Nóng vấn đề an toàn thực phẩm mùa lễ hội
Tháng giêng có hàng ngàn lễ hội lớn nhỏ ở các địa phương. Cùng với hoạt động lễ hội, những quán ăn thời vụ mọc lên như nấm sau mưa, rất nhiều quán không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Kiểu làm ăn thời vụ
Tại các khu du lịch, đền chùa, lễ hội trên cả nước, thời điểm hiện tại, lượng người đổ về rất đông. Ngay phía ngoài cổng và trong khuôn viên các khu vực lễ hội, hàng quán, gánh hàng rong sôi động. Đâu cũng bắt gặp hình ảnh bày bán các mặt hàng như bỏng, chè lam, xúc xích, thịt viên chiên, nước mía… không được che đậy hay bảo quản.
Chứng kiến hậu trường của nhiều cơ sở kinh doanh khu vực lễ hội mới thấy sự nhếch nhác của các quán ăn thời vụ này. Những chiếc nồi, niêu, xô chậu bám đầy bụi, cáu bẩn do lâu ngày không được vệ sinh, những xô nước đục ngầu được chủ quán dùng để rửa hết lượt cốc này đến lượt cốc khác. Khu vực chế biến thì thực phẩm chín, sống để lẫn lộn, người phục vụ tay trần bốc bún, bốc bánh phở, cắt bánh đúc rồi quay sang lau dọn bát đũa, bàn ghế, đếm tiền trả lại khách.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (tính từ ngày 8/2 đến 14/2), cả nước ghi nhận tổng số 616 ca khám, cấp cứu ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa; trong đó có 314 ca nhập viện theo dõi điều trị. Nghiêm trọng nhất là vụ việc xảy ra tại tỉnh Bạc Liêu, tại bữa tiệc gia đình vào ngày 11/2 làm 4 người nhập viện điều trị, trong đó có 2 người tử vong.
Theo ông Nguyễn Hùng Long, hiện việc phân công nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm đang có 3 bộ là Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng kiểm tra, quản lý, nhưng theo Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư, việc quản lý về an toàn thực phẩm sẽ về một đầu mối. Khi đó, dù một đầu mối là bộ nào quản lý, thì sự phối hợp liên ngành vẫn cần phải tiếp tục.
Tại di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (Mỹ Đức) ngay trong ngày đầu khai hội (mùng 6 Tết), đã đón hơn 21.000 lượt khách. Với lượng khách đông như vậy, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm tại đây luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ.
Nói về nguy cơ của người dân khi sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn tại các khu vực tổ chức lễ hội, bà Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, việc thực phẩm được bày bán lộ thiên, dụng cụ ăn uống không được vệ sinh sạch sẽ có thể khiến thực khách mắc bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn E.coli, lao phổi, viêm gan… Do vậy, những người kinh doanh, buôn bán thực phẩm ăn uống tại các lễ hội cần nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với sức khỏe người tiêu dùng và kinh doanh có đạo đức.
PGS-TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) lưu ý, những thực phẩm có nguồn gốc động vật, giàu đạm như thịt, hải sản, sữa rất dễ bị ôi thiu, chỉ cần sơ suất nhỏ trong chế biến, bảo quản là vi khuẩn phát triển.
Cần phối hợp liên ngành
Chia sẻ về khó khăn trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm nói chung và mùa lễ hội nói riêng, ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nêu thực tế, hiện lực lượng cán bộ phụ trách công tác này rất mỏng. Một tỉnh chỉ có một chi cục hoặc thậm chí chỉ là một phòng trong Sở Y tế thực hiện nhiệm vụ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuyến huyện có vài người, tuyến xã, phường thì vài cán bộ y tế làm kiêm nhiệm. Trong khi, trên toàn quốc có khoảng 700.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn nhỏ. Với lực lượng như vậy khó mà kiểm soát hết được.
Cho nên, vấn đề trọng tâm vẫn là tuyên truyền để người sản xuất, người tiêu dùng tuân thủ theo quy định. Kiểm tra để xác định những nơi nào là nhóm thực phẩm nguy cơ, cơ sở nào có phản ánh của người dân không tốt sẽ tập trung kiểm tra.
Về chế tài xử lý, theo ông Long, mức xử phạt hiện nay không phải là thấp, những cơ sở nhỏ có khi bị phạt đến mấy chục triệu đồng. Những doanh nghiệp lớn, sản xuất số lượng nhiều, khi vi phạm có thể bị phạt đến hàng tỷ đồng. "Chế tài khá nghiêm khắc. Tuy nhiên, thực tế trong xã hội luôn có những thành phần bất chấp pháp luật để làm giàu bất chính. Đó là lý do dù chế tài xử phạt nặng đến đâu thì vẫn có những người vi phạm", ông Nguyễn Hùng Long lý giải.
Hà Nội là địa bàn có nhiều lễ hội, đền chùa, thu hút lượng lớn du khách. Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, bà Vũ Thu Hà yêu cầu 3 sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, phát hiện kịp thời các thực phẩm không bảo đảm chất lượng để cảnh báo đến người tiêu dùng. Đặc biệt, các sở, ngành chức năng cần tập trung cao độ, hành động quyết liệt nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ người dân. Các địa phương cần xác định rõ địa bàn trọng điểm cần tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời chủ động tiến hành thanh, kiểm tra theo thẩm quyền.
Được biết, đường dây nóng của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm TP. Hà Nội do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm vận hành, làm đầu mối tiếp nhận thông tin 24/7. Từ thông tin tiếp nhận, các bên có trách nhiệm xác minh, vào cuộc xử lý trong thời gian sớm nhất.
Về phía địa phương, theo ông Trần Ngọc Tráng, Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức, tại lễ hội chùa Hương năm nay có 318 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trước khi lễ hội diễn ra, chính quyền địa phương đã tổ chức tập huấn, khám sức khỏe cho những người tham gia chế biến thực phẩm, đồng thời, yêu cầu cơ sở ký cam kết. Nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, chủ cơ sở sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nong-van-de-an-toan-thuc-pham-mua-le-hoi-d209301.html