên cả nước.
Ghi nhận kết quả Hội Cựu giáo chức đạt được trong 20 năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Hơn 10 năm triển khai đổi mới căn bản, toàn diện, ngành GD-ĐT đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Có được kết quả đó là nhờ nỗ lực từ Trung ương tới địa phương, của cả hệ thống chính trị, của toàn ngành Giáo dục, trong đó có đóng góp của các cựu giáo chức, của Hội Cựu giáo chức cả nước.
Thời gian qua, Hội đã có những hoạt động đặc trưng, phong phú, đa dạng trên nhiều mặt. Nổi bật là việc xây dựng các phong trào thi đua, nêu gương nhà giáo, giáo dục truyền thống nhà giáo và ngành Giáo dục; tham gia hoạt động khoa học, tổ chức hội thảo góp ý nhận xét, đánh giá chương trình và sách giáo khoa phổ thông; tham gia các hoạt động xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; là lực lượng nòng cốt trong Hội khuyến học, giảng dạy tại các trung tâm học tập cộng đồng; phối hợp với cơ quan chức năng hiện chính sách đối với cựu giáo chức; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các nhà giáo, đặc biệt là các nhà giáo đã nghỉ hưu.
Hội đã tập hợp kinh nghiệm, trí tuệ của nhà giáo về hưu tham gia đóng góp điều tra khảo sát việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW sau 10 năm thực hiện; tổ chức các hội thảo đóng góp giải pháp thích ứng, sáng tạo giáo dục sau Covid-19; tích cực đóng góp trong quá trình xây dựng các Luật: Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật sửa đổi một số Điều của Luật Giáo dục ĐH...
Ngành Giáo dục đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, sâu rộng, mang tính cách mạng, nhiều cái mới xuất hiện. Bộ trưởng mong mỏi các cựu giáo chức tiếp tục tích cực tìm hiểu, cập nhật những cái mới trong giáo dục; từ đó có những ý kiến đóng góp, phản biện hiệu quả cho ngành Giáo dục. Mong trong nhiệm vụ chính và quan trọng của lãnh đạo Hội Cựu giáo chức thời gian tới là cung cấp thông tin, trao đổi thông tin, tìm hiểu, cập nhật, tập hợp, giải đáp ý kiến, truyền đạt ý kiến góp ý và thắc mắc về Bộ GD&ĐT và các cơ quan quản lý giáo dục.
Bộ trưởng cũng mong muốn các cựu giáo chức tiếp tục tích cực tham gia vào việc xây dựng xã hội học tập, nòng cốt trong phong trào khuyến học, là những tấm gương cho việc học tập suốt đời...; phát huy tinh thần “học không biết chán, dạy người không biết mỏi” phù hợp với sức khỏe, điều kiện và môi trường. Cùng với đó, lưu tâm tìm hiểu và hưởng ứng phong trào “bình dân học vụ số”, xóa “mù số” mà ngành Giáo dục sẽ triển khai trong thời gian tới đây.
“Không phải cứ tới trường, lên lớp, trực tiếp dạy học trò mới là làm giáo dục. Hoạt động giáo dục cần ở khắp nơi, mọi lúc, mọi đối tượng. Đây cũng là hoạt động mà số đông quý thầy cô cựu giáo chức có thể tham gia. Tôi cũng đề nghị Hội nhiệm kỳ tới coi đây là trọng tâm của hoạt động”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Hội Cựu giáo chức Việt Nam trong phạm vi điều kiện cho phép; thường xuyên trao đổi, lắng nghe ý kiến từ phía Hội; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với Hội, tranh thủ trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm toàn bộ Hội Cựu giáo chức trong cả nước.
Ngành Giáo dục sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét có thêm các chính sách để các thầy cô cựu giáo chức có thể tham gia nhiều hơn vào hoạt động giáo dục tùy theo tình hình sức khỏe và sự lựa chọn cá nhân của mình. Ngay trong dự thảo Luật Nhà giáo đang trình Quốc hội, Bộ GD&ĐT cũng đang đề xuất tuổi nghỉ hưu cao hơn với một số nhóm đối tượng nhà giáo.
Tại Đại hội, Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã bầu Ban chấp hành Trung ương Hội, lãnh đạo chủ chốt Trung ương Hội; trong đó nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý được bầu là Chủ tịch Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam nhiệm kỳ V (2024-2029).
Tổ chức nhiều hoạt động tập huấn quy mô toàn quốc
Trong ngày 26/11, ba hội nghị, hội thảo tập huấn quy mô toàn quốc được Bộ GD&ĐT tổ chức, hoặc cùng phối hợp tổ chức, gồm: tập huấn về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục cho các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ sư phạm; tập huấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; huấn công tác quốc phòng, quân sự, phòng chống khủng bố và phòng thủ dân sự năm 2024.
Ngày 28/11, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn triển khai thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ của ngành Giáo dục năm 2024. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hội thảo tập huấn về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục cho các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ sư phạm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp tuyến tại điểm cầu Bộ GD&ĐT và khoảng 300 điểm cầu từ các cơ sở giáo dục ĐH, trường CĐ sư phạm, các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước với tổng số hơn 2.000 đại biểu tham dự.
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và đánh giá chương trình đào tạo đạt chuẩn đầu ra giữa chuyên gia nước ngoài, trong nước với cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam. Qua thảo luận chia sẻ, cơ sở giáo dục căn cứ vào tình hình thực tiễn của trường mình để có thể tham khảo trong hoạt động bảo đảm và cải tiến chất lượng chương trình đào tạo, đặc biệt là đánh giá chương trình đào tạo đạt chuẩn đầu ra.
Hội nghị “Tập huấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” được thực hiện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối tới hơn 800 điểm cầu trên cả nước với đại diện các sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục và hơn 8.000 cán bộ, giáo viên trên toàn quốc tham dự.
Tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của an toàn thông tin trong giáo dục. Nội dung tập huấn tập trung vào việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo mật thông tin nhà trường, đồng thời tạo môi trường học tập và vui chơi an toàn cho trẻ em và học sinh.
Tại hội nghị, đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã báo cáo chuyên đề "bảo vệ trẻ em trên không gian mạng: Nhận diện nguy cơ và biện pháp phòng ngừa". TS Lê Hoàn, Giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Điện lực trình bày chuyên đề “giải pháp nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trong lĩnh vực giáo dục”.
Tập huấn công tác quốc phòng, quân sự; phòng chống khủng bố và phòng thủ dân sự năm 2024 diễn ra từ ngày 26-29/11. Học viên được các báo cáo viên cập nhật một số nội dung cơ bản của Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; thông tin về tình hình an ninh thế giới, khu vực và trong nước liên quan đến công tác quốc phòng, quân sự; hướng dẫn xây dựng kế hoạch, văn kiện sẵn sàng chiến đấu của Ban chỉ huy quân sự các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT; giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Phòng thủ dân sự; công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền trong tình hình hiện nay.
Ngoài ra, các học viên còn được trang bị kiến thức về tình hình, nguy cơ và hậu quả của khủng bố; các phương pháp, thủ đoạn và tác động của khủng bố; biện pháp, kinh nghiệm và chính sách pháp luật liên quan đến phòng, chống khủng bố; các âm mưu, thủ đoạn khủng bố mạng và các hình thức tấn công trên không gian mạng có thể xảy ra trong cơ quan, đơn vị nhà trường; biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý khủng bố…
Tại hội nghị tập huấn triển khai thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ của ngành Giáo dục năm 2024, các đại biểu được tập huấn, trao đổi theo 2 chuyên đề: Phát hiện, tổng hợp, lập quy trình theo dõi sinh viên thuộc diện thu hút tại các cơ sở giáo dục đại học theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Giới thiệu về hệ thống cơ sở dữ liệu và hướng dẫn quy trình nhập, quản lý dữ liệu về sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP.
Thông qua tập huấn để các đơn vị, cán bộ hiểu rõ hơn về nội dung, ý nghĩa, và mục tiêu của chính sách tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ nhằm thu hút những người có trình độ cao, trong đó có sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; đồng thời, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp thực tiễn trong triển khai chính sách, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong quá trình tổ chức thực hiện.