Nóng trong tuần: Thảm họa động đất tại Myanmar; thuế quan của Tổng thống Trump lại 'nóng'

Tuần vừa qua, truyền thông thế giới đã tập trung đăng tải thông tin liên quan đến động đất tại Myanmar, các mức thuế quan mới Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố, cháy rừng nghiêm trọng tại Hàn Quốc...

Động đất khiến Myanmar và nhiều nước lân cận rung chuyển

Các tòa nhà bị phá hủy sau trận động đất tại Mandalay, Myanmar. Ảnh: THX/TTXVN

Các tòa nhà bị phá hủy sau trận động đất tại Mandalay, Myanmar. Ảnh: THX/TTXVN

“Chúng ta không thể dự đoán được động đất”, giáo sư về hưu Bill McGuire của Đại học College London (Anh) khẳng định với tờ Guardian. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trận động đất độ lớn 7,7 tại Myanmar đã dẫn đến thiệt hại lớn về người và của. Hơn nữa, trận động đất này cũng kéo theo hoảng sợ lan rộng ở nhiều quốc gia lân cận, nơi người dân cũng cảm nhận được những chấn động mạnh mẽ.

Theo thống kê mới nhất của chính quyền quân sự Myanmar, tính đến trưa 29/3, số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất độ lớn 7,7 lên tới ít nhất 1.002 người, và có ít nhất 2.376 người bị thương.

Kênh CNN (Mỹ) ngày 28/3 dẫn thông báo của USGS cho biết trận động đất vào 12 giờ 50 phút chiều cùng ngày (giờ địa phương) và có độ sâu chấn tiêu 10km, với tâm chấn gần thành phố Mandalay.

Theo USGS, động đất đã làm rung chuyển Myanmar cùng nhiều nước lân cận như Thái Lan, Lào và Trung Quốc…

Chiều 28/3, chính quyền quân sự Myanmar đã kêu gọi viện trợ nhân đạo quốc tế và ban bố tình trạng khẩn cấp tại 6 khu vực.

Trong bối cảnh Myanmar đang khẩn trương tiến hành nỗ lực khắc phục hậu quả trận động đất, chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát và chữa trị cho các nạn nhân bị thương, nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đã điều động lực lượng cứu hộ đến hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á này.

Theo chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga đã điều động hai máy bay chở theo đội cứu hộ và y bác sĩ gồm 120 người đến Myanmar. Ấn Độ đã điều một máy bay vận tải quân sự C-130 chở đội ngũ tìm kiếm cứu nạn và y tế, mang theo nhiều nhu yếu phẩm đến Myanmar. Sáng 29/3, một đội cứu hộ 37 người từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cũng đã có mặt tại Yangon, mang theo thiết bị y tế và máy dò dấu hiệu sự sống.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cam kết hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả thảm họa. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố sẽ viện trợ cho Myanmar sau khi có cuộc thảo luận với các quan chức nước này.

Tòa nhà bị sập do động đất tại Bangkok, Thái Lan, ngày 28/3. Ảnh: Straits Times/TTXVN

Tòa nhà bị sập do động đất tại Bangkok, Thái Lan, ngày 28/3. Ảnh: Straits Times/TTXVN

Trận động đất có tâm chấn gần thành phố Mandalay (Myanmar) đã gây ra tàn phá khủng khiếp, lan rộng đến tận thủ đô Bangkok của Thái Lan, cách đó khoảng 1.300 km. Chính quyền thủ đô Bangkok đã ban bố "khu vực thảm họa" sau khi hứng chịu các thiệt hại nghiêm trọng do dư chấn động đất từ nước láng giềng gây ra. Đặc biệt, công trình xây dựng tòa nhà Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (SAO) 30 tầng tại quận Chatuchak đã sụp đổ hoàn toàn trong trận động đất. Lực lượng cứu hộ Thái Lan đã phát hiện dấu hiệu sự sống của 15 công nhân. Hơn 100 công nhân được cho vẫn đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt khẳng định sẽ không bỏ cuộc và sẽ huy động mọi nguồn lực để tìm kiếm nạn nhân.

Theo kênh Aljazeera, động đất xảy ra khi những mảng đá khổng lồ tạo nên lớp vỏ Trái Đất, được gọi là các mảng kiến tạo, di chuyển chèn ép lẫn nhau. USGS nhận xét, trận động đất tại Myanmar xảy ra do đứt gãy trượt ngang giữa các mảng Ấn Độ và Á-Âu, nghĩa là hai mảng kiến tạo này cọ xát ngang với nhau.

Trận động đất tại Myanmar hôm 28/3 xảy ra ở độ sâu tương đối nông, chỉ 10 km. Và ông Ian Watkinson tại Đại học London (Anh) đánh giá rằng các trận động đất nông có thể gây ra nhiều thiệt hại, bởi năng lượng địa chấn không bị phân tán nhiều ở thời điểm tác động đến bề mặt.

Trong khi một số khu vực “điểm nóng” về động đất trên thế giới, bao gồm California (Mỹ) và Nhật Bản, đều ban hành quy định xây dựng để chống chọi với động đất, thì cơ sở hạ tầng ở khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất ngày 28/3 lại ít được trang bị hơn.

Theo ông Watkinson, Myanmar đã trải qua tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, với bùng nổ trong xây dựng các tòa nhà cao tầng bằng bê tông cốt thép. Ông cũng tin rằng trận động đất tại Myanmar có thể tạo ra mức độ tàn phá tương đương với trận động đất độ lớn 7,8 vào năm 2023 ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau trận động đất xảy ra chiều 28/3 tại Myanmar, các chuyên gia dự báo rằng dư chấn sẽ kéo dài trong nhiều tháng tới. Các dư chấn này là hậu quả của những thay đổi áp lực trong lòng đất sau cú sốc chính.

Thuế quan của Tổng thống Trump lại trở thành từ khóa "nóng"

Ô tô nhập khẩu tại cảng Long Beach, California (Mỹ). Ảnh: Getty Images/TTXVN

Ô tô nhập khẩu tại cảng Long Beach, California (Mỹ). Ảnh: Getty Images/TTXVN

Trong tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục “gây sóng gió” trên thị trường khi công bố các mức thuế mới, tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng.

Vào đầu tuần, ngày 24/3, Tổng thống Trump “mở màn” bằng tuyên bố rằng bất kỳ quốc gia nào mua dầu hoặc khí đốt từ Venezuela sẽ phải đối mặt với mức thuế quan 25% trong giao dịch thương mại với Mỹ. Điều này có thể có hiệu lực sớm nhất từ ngày 2/4. Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump khẳng định quyết định này được đưa ra dựa trên "nhiều lý do", trong đó có việc Venezuela chưa xử lý được tình trạng người di cư trái phép vào Mỹ. Ngay lập tức, trong phiên giao dịch ngày 24/3, giá dầu thô thế giới tăng 1%.

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho rằng cách tiếp cận mới lạ này bổ sung vào danh sách ngày càng dài các chiêu thức Tổng thống Trump triển khai, dựa trên nỗ lực sử dụng sức mạnh kinh tế của Mỹ làm đòn bẩy để đạt được mục tiêu chính sách đối ngoại và đối nội.

Trước động thái trên, Chính phủ Venezuela đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về biện pháp mới của Mỹ, cho rằng điều này gây ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Bloomberg đánh giá diễn biến này có thể bóp nghẹt hoạt động thương mại dầu mỏ của Venezuela với các quốc gia khác. Trung Quốc hiện là khách mua dầu lớn nhất của Venezuela.

Tiếp đó, đến giữa tuần, ông chủ Nhà Trắng thứ 47 khiến ngành sản xuất ô tô toàn cầu trải qua "cơn địa chấn" sau khi ông tuyên bố áp đặt mức thuế quan 25% đối với tất cả các phương tiện và phụ tùng ô tô nhập khẩu Mỹ. Nhà Trắng cho biết mức thuế quan 25% đối với phụ tùng ô tô nhập khẩu sẽ có hiệu lực muộn nhất vào ngày 3/5 tới.

Ngay sau thông tin này, cổ phiếu của hàng loạt hãng sản xuất ô tô đều theo chiều hướng xuống dốc. Ngày 27/3, cổ phiếu của Toyota giảm 2%, Honda giảm 2,5%, Nissan giảm 1,7%, Mitsubishi giảm hơn 3%, Mazda giảm 6% và Subaru giảm 5%. Tại thị trường Seoul (Hàn Quốc), Hyundai giảm hơn 4%. Ở Ấn Độ, cổ phiếu của công ty Tata Motors cũng giảm hơn 5%. Tại Phố Wall, cổ phiếu General Motors giảm 7,4%, Ford mất 3,9%.Trong khi đó, ở châu Âu, Volkswagen giảm 1,3%, Mercedes mất 2,7% và BMW giảm 2,5%.

Theo số liệu từ công ty nghiên cứu GlobalData, gần 50% số xe bán ra tại Mỹ trong năm 2024 là xe nhập khẩu. Điều này cho thấy mức độ phụ thuộc lớn của thị trường Mỹ vào nguồn cung từ nước ngoài. Các chuyên gia ngành công nghiệp ô tô dự đoán động thái trên sẽ đẩy giá thành ô tô lên cao và tác động đến sản xuất trong ngành này.

Ngày 28/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sẵn sàng thỏa thuận với các nước về thuế đối ứng nếu như Washington “có được gì đó” sau các cuộc đàm phán.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết thêm sẽ sớm công bố thuế quan đối với dược phẩm với lý do cần đưa lĩnh vực dược phẩm và thuốc “trở lại nước Mỹ” và chính phủ đang tính toán mức thuế hợp lý vì mục tiêu này.

Israel không kích cả Liban, Gaza, Syria

Tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel tại Beirut, Liban, ngày 28/3. Ảnh: THX/TTXVN

Tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel tại Beirut, Liban, ngày 28/3. Ảnh: THX/TTXVN

Tuần vừa qua, chiến đấu cơ Israel đã oanh tạc nhiều mục tiêu tại ba địa điểm là Gaza, Liban và Syria.

Ngày 28/3, quân đội Israel không kích thủ đô của Liban, lần đầu tiên kể từ khi giữa quân đội Israel và Hezbollah đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 11/2024. Theo Aljazeera, người dân đã tháo chạy khi một tòa nhà bị san phẳng ở khu phố Hadath ở vùng ngoại ô phía Nam Beirut, thời điểm Israel thực hiện 4 cuộc không kích. Quân đội Israel cho biết mục tiêu của động thái này là cơ sở lưu trữ thiết bị bay không người lái của Hezbollah.

Israel đã phát động cuộc tấn công sau khi có tên lửa từ Liban phóng về phía lãnh thổ Israel, đây là vụ việc thứ 2 như vậy trong tuần qua. Về phần mình, Hezbollah phủ nhận liên quan đến cả hai lần phóng tên lửa này và cũng không có lực lượng nào khác nhận trách nhiệm.

Thủ tướng Nawaf Salam đã yêu cầu quân đội Liban nhanh chóng xác định và bắt giữ những người chịu trách nhiệm về vụ phóng tên lửa đồng thời nhận định rằng hành động này “đe dọa đến ổn định và an ninh của Liban”.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz tuyên bố chính phủ Liban phải chịu trách nhiệm trực tiếp về vụ phóng tên lửa và chừng nào miền Bắc Israel còn chưa yên bình thì “Beirut cũng sẽ không yên ổn”.

Ngày 28/3, Thủ tướng Liban Nawaf Salam đã lên án vụ không kích của Israel ở vùng ngoại ô phía Nam Beirut trước đó cùng ngày, gọi đây là "sự leo thang nguy hiểm". Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án vụ không kích của Israel là hành động "không thể chấp nhận" và vi phạm lệnh ngừng bắn đạt được vào tháng 11 năm ngoái.

Những tòa nhà tại Shuja'iyya, Dải Gaza bị trúng pháo kích của Israel ngày 23/3. Ảnh: THX/TTXVN

Những tòa nhà tại Shuja'iyya, Dải Gaza bị trúng pháo kích của Israel ngày 23/3. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày 28/3, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết họ đã thực hiện 25 cuộc không kích trên khắp Gaza, nhắm vào các hoạt động và cơ sở hạ tầng của Hamas và các nhóm “khủng bố” khác.

Theo cơ quan y tế Gaza, ít nhất 921 người Palestine đã thiệt mạng và 2.054 người khác bị thương trong làn sóng tấn công mới nhất của Israel trên khắp dải đất này kể từ 18/3. Israel tuyên bố họ làm như vậy để buộc Hamas thả con tin còn lại ở Gaza. Theo chính phủ Israel, hiện còn khoảng 59 con tin Israel ở Gaza. Israel còn cáo buộc Hamas đang tái vũ trang và lên kế hoạch cho một cuộc tấn công mới.

Về phần mình, Hamas khẳng định Israel vi phạm lệnh ngừng bắn và tiếp tục gây thương vong.

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Syria ngày 25/3 cho biết, Israel không kích vào mục tiêu ở phía Tây Nam nước này. Hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn lời người phát ngôn quân đội Israel Avichay Adraee xác nhận quân đội đã bắn trả những tay súng tấn công họ, trước khi tiến hành một cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái. Bộ Ngoại giao Syria cho biết có 6 người dân thường thiệt mạng trong vụ việc.

Kể từ khi Syria thay đổi chính quyền hồi tháng 12/2024, quân đội Israel tiến hành tấn công các cơ sở quân sự của quân đội Syria trước đây. Các cuộc tấn công hàng loạt nhằm vào các kho vũ khí, sân bay quân sự và hệ thống phòng không trên khắp Syria. Israel lý giải hành động này bắt nguồn từ lo ngại rằng vũ khí quân đội Syria có thể rơi vào tay các thế lực thù địch đe dọa Tel Aviv. Tháng 12/2024, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhấn mạnh Israel sẽ tìm cách thiết lập quan hệ với chính quyền mới tại Syria, nhưng cũng không ngần ngại tấn công đáp trả nếu có nguy hiểm với Tel Aviv.

Cháy rừng tàn khốc tại Hàn Quốc

Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng tại Cheongsong, tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc, ngày 27/3. Ảnh: THX/TTXVN

Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng tại Cheongsong, tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc, ngày 27/3. Ảnh: THX/TTXVN

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin, khoảng 48.000 ha rừng, tương đương với 80% diện tích của Seoul, đã bị thiêu rụi trong thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất từ trước đến nay ở Hàn Quốc.

Các đám cháy rừng ở Đông Nam nước này đã bùng phát trở lại trong đêm 29/3. Theo Trụ sở Phòng chống Thảm họa và An toàn Trung ương Hàn Quốc, số người thiệt mạng bởi cháy rừng đã lên tới 30 trường hợp, tính đến ngày 29/3, cùng với 40 người bị thương. Cơ quan này cho biết 6.885 người từ 4.193 hộ gia đình vẫn chưa thể trở về nhà kể từ khi sơ tán.

Cơ quan Quản lý di sản quốc gia Hàn Quốc cho biết, sau thảm họa cháy rừng kéo dài một tuần tại khu vực Đông Nam nước này, có đến 30 di sản văn hóa đã bị ảnh hưởng, trong đó có 11 di sản cấp quốc gia và 16 di sản được chỉ định cấp thành phố hoặc tỉnh. Trước tình hình khẩn cấp, Cơ quan Quản lý Di sản Quốc gia đã huy động khoảng 750 nhân viên triển khai các biện pháp bảo vệ khẩn cấp, bao gồm phun nước chống cháy và lắp đặt các tấm chống nhiệt ngăn lửa cùng tấm phủ chống cháy.

Tổng thống lâm thời Han Duck-soo khẳng định chính phủ sẽ hỗ trợ hành chính và tài chính cho những người bị di dời cho đến khi họ trở lại cuộc sống bình thường. Trong một cuộc họp tại Seoul về ứng phó với cháy rừng, ông Han Duck-soo cũng kêu gọi các cơ quan chữa cháy theo dõi chặt chẽ tàn lửa.

Ngày 28/3, quân đội Hàn Quốc đã triển khai thêm 1.000 binh lính và 49 trực thăng để giúp dập tắt các đám cháy rừng. Giới chức Hàn Quốc cho biết với lực lượng tăng cường, tổng số lượng nhân sự quân đội được điều động là hơn 6.300 người và hơn 260 trực thăng để dập tắt các đám cháy rừng bùng phát vào tuần trước tại các khu vực ở các tỉnh Gyeongsang Bắc và Gyeongsang Nam. Ngoài ra, thêm 2.500 binh lính và 9 trực thăng đã sẵn sàng để triển khai thêm nếu cần thiết.

Đám cháy xảy ra trong bối cảnh khu vực này đã trải qua thời tiết khô hạn bất thường với lượng mưa dưới mức trung bình.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nong-trong-tuan-tham-hoa-dong-dat-tai-myanmar-thue-quan-cua-tong-thong-trump-lai-nong-20250329180000432.htm