Noo Phước Thịnh vẹo vách ngăn mũi: Không mổ có nguy hiểm?
Ngay sau khi ca sĩ Noo Phước Thịnh chia sẻ anh bị vẹo vách ngăn mũi nên nhiều lúc phải hát giọng pha, mạng xã hội đã có những tranh luận trái chiều: nhiều người khuyên anh nên mổ để trừ hậu họa; ý kiến khác lại cho rằng nếu đã 'chung sống' với vẹo vách ngăn mũi thì không nên mổ để tránh nguy cơ thay đổi giọng hát. Chúng tôi ghi nhận ý kiến chuyên môn của bác sĩ để làm rõ hơn những tranh luận này.
Noo Phước Thịnh bước vào con đường ca hát từ cách đây 15 năm và sớm tạo dựng được tên tuổi bằng chất giọng đẹp, ấm áp, cảm xúc. Thế nhưng cũng ngần ấy năm, anh thường đối diện với những nhận xét kỹ thuật thanh nhạc chưa chuẩn, cách hát không phù hợp với cổ họng cũng như quãng giọng, dẫn đến sự bí bách và cảm giác nghẹn trong giọng hát.
Lỗi nasal (hát giọng mũi) mà nhiều người gọi “giọng viêm xoang” cũng thường xuyên xuất hiện ở Noo Phước Thịnh, làm phát âm của anh đôi khi trở nên khó nghe, chói tai.
Thở bằng “một lỗ mũi rưỡi”
Là khách mời đầu tiên trong talkshow Muse it do ca sĩ Thu Minh thực hiện, công chiếu trên Youtube tối 15.6, cũng là lần đầu tiên Noo Phước Thịnh chia sẻ vì sao giọng hát anh có những dị thường. Cụ thể, khi Thu Minh đưa ra thử thách đo quãng giọng từ nốt thấp đến cao để biết vị trí âm thanh và đặc trưng nào đã tạo nên dấu ấn riêng trong giọng hát, anh đã trưng trổ các kỹ thuật của giọng thật và giọng pha. Sau khi nghe, Thu Minh nhận xét giọng anh lên cao nghe rất bay bổng và mềm mại.
Đáp lời đàn chị, Noo Phước Thịnh nói: “Em cố gắng thôi, vì em xài giọng pha nhiều hơn. Mọi người thở bằng hai lỗ mũi còn em chỉ có thể gọi là một cái lỗ mũi rưỡi. Do em bị vẹo vách ngăn và có một xương đâm ngang mũi, cho nên nhiều khi em hay bị lên xoang lắm. Cũng tại vì vách ngăn nên nó dễ làm viêm ở trong đây”.
Noo Phước Thịnh cho biết cuộc sống nhiều áp lực khiến anh có xu hướng rúc vào “vỏ ốc” của mình và không giỏi đôi co, biện luận với bất cứ ai. “Đâu có ai biết cách làm một ngôi sao, đâu có ai biết cách làm một người nghệ sĩ toàn vẹn. Em vất vả lắm để giữ những hình ảnh như thế này. Đôi khi nói điều gì đó, làm điều gì đó em phải cân nhắc rất nhiều. Âm nhạc là một chuyện nhưng điều quan trọng là âm nhạc phản ánh lên văn hóa. Âm nhạc phản ánh lên tư duy và âm nhạc phản ánh lên cả con người của nghệ sĩ. Đến giai đoạn này em muốn mình sống như một nghệ sĩ, không phải như một thần tượng…”, Noo Phước Thịnh bày tỏ.
Dấu hiệu vẹo vách ngăn mũi
S-CK1. Nguyễn Tuấn Lâm (bác sĩ tai mũi họng Khoa Khám bệnh và nội khoa, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec) cho biết, vách ngăn là cơ quan nằm giữa và chia đôi hốc mũi, được cấu tạo gồm có phần sụn và xương, có chiều dài khoảng 8cm, đi từ tiền đình mũi cho đến vòm mũi họng. Trên thực tế, vẹo vách ngăn mũi (lệch vách ngăn mũi) rất thường gặp và đa phần do bẩm sinh.
Ngoài nguyên nhân bẩm sinh thì cũng có những trường hợp bị vẹo vách ngăn mũi do: chấn thương vùng mũi (với trẻ nhỏ có thể do một sang chấn trong quá trình chuyển dạ của người mẹ; với trẻ lớn và người lớn có thể do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông hay do bạo lực,… gây tác động cơ học vào vùng mặt, mũi dẫn đến vẹo vách ngăn); quá trình lão hóa (sự lão hóa bình thường của cơ thể người cũng có thể làm thay đổi cấu trúc của mũi và vách ngăn mũi bị vẹo sang một bên theo thời gian dài); viêm mạn tính vùng mũi, viêm mũi dị ứng, viêm xoang (động tác quẹt mũi thường xuyên do viêm cũng có thể làm thay đổi cấu trúc vách ngăn, dẫn tới tình trạng vẹo vách ngăn mũi).
Đa số trường hợp vách ngăn mũi bị vẹo đều không có biểu hiện gì phức tạp. Có thể nhận biết qua các triệu chứng: nghẹt mũi, chảy máu mũi, đau vùng mặt, thở ồn ào khi ngủ, xu hướng nằm nghiêng khi ngủ, nhức nửa đầu, nhức hốc mắt…
“Triệu chứng hay gặp ở những người bị vẹo vách ngăn mũi đến bác sĩ khám là nhức đầu. Bệnh nhân thường nhức nửa đầu, có thể bên phải hay bên trái, tùy theo mũi bị vẹo bên nào hoặc có thể bị nhức trong hốc mắt cùng bên với vách ngăn vẹo, cũng có trường hợp nhức cả hai bên rồi lan ra vùng chẩm phía sau.
Triệu chứng đau nhức đầu mặc dù không mấy dữ dội nhưng diễn ra thường xuyên, âm ỉ và dai dẳng, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu suốt cả ngày. Đôi khi buổi tối ngủ một giấc hôm sau hết bệnh, nhưng vài hôm sau đó lại tái diễn. Tình trạng nhức đầu tăng lên khi trời nắng gắt hoặc khi trời trở lạnh, nặng hơn với phụ nữ trong những ngày hành kinh. Nhức đầu thường xuyên dẫn đến mất tập trung, khó làm việc và khiến cho người bệnh cảm thấy bực bội, cáu gắt…”, BS. Lâm cho biết.
Khi nào phải mổ?
Vẹo vách ngăn mũi được phân thành nhiều dạng: vẹo một bên mũi (theo hình chữ C, vách ngăn chỉ vẹo qua bên trái hoặc bên phải); vẹo hai bên mũi (hình chữ S, vừa có thể bị vẹo sang trái, vừa có thể vẹo sang phải); gai hoặc mào vách ngăn mũi; dày chân vách ngăn… “Nếu để nghẹt mũi kéo dài do vẹo vách ngăn mũi, nguy cơ sẽ dẫn đến viêm mũi, viêm xoang. Mặt khác, nghẹt mũi lâu ngày cũng ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch do đường thở không thông thoáng dẫn đến hạn chế khả năng thở và hấp thu oxy, ảnh hưởng đến trí nhớ cũng như năng suất làm việc. Ngoài ra, vách ngăn bị vẹo trong thời gian dài không được điều trị còn có thể tạo ra điểm kích thích bên trong hốc mũi, làm tăng thêm tình trạng bệnh viêm mũi dị ứng và nặng thêm bệnh lý hen suyễn nếu có, ngoài ra còn làm giảm chức năng khứu giác”, BS. Lâm chia sẻ.
Cũng theo BS. Lâm, vẹo vách ngăn mũi là sự biến đổi cấu trúc thực thể nên việc điều trị nội khoa khó có thể hết được. Chỉ định dùng thuốc thường là để điều trị những triệu chứng do vách ngăn bị vẹo gây nên (thuốc chống nghẹt mũi, thuốc chống dị ứng...). Nếu vẹo vách ngăn ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống như: gây nghẹt mũi nghiêm trọng, đau đầu, viêm xoang, là điểm kích thích gây viêm mũi dị ứng… thì cần xem xét chỉ định phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn, theo phương pháp cổ điển hoặc nội soi. Mục đích cuối cùng của phương pháp điều trị này là đưa vách ngăn trở về đúng vị trí trung vị tại đường giữa của hai bên mũi, giúp khả năng thông khí ở hai bên mũi đều nhau.
“Ranh giới giữa phẫu thuật và không phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi là ở mức độ bệnh. Trên thực tế, vẹo vách ngăn mũi có cần phẫu thuật hay không sẽ tùy từng trường hợp cụ thể. Theo đó, hướng điều trị sẽ khác nhau đối với từng bệnh nhân, chứ không phải cứ bị vẹo vách ngăn là phải mổ. Nếu chỉ bị vẹo ở mức độ nhẹ, triệu chứng không đáng kể, thì bác sĩ chỉ cần tiến hành chỉnh, nắn vách ngăn lại đôi chút.
Trường hợp vẹo nhiều, gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng, kéo dài thì mới cần thiết làm phẫu thuật để chỉnh hình vách ngăn”, BS. Lâm cho biết.
Hữu Đức - Minh Hoàng